Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tân Cương - Trưởng đơn nguyên Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hẹp khúc nối bể thận- niệu quản làm cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thận có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất của bệnh hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trong đó phẫu thuật có sự hỗ trợ Robot là một hướng phẫu thuật mới có nhiều ưu điểm vượt trội.
1. Bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là gì?
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường ở phần nối giữa bể thận và niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Nước tiểu giữa bể thận với niệu quản bị tắc nghẽn làm bể thận bị ứ nước, giãn to. Nếu không được điều trị, thận có thể bị hủy hoại hoàn toàn.
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên, nhưng tỉ lệ hẹp bên trái cao hơn bên phải gấp hai lần. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh thường gặp ở trẻ em khoảng 5 tuổi, ở người lớn bệnh thường được chẩn đoán ở tuổi 30-40 với tỉ lệ gặp ở nam cao gấp đôi nữ giới. Bệnh có khuynh hướng gia đình, nếu trong gia đình có người thân bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây hẹp khúc nối bể thận- niệu quản như:
- Bẩm sinh: niệu quản cắm vào bể thận ở vị trí bất thường, đoạn khúc nối không có nhu động;
- Mạch máu bất thường chèn ép vào niệu quản;
- Phản ứng viêm tạo xơ sau phẫu thuật hoặc các chấn thương: sau phẫu thuật niệu quản, nang giả niệu nhiễm trùng, xơ hóa sau phúc mạc...
- Khối u lành tính hoặc ác tính ở đường tiết niệu...
Bệnh thường tiến triển âm thầm không gây các triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi siêu âm ổ bụng hoặc khi đã xuất hiện các biến chứng thận ứ nước lớn, giảm chức năng một phần hoặc hoàn toàn.
Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ có một hoặc nhiều các triệu chứng như:
- Đau hông lưng: đau một bên hông lưng, đau mơ hồ lâu ngày, mỏi lưng tái diễn. Triệu chứng điển hình: khi uống nhiều nước sẽ gây đau lưng, đau cách hồi kèm buồn nôn và nôn hoặc cơn đau quặn thận.
- Các triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bể thận, suy thận.
2. Phẫu thuật hẹp khúc nối bể thận niệu quản
Phương pháp điều trị chính của bệnh hẹp khúc nối bể thận- niệu quản là phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật hẹp khúc nối bể thận niệu quản bao gồm:
- Nội soi niệu quản xẻ rộng chỗ hẹp
Thường dùng cho trường hợp hẹp khúc nối niệu quản – bể thận ở mức độ nhẹ hoặc vừa, không có mạch máu chèn ép niệu quản. Laser được dùng để rạch rộng trong lòng đoạn niệu quản hẹp tại phần nối bể thận - niệu quản, ống niệu quản được nong rộng, sau đó đặt một ống thông double J vào niệu quản. Có hai phương pháp tiếp cận: Nội soi thận qua da hoặc nội soi niệu quản ngược dòng.
- Phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở để cắt bỏ đoạn hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, sau đó tạo hình khâu nối niệu quản với bể thận. Đây là phương pháp đang được áp dụng phổ biến hiện nay.
Phẫu thuật sẽ cải thiện khả năng thoát nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Chỉ thực hiện cắt thận khi thận đã mất chức năng (chức năng thận bên có bệnh còn dưới 10-15%) và thận còn lại chức năng còn tốt.
Bệnh nhân sau phẫu thuật cần được theo dõi liên tục làm các xét nghiệm hình ảnh như: Siêu âm hệ tiết niệu, X - quang niệu đồ tĩnh mạch, CT Scan hệ tiết niệu hoặc Xạ hình thận để kiểm tra bệnh có tái phát không.
3. Phẫu thuật với Robot hỗ trợ trong điều trị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản
Phẫu thuật với Robot hỗ trợ là một bước phát triển vượt bậc của ngoại khoa, một hướng tiếp cận mới nhiều triển vọng và là xu hướng phát triển của ngành phẫu thuật. Phẫu thuật với Robot hỗ trợ có nhiều ưu điểm so với mổ hở và mổ nội soi kinh điển.
Với cấu trúc tinh vi, hiện đại, mô phỏng hoàn hảo hoạt động của tay người, góc phẫu thuật rộng lên đến 540 mà không cánh tay con người nào có thể thực hiện được, hình ảnh phóng đại ba chiều nên robot có khả năng chẩn đoán và thực hiện phẫu thuật chính xác, ít xâm lấn. Do đó, phẫu thuật với Robot hỗ trợ mang đến hiệu quả điều trị và độ an toàn cao, giảm đau đớn và các biến chứng cho người bệnh, đảm bảo tính thẩm mỹ, giúp rút ngắn thời gian nằm viện, người bệnh nhanh hồi phục.
Phẫu thuật với Robot ít xâm lấn hỗ trợ điều trị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản đang được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Tại đây trang bị Robot Dex Flex hiện đại với cấu trúc tinh vi và nhiều ưu điểm vượt trội. Cánh tay phẫu thuật Robot rất linh hoạt, mô phỏng hoàn hảo các thao tác phẫu thuật của tay người, đáp ứng các yêu cầu cao nhất của phẫu thuật.
Phẫu thuật với Robot hỗ trợ trong điều trị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản tại bệnh viện Vinmec Central Park được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia Ngoại Tiết Niệu, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tân Cương - Trưởng Đơn Nguyên Ngoại Tiết Niệu, với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại khoa cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.
Để được tư vấn chi tiết về phẫu thuật robot cầm tay trong điều trị bệnh lý Tiết niệu tại Vinmec Central Park, quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE 0283 6221 166 hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
- Phẫu thuật thoát vị bẹn có nguy hiểm?
- U xơ tử cung kích thước thế nào thì nên cắt?
- Thoát vị thành bụng có nguy hiểm?