Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Khắc Hiệu - Bác sĩ sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Độ tuổi 40 chính là mốc thời gian lý tưởng để đánh giá các tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, từ đó giúp thay đổi các thói quen tiêu cực trong quá khứ và duy trì một cơ thể khỏe mạnh trong những năm tiếp theo của cuộc đời.
Dưới đây là những xét nghiệm y tế cơ bản đối với những phụ nữ ở độ tuổi 40.
1. Kiểm tra đường huyết
Việc tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như: Xúc xích, khoai tây chiên, soda; kèm theo sự tăng cân do thay đổi hormone đã khiến cho tuyến tụy của cơ thể phải hoạt động quá mức cho phép. Tình trạng này nếu không được cải thiện sớm có thể dẫn tới bệnh tiểu đường.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo những người trên 45 tuổi nên được kiểm tra đường huyết lúc đói, và cứ sau ba năm lại thực hiện xét nghiệm một lần. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra đường huyết sớm hơn, hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào các yếu tố rủi ro về sức khỏe của bạn.
2. Kiểm tra ngực và chụp quang tuyến vú
Ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Do đó, việc kiểm tra vú thường xuyên là một điều vô cùng quan trọng nhằm phát hiện ra ung thư từ sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, những phụ nữ có độ tuổi từ 40 trở lên nên tự kiểm tra vú định kỳ tại nhà, hoặc đi khám vú 1 lần/năm.
Đối với trường hợp tự kiểm tra vú tại nhà, bạn nên theo dõi về những dấu hiệu thay đổi của vú, chẳng hạn như: Sự khác biệt về hình dạng, kích thước, hay có xuất hiện bất kỳ nốt phát ban hoặc khối u nào bên trong vú hay không.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, phụ nữ sau 40 tuổi cũng nên thực hiện chụp X quang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú. Ở người Việt Nam do mô vú đặc nên xét nghiệm sàng lọc thường phối hợp giữa X quang tuyến vú và siêu âm vú. Các xét nghiệm có thể được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần, hoặc cách năm.
3. Kiểm tra huyết áp
Đối với một người khỏe mạnh sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu bình thường là dưới 120 và huyết áp tâm trương bình thường là thấp hơn 80.
Nếu huyết áp tăng cao, trong đó huyết áp tâm thu dao động từ 120-129, và huyết áp tâm trương dưới 80; bạn nên kiểm tra mức huyết áp khoảng 3-6 tháng một lần.
Nếu bị tăng huyết áp giai đoạn 1 (130-139/89-90), bệnh nhân nên thay đổi lối sống lành mạnh hơn và lên lịch tái khám sau 3-6 tháng.
Những người bị tăng huyết áp giai đoạn 2 (140/90, thậm chí là cao hơn) có thể phải sử dụng thuốc để điều chỉnh mức huyết áp, và thường tái khám sau một tháng.
4. Kiểm tra nồng độ cholesterol
Cholesterol là một loại chất béo, được sản xuất từ gan của cơ thể. Bạn có thể nhận được nhiều lượng cholesterol hơn thông qua một số loại thực phẩm, bao gồm động vật.
Tuy nhiên, nếu cơ thể có quá nhiều cholesterol, chúng sẽ tích tụ lại tại thành của động mạch, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, làm thu hẹp động mạch và khiến máu khó lưu thông hơn.
Theo thống kê, tại Mỹ có hơn 71 triệu người trưởng thành có mức cholesterol cao, một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ. Để biết được chính xác mức cholesterol trong cơ thể, bạn cần phải thực hiện xét nghiệm cholesterol trong máu theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu nồng độ cholesterol LDL (Lipoprotein mật độ thấp- cholesterol xấu) là 190 mg/dL trở lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, và bệnh nhân nên được điều trị tích cực, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, hoặc sử dụng liệu pháp statin.
Các bác sĩ thường khuyến cáo những người trưởng thành trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol khoảng 5 năm/lần. Ngoài ra, những người có nguy cơ hoặc có tiền sử gia đình bị mắc bệnh tim cũng cần được kiểm tra nồng độ cholesterol thường xuyên hơn.
5. Kiểm tra cân nặng
Thừa cân, hay béo phì có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể, nhất là đối với những phụ nữ trên 40 tuổi. Các tế bào mỡ thừa, cùng một số kích thích tố khác có thể dẫn đến tình trạng viêm và một số căn bệnh mãn tính khác, bao gồm: Tiểu đường, hoặc tim mạch...
Ngoài ra, béo phì còn gây thêm áp lực cho xương khớp, và các cơ quan khác của cơ thể, khiến chúng hoạt động vất vả hơn mức bình thường.
Đối với những người trưởng thành, béo phì thường được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu chỉ số BMI > 30, tức là bạn đã bị mắc bệnh béo phì. Để cải thiện cân nặng của mình, bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít chất béo, và hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn.
6. Khám vùng chậu và xét nghiệm Pap
Những phụ nữ sau 40 tuổi vẫn cần phải thực hiện khám vùng chậu và xét nghiệm Pap định kỳ, đặc biệt là những người có các hoạt động tình dục. Những xét nghiệm này không chỉ giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh ung thư nguy hiểm, mà còn ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
Xét nghiệm Pap sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp tầm soát sớm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tần suất thực hiện phết Pap sẽ được chỉ định theo yêu cầu của bác sĩ.
7. Kiểm tra da
Các chuyên gia da liễu thường khuyến cáo phụ nữ nên đi kiểm tra da ít nhất 1 lần/năm. Tình trạng sạm da lâu năm có thể dẫn đến bệnh ung thư da. May mắn thay, đa số các bệnh ung thư da đều có khả năng chữa khỏi.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi kiểm tra da định kỳ nếu phát hiện có các dấu hiệu bất thường trên da, chẳng hạn như nốt ruồi, hoặc các thay đổi khác.
8. Kiểm tra mắt
Bạn nên đi kiểm tra mắt thường xuyên cứ sau 1-2 năm cho đến khi 60 tuổi. Điều này giúp phát hiện sớm những vấn đề phổ biến ở mắt, như viễn thị, cận thị, tăng nhãn áp, hoặc thoái hóa điểm vàng.
Tần suất kiểm tra mắt có thể thường xuyên hơn nếu bạn là người có vấn đề về thị lực hoặc các yếu tố rủi ro gây ra các vấn đề về mắt.
9. Tiêm chủng vắc-xin
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc có nên tiêm phòng uốn ván, bạch cầu, ho gà, hoặc vắc-xin viêm phổi hay không. Ngoài ra, hầu hết những người trưởng thành nên đi tiêm phòng cúm mùa vào cuối mùa thu.
Nguồn tham khảo: webmd.com
- Tình dục tuổi mãn kinh: Những điều cần biết
- 10 cách để đối phó với các triệu chứng mãn kinh
- Xét nghiệm Pap sau mãn kinh