Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ung thư hạch là bệnh phát triển trong các tế bào của hệ thống bạch huyết. Xét nghiệm máu hoặc sinh thiết hạch là cách để chẩn đoán bệnh. Để xác định xem mức độ lây lan của ung thư, bệnh nhân có thể phải làm sinh thiết tủy xương, chọc dò thắt lưng và các chẩn đoán hình ảnh khác. Điều trị bệnh tùy thuộc vào loại ung thư hạch, giai đoạn của bệnh cũng như tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
1. Ung thư hạch và những điều cần biết
Ung thư bạch huyết là bệnh ung thư phát triển trong các tế bào bạch cầu (tế bào bạch huyết) của hệ thống bạch huyết. Tế bào bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ thống bạch huyết bao gồm một mạng lưới các kênh nhỏ tương tự như các mạch máu lưu thông chất lỏng (gọi là bạch huyết), các hạch bạch huyết, tủy xương và một số cơ quan trong cơ thể đều được tạo thành từ tế bào bạch huyết. Hạch bạch huyết có hình bầu dục dẹp, chúng có mặt ở khắp cơ thể nhưng chúng tập trung nhiều ở một số vùng như cổ, nách, bẹn.
Có hai loại ung thư hạch chính: Hodgkin (HL) và không Hodgkin (NHL). Ở mỗi loại lại có một số loại phụ. U hạch Hodgkin còn được gọi là bệnh Hodgkin ít phổ biến hơn. U hạch không Hodgkin là các u hạch riêng lẻ khác nhau về cách hoạt động, cách chúng lan tràn và cả cách chúng đáp ứng với điều trị.
Ung thư hạch được xác định bằng cách kiểm tra một số tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Khi u có tế bào tế bào Reed-Sternberg thì ung thư hạch được phân loại là Hodgkin. Khi nó không xuất hiện, ung thư được phân loại là không Hodgkin.
Các triệu chứng của ung thư hạch có thể bao gồm: nổi hạch ở cổ, nách, bẹn, giảm cân không giải thích được, sốt, đổ mồ hôi đêm, ngứa toàn thân, mệt mỏi, ăn mất ngon, ho hoặc khó thở đau bụng, ngực hoặc xương, bụng sưng lên.
2. Xét nghiệm, sinh thiết, chẩn đoán hình ảnh trong đánh giá ung thư hạch
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc tìm hiểu về bệnh sử, các triệu chứng và thực hiện khám cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể đề xuất cho bệnh nhân được thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây.
- Xét nghiệm máu: Thông thường số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu sẽ thấp khi ung thư hạch di căn đến tủy xương. Kết quả xét nghiệm máu cũng hỗ trợ trong đánh giá mức độ hoạt động của gan và thận.
- Sinh thiết hạch bạch huyết: Là thủ thuật trong đó phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hạch bạch huyết để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm sự hiện diện của tế bào ung thư hạch. Các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm có thể được thực hiện trên mẫu sinh thiết, bao gồm cả xét nghiệm di truyền phân tử. Sinh thiết thường được sử dụng để xác định tình trạng bệnh lý, mức độ tiến triển của bệnh và quyết định các xét nghiệm và phương pháp điều trị tiếp theo. Trước khi làm sinh thiết, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm thường quy, chẩn đoán hình ảnh. Rủi ro của thủ thuật sinh thiết được đánh giá là rủi ro thấp, nguy cơ thường gặp chỉ có thể xảy ra là chảy máu tại chỗ và nhiễm trùng nhưng rất ít khi xảy ra.
- Chọc hút và sinh thiết tủy xương: Đây là thủ thuật bằng cách dùng một cây kim mỏng, rỗng được đưa vào xương hông để lấy một lượng nhỏ tủy xương lỏng và phân tích dưới kính hiển vi. Thủ tục này thường được thực hiện sau khi ung thư hạch đã được chẩn đoán để xác định xem bệnh đã di căn đến tủy xương hay chưa.
- Chọc dò thắt lưng (ống tủy sống): Đây là một xét nghiệm xâm lấn tối thiểu bằng việc lấy một lượng nhỏ dịch não tủy (CSF), chất lỏng bao quanh não và tủy sống để phân tích sự hiện diện của tế bào ung thư hạch. Xét nghiệm này thường chỉ được thực hiện đối với một số loại ung thư hạch nhất định hoặc nếu bệnh nhân có các triệu chứng cho thấy ung thư hạch có thể đã di căn đến não.
- Chụp X quang ngực: Chụp X quang ngực được sử dụng để tìm các hạch bạch huyết ở trung thất.
- Chụp CT: CT được sử dụng để phát hiện các hạch bạch huyết hoặc các bất thường ở bụng, xương chậu, ngực, đầu và cổ. Trong một số trường hợp, chụp CT có thể được sử dụng để hướng dẫn kim sinh thiết chính xác vào khu vực nghi ngờ để có thể lấy mẫu mô ra và kiểm tra dưới kính hiển vi. Thủ tục này được gọi là sinh thiết kim có hướng dẫn CT.
- Chụp PET: Chụp PET là cách sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để xác định xem hạch bạch huyết mở rộng có phải là ung thư hay không và tìm hiểu sự phát triển của các tế bào ung thư trên khắp cơ thể mà có thể không thấy khi chụp CT. Một số bệnh nhân ung thư hạch được quét PET sau khi điều trị để xem ung thư có đáp ứng với điều trị hay không. Chụp PET thường được kết hợp với chụp CT hoặc MRI để cung cấp những cái nhìn chi tiết cao về cơ thể.
- Chụp nhấp nháy: Trong quá trình quét xương, một đồng vị phóng xạ gọi là technetium-99m được tiêm vào tĩnh mạch và di chuyển đến các vùng xương bị tổn thương. Xét nghiệm này thường được thực hiện nếu bệnh nhân bị đau xương hoặc các xét nghiệm khác cho thấy ung thư hạch đã di chuyển đến xương.
- Chụp MRI: Chụp MRI rất hữu ích trong việc phát hiện ung thư hạch đã di căn đến tủy sống hoặc não. Nó cũng có thể hữu ích ở các vùng khác của cơ thể như vùng đầu và cổ.
- Siêu âm bụng: Siêu âm bụng có thể được sử dụng để kiểm tra các hạch bạch huyết mở rộng, đặc biệt là trong ổ bụng. Siêu âm cũng được sử dụng để hình ảnh hóa các cơ quan trong ổ bụng và thận, đây là những nơi có thể bị ảnh hưởng bởi các hạch bạch huyết mở rộng.
Đối với bệnh nhân là nữ giới thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên chụp x-quang nếu họ có khả năng đang mang thai. Đối với phụ nữ mang thai bị ung thư hạch, MRI và siêu âm có thể được sử dụng để phân giai đoạn bệnh đồng thời bảo vệ thai nhi khỏi bức xạ có hại.
Ung thư hạch là bệnh lý có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh tiến triển nặng và không có khả năng điều trị khỏi.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org
- Đau phần cổ gần xương quai xanh lan lên hàm phải là dấu hiệu bệnh gì?
- Đau ngực trái lan ra sau lưng nghẹn lên cổ là bệnh gì?
- Đánh giá bệnh hen bằng kết quả chụp X quang