Hỏi
Chào bác sĩ,
Người nhà em xét nghiệm máu ngoại vi để coi có bị gì không, kết quả cho ra bác sĩ kêu không nhiễm trùng. Vậy mà trong tờ xét nghiệm máu ngoại vi có một dòng cuối cùng ghi là sinh học: CRP 115,4 mg/l (lớn hơn 6) mà theo em tìm hiểu chỉ số này cao là bị viêm nhiễm. Vậy bác sĩ cho em hỏi xét nghiệm máu có chỉ số CRP là 115,4 mg/l có sao không? Em cảm ơn bác sĩ.
Trần Quốc Trung (1994)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Xét nghiệm máu có chỉ số CRP là 115,4 mg/l có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Protein phản ứng C hay C – reactive protein (CRP) là một glycoprotein được sản xuất chủ yếu bởi gan. Bình thường không thấy protein này trong máu hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp. Tình trạng viêm cấp tính, phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein phản ứng C và làm tăng nhanh nồng độ protein này trong huyết thanh. Phản ứng viêm là phản ứng của cơ thể trước tình trạng bị tổn thương. Chỉ số CRP điển hình sẽ tăng trong vòng 6 giờ kể từ khi có tình trạng viêm.
Khoảng tham chiếu của xét nghiệm CRP trong máu tùy từng phòng xét nghiệm, giới hạn trong khoảng nhỏ hơn 5 (hoặc nhỏ hơn 6) mg/dl. Bình thường, nồng độ CRP sẽ tăng trong các trường hợp sau:
- Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hậu phẫu: Nồng độ CRP thường tăng trong khoảng 2 - 6 giờ sau phẫu thuật và sẽ giảm xuống vào ngày thứ 3 sau mổ.
- Xác định, phát hiện nhiễm trùng và các bệnh lý gây viêm như ung thư hạch bạch huyết, bệnh của hệ thống miễn dịch (lupus), viêm và xuất huyết ruột, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng xương.
- Đánh giá khả năng đáp ứng điều trị, đặc biệt là điều trị ung thư hay điều trị nhiễm trùng.
Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ CRP trong máu như sau:
- Nồng độ CRP cao thường gặp ở bệnh nhân huyết áp cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, mắc hội chứng chuyển hóa chất / đái tháo đường, nhiễm trùng mạn tính (viêm phế quản, viêm lợi), viêm mãn tính (như viêm khớp dạng thấp) và nồng độ HDL thấp, triglyceride cao.
- Nồng độ CRP có thể tăng khi phụ nữ bước sang giai đoạn sau của thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone; Nồng độ CRP cao ở người béo phì; Hút thuốc lá có thể làm tăng nồng độ CRP; Nồng độ CRP thấp có thể do uống bia rượu vừa phải, sụt cân và hoạt động nhiều, tập thể dục lâu dài; Thuốc bổ sung estrogen và progesterone có thể làm tăng nồng độ CRP. Thuốc fibrate, niacin và statin có thể làm giảm nồng độ CRP.
Dù có vì lý do gì hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố nào, nồng độ CRP trong máu người thân của bạn đang nằm ngoài khoảng tham chiếu (115,4), do đó bạn nên đưa người nhà đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân chính xác làm nồng độ CRP trong máu tăng cao như vậy.
Nếu bạn còn thắc mắc về chỉ số CRP là 115,4 mg/l, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
- Các chỉ số trong kết quả xét nghiệm CRP nói lên điều gì?
- Tế bào máu WBC là gì và ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm WBC?
- Chỉ số PCT ( Procalcitonin) trong máu nói lên điều gì?