Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường được xác định bởi các yếu tố như cân nặng và chiều cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng em bé suy dinh dưỡng như chế độ chăm sóc trẻ không phù hợp, do chế độ ăn của trẻ dẫn tới trẻ thiếu dưỡng chất, thiếu vi chất,...
1. Những yếu tố khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường được xác định dựa vào các yếu tố như chiều cao và cân nặng, hay nói cách khác nếu cân nặng thấp hơn so với tuổi mà chiều cao vẫn bình thường thì gọi là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, còn cân nặng bình thường và chiều cao của trẻ thấp hơn so với lứa tuổi được gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đối với trường hợp cả chiều cao và cân nặng đều thấp hơn so với tuổi thì được gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.
Có nhiều nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng, trong đó những yếu tố thường gặp khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng đó là:
- Khi sinh ra trẻ cân nặng dưới 2,5 kilogram, trẻ đẻ non, dị tật sứt môi hở hàm ếch, suy dinh dưỡng bào thai, tim bẩm sinh,...
- Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc trẻ cai sữa sớm. Bởi vì sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất, nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời hoặc cai sữa sớm sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch và mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Nên cho trẻ bú mẹ đến khi 24 tháng tuổi và không được cai sữa cho bé khi chưa cho trẻ ăn bổ sung dinh dưỡng hay khi trẻ bị ốm.
- Chế độ ăn của trẻ không phù hợp với lứa tuổi như ăn bổ sung quá sớm, thức ăn đơn điệu dẫn tới trẻ thiếu dưỡng chất, không đủ các nhóm thực phẩm như tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất. Hoặc trường hợp thiếu vi chất ở trẻ như sắt, kẽm, iot, vitamin A.
- Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ quá muộn hoặc quá sớm: cha mẹ cho bé ăn bổ sung sớm hoặc quá muộn, thành phần thức ăn không đảm bảo chất lượng. Cho trẻ ăn bổ sung sớm sẽ dẫn tới tình trạng trẻ ít bú sữa mẹ, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh do trẻ thiếu dưỡng chất và những yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng sớm cho trẻ còn khiến trẻ dễ bị dị ứng bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể tiêu hóa được hết các loại protein có trong thức ăn. Cho trẻ ăn bổ sung quá muộn sẽ khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, bởi vì từ 6 tháng tuổi sữa mẹ sẽ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nữa.
- Trong hai năm đầu đời trẻ thường xuyên mắc nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, tiêu chảy, sởi, giun sán,...
- Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ cũng có thể do di truyền từ bố mẹ.
- Yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội: em bé suy dinh dưỡng thường xảy ra ở những bé sống trong các hộ gia đình đông con, nghèo nàn,... Ngoài ra, tập quán lạc hậu trong nuôi dưỡng, dịch vụ y tế kém hoặc chăm sóc kém khoa học cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ bị suy dinh dưỡng.
2. Phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ
Để phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng, cha mẹ cần hạn chế các yếu tố nguy cơ bằng cách chăm sóc dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai và cho trẻ nhỏ đặc biệt là trong 2 năm đầu đời.
2.1 Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho phụ nữ có thai
- Ăn thức ăn đa dạng và có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính bao gồm: tinh bột, ngũ cốc, đạm động vật, dầu mỡ, đậu đỗ, rau xanh hoa quả.
- Từ khi mang thai đến 1 tháng sau khi sinh mẹ bầu cần uống thêm viên sắt.
- Trong 12 tuần đầu mang thai uống thêm acid folic.
- Khám thai định kỳ và theo dõi tăng cân của thai nhi theo từng quý để bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
- Chích ngừa phòng uốn ván sơ sinh.
2.2 Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và tiếp tục cho bú đến khi 24 tháng tuổi.
- Cho trẻ ăn dặm ăn bổ sung bắt đầu từ tháng thứ 5. Chế độ ăn cần đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất bao gồm tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ và tăng cường thêm chất béo bằng cách loại thực phẩm như dầu, lạc, mỡ, vừng,...
- Khi trẻ bị bệnh cha mẹ không nên kiêng khem quá mức. Hãy tiếp tục cho trẻ bú mẹ và ăn nhiều bữa ăn trong ngày, lựa chọn thức ăn dễ tiêu hóa và đủ nhóm chất dinh dưỡng.
- Tiêm chủng đầy đủ vắc xin cho trẻ.
- Có thể bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng ví dụ như: vitamin A, vitamin D, kẽm sinh học để giúp cho trẻ phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.
- Thực hiện vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch và tạo thói quen rửa tay trước khi cho trẻ ăn và trước khi chế biến thức ăn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tẩy giun định kỳ.
- Thực hiện gia đình hạnh phúc và có nếp sống văn hóa lành mạnh. Có biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển của trẻ.
Tóm lại, em bé suy dinh dưỡng là tình trạng thường gặp và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như chế độ chăm sóc trẻ không phù hợp, do chế độ ăn của trẻ dẫn tới trẻ thiếu dưỡng chất, thiếu vi chất,... Do vậy, cha mẹ cần phải chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu chán ăn, sụt cân hay không phát triển theo biểu đồ tăng trưởng cần đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh để được đánh giá, tư vấn và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi nguyên nhân và các giải pháp điều trị
- Thế nào là suy dinh dưỡng bào thai?
- Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai tới sự phát triển của trẻ