17-01-2024 13:32

Xỏ khuyên môi có thể dẫn đến tụt lợi

Xỏ khuyên môi có thể dẫn đến tụt lợi

Mặc dù xỏ khuyên trên cơ thể là một hình thức thể hiện bản thân nhưng việc xỏ khuyên môi có thể gây hại cho răng và làm tụt lợi. Chính vì thế, các biến chứng từ việc đeo khuyên môi nên được xem xét trước khi tiến hành sở thích này.

1. Các biến chứng có thể gặp phải khi đeo khuyên môi

1.1 Đau và sưng

xỏ khuyên môi là một thủ thuật đâm xuyên qua các mô khỏe mạnh, vùng bị ảnh hưởng sẽ phản ứng với đau và sưng nề. Trong khi cơn đau và sưng tấy vùng miệng đang xảy ra, bệnh nhân có thể không thể làm sạch răng và nướu của mình một cách triệt để, dễ gây viêm nha chu. Hơn nữa, tình trạng sưng nề có thể cản trở việc ăn và nói.

1.2 Hôi miệng

Vì đồ trang sức dùng xỏ khuyên môi bao phủ mô miệng nên việc chải răng đúng cách sẽ khó hơn. Nếu không đánh răng đúng cách, vi khuẩn mảng bám và mảnh vụn thức ăn có thể tích tụ xung quanh lỗ khuyên gây hôi miệng.

1.3 Nhiễm trùng

Sự tích tụ quá nhiều vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng xung quanh lỗ xỏ khuyên. Dấu hiệu nhiễm trùng có thể là mẩn đỏ, sưng tấy, đau và có mùi hôi. Nếu không điều trị, nhiễm trùng miệng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

1.4 Thay đổi lưu lượng nước bọt

Đeo khuyên môi có thể làm tăng lưu lượng nước bọt. Thông thường, lưu lượng nước bọt dồi dào là một lợi ích vì giúp ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên, quá nhiều nước bọt đôi khi có thể gây tích tụ nhiều vôi răng (cao răng), là những mảng bám vôi hóa cứng lại trên răng và dưới nướu, hậu quả là gây tụt lợi. Để giải quyết, lớp tích tụ cao răng chỉ có thể được loại bỏ khi làm sạch nha khoa chuyên nghiệp.

1.5 Tụt lợi

Do thành phần kim loại của xỏ khuyên môi có thể cọ xát với lợi khi nói, nhai hoặc di chuyển lỗ xỏ khuyên theo thói quen, nên có thể khiến mô lợi bị tụt lại. Tình trạng tụt lợi đôi khi cần phải phẫu thuật để điều chỉnh.

1.6 Bệnh nướu răng

Bởi vì vi khuẩn có hại có thể tích tụ trong miệng khi xỏ khuyên môi, người bệnh sẽ dễ mắc phải bệnh nha chu (bệnh nướu răng). Bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến việc phải phẫu thuật. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây mất răng và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Tụt lợi
Tụt lợi là một trong nhiều biến chứng do xỏ khuyên môi gây ra

2. Vì sao xỏ khuyên môi có thể dẫn đến tụt lợi?

Những người đi xỏ khuyên môi thường mong muốn tạo ra sự khác biệt, cá tính và thu hút sự chú ý. Bên cạnh những điều đạt được này, vì sự tác động của khuyên kim loại lên bề mặt nướu răng, họ cũng có thể bị tụt lợi, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của hàm răng.

Thật vậy, các nhà nghiên cứu cho biết thói quen xỏ khuyên môi không chỉ có thể dẫn đến tụt lợi mà còn có thể làm cho các vấn đề nha khoa trở nên tồi tệ hơn. Khi so sánh nướu của 29 thanh niên từng thực hiện xỏ khuyên môi và 29 người khác chưa từng can thiệp, kết quả cho thấy rằng khoảng một nửa là phụ nữ, tuổi thanh niên và có hơn 40% các trường hợp bị tụt lợi. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 7% bị tụt lợi ở nhóm không từng đeo khuyên môi.

Ngoài ra, mức độ bị tụt lợi ở người xỏ khuyên môi cũng nặng nề hơn hẳn so với người chưa từng can thiệp khi quan sát thấy nướu bị tụt xuống nhiều hơn gấp đôi. Đồng thời, những người tham gia xỏ khuyên môi trong thời gian dài nhất thường bị tác động nặng nề nhất. Tuổi tác, giới tính và các yếu tố khác không quan trọng; chỉ yếu tố khoảng thời gian đeo khuyên môi mới có mối liên hệ cao nhất với hậu quả này.

Bên cạnh sự mài mòn lợi do tác động của đeo khuyên môi, bản thân người này cũng sẽ gặp phải những hạn chế nhất định khi vệ sinh răng miệng. Điều kiện thúc đẩy này có thể là do cảm giác sưng đau tại chỗ hay lo sợ làm di lệch, bung khuyên môi. Chính vì thế, các mảng bám thức ăn trên răng không được làm sạch, lâu ngày sẽ trở thành cao răng và góp phần gây tụt lợi.

3. Làm cách nào để khắc phục tình trạng tụt lợi do xỏ khuyên môi?

Tình trạng tụt lợi là quá trình phần rìa của mô nướu bao quanh răng bị mòn đi hoặc kéo tụt lại, làm lộ ra nhiều thân răng hoặc chân răng. Lúc này, các túi nha khoa hoặc khoảng trống hình thành giữa răng và đường viền nướu rộng ra, khiến vi khuẩn gây bệnh dễ dàng tích tụ. Nếu không sớm được điều trị, thói quen xỏ khuyên môi không chỉ gây tụt lợi thông thường mà còn khiến cho các mô nâng đỡ và cấu trúc xương của răng có thể bị tổn thương nghiêm trọng, cuối cùng có thể dẫn đến mất răng.

Tình trạng tụt lợi do xỏ khuyên môi là một vấn đề răng miệng phổ biến. Hầu hết những người đeo khuyên môi không biết mình bị tụt lợi vì hậu quả này xảy ra dần dần. Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng tụt lợi thường là răng ê buốt hoặc có thể tự nhận thấy răng trông dài hơn bình thường. Lúc này, tình trạng tụt lợi không phải là điều có thể dễ dàng bỏ qua. Người bệnh cần sớm tháo bỏ khuyên môi để có điều kiện hồi phục trở lại cũng như thăm khám nha sĩ sớm nếu tình trạng tụt lợi nặng nề. Những phương pháp điều trị tụt lợi sẽ được cân nhắc để có thể sửa chữa nướu và ngăn ngừa tổn thương thêm.

Nếu mắc tình trạng nhẹ, người bệnh có thể được nha sĩ điều trị tụt lợi bằng cách làm sạch sâu vùng bị ảnh hưởng, thường là bằng cách cạo vôi răng. Dưới áp lực của dòng nước áp suất cao, những những mảng bám và cao răng tích tụ sẽ được loại bỏ, làm cho vi trùng khó trú ngụ và gây bệnh hơn. Thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn có hại nào còn sót lại.

Trong trường hợp tụt lợi nặng, nhiễm trùng gây tiêu xương, tạo thành những túi nha khoa kích thước lớn, khó làm sạch sâu, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật tụt lợi để sửa chữa những tổn thương hệ quả, khống chế nhiễm trùng lan rộng.

Người bệnh bị tụt lợi nên thăm khám bác sĩ nha khoa để được tư vấn
Người bệnh bị tụt lợi nên thăm khám bác sĩ nha khoa để được tư vấn

4. Làm thế nào để có thể ngăn chặn tụt lợi khi xỏ khuyên môi?

Khi xỏ khuyên môi là một sở thích, là một đam mê không thể từ bỏ, cách tốt để ngăn ngừa tình trạng tụt lợi là bắt buộc tuân thủ các biện pháp chăm sóc răng miệng thật tốt. Điều này cơ bản bao gồm đánh răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày cũng như đi khám nha sĩ ít nhất hai lần một năm theo khuyến cáo.

Nếu nghi ngờ bản thân bị tụt lợi, người bệnh cần đi khám nha khoa sớm hơn để được can thiệp, phòng tránh để nướu bị tụt xuống nặng nề hơn và nhanh chóng hơn. Luôn sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và thực hiện các bước chải răng đúng cách. Nếu có thêm tật khớp cắn lệch hoặc có tình trạng nghiến răng khi ngủ, người bệnh cần sớm được điều chỉnh vì đây cũng là những nguyên nhân gây tụt lợi khác.

Ngoài ra, người xỏ khuyên môi cũng cần tuân thủ thêm các cách khác để ngăn ngừa suy thoái nướu răng, bao gồm:

  • Cai thuốc lá
  • Uống nhiều nước
  • Xây dựng chế độ ăn uống giàu trái cây, rau củ như một nguồn dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa
  • Thường xuyên theo dõi những thay đổi có thể xảy ra trong miệng

Tóm lại, khi quyết định xỏ khuyên môi hoặc tiếp tục đeo khuyên môi, một người cần phải chú ý đến sức khỏe răng miệng của mình nhiều hơn nữa. Vệ sinh răng miệng đúng cách là cần thiết để loại bỏ vi khuẩn có hại có thể gây nhiễm trùng, hậu quả là tụt lợi. Hơn nữa, cần thường xuyên đến thăm khám nha sĩ để phát hiện sớm tình trạng tụt lợi, phòng tránh những tổn thương vĩnh viễn đối với răng và nướu. Như vậy, bằng cách chăm sóc răng miệng tốt, mỗi người có thể tự tin với một chiếc khuyên môn cá tính cùng một nụ cười khỏe mạnh lâu dài.

XEM THÊM:
  • Dùng chỉ nha khoa có làm thưa răng?
  • Thêm lý do tại sao bạn nên dùng chỉ nha khoa
  • Tụt nướu và mòn chân răng bao lâu có thể mất răng?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan