Mục lục
Bài viết bởi Tiến sĩ. Bác sĩ Tô Minh Hương – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phương pháp đánh giá rối loạn miễn dịch tại niêm mạc tử cung và phác đồ chuyên biệt đang đem lại nhiều hy vọng cho các bà mẹ từng thất bại chuyển phôi khi làm thụ tinh ống nghiệm. Đây là phương pháp lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, do các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thực hiện.
1. Phương pháp “Rối loạn miễn dịch tại chỗ” là gì?
Em bé phát triển trong tử cung mẹ được xem như điều kỳ diệu của tạo hoá. Sự hình thành phôi thai, sinh linh bé nhỏ từ trứng của mẹ và tinh trùng bố được coi như điều kỳ diệu đầu tiên. Tiếp đến, phôi thai di chuyển về tử cung, làm tổ và lớn lên. Sự làm tổ tại tử cung là điều kỳ diệu thứ hai của tạo hoá. Dù như một cá thể lạ với bộ di truyền của bố nhưng tử cung mẹ sẵn sàng tiếp nhận và nuôi dưỡng không đào thải như hiện tượng đào thải mảnh ghép như các trường hợp ghép tạng (thận, gan).
Điều kỳ diệu hơn cả là ở những người phụ nữ phải xin trứng, xin phôi để có thể làm mẹ thì phôi – những mầm sống này hoàn toàn lạ với tử cung mẹ, nhưng vẫn được tiếp nhận hòa hợp với người mẹ thông qua hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận phôi của mẹ tùy thuộc vào khả năng điều hoà miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung - thông qua hoạt động của các yếu tố miễn dịch như tế bào “sát thủ”- natural kiler cells, các lympho bào, các cytokine.
2. Hiệu quả điều trị miễn dịch tại chỗ
Rối loạn miễn dịch tại chỗ là một trong những nguyên nhân làm tổ thất bại. Do đó, khi chẩn đoán được những rối loạn miễn dịch này dựa vào phân tích các yếu tố miễn dịch ở niêm mạc tử cung được sinh thiết sẽ đem lại hướng giải quyết tình trạng thất bại chuyển phôi nhiều lần. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Vinmec đã tiến hành nghiên cứu về rối loạn miễn dịch tại chỗ trên 100 trường hợp đã chuyển phôi thất bại trung bình 4 lần. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 72% trường hợp có rối loạn miễn dịch tại chỗ. Khi được chẩn đoán rối loạn miễn dịch và áp dụng điều trị bằng phác đồ chuyên biệt, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) ở các lần chuyển phôi tiếp đã tăng lên 52.2%. Đây là hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Cho đến nay, với việc không ngừng cập nhật, áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Vinmec là Trung tâm đầu tiên tại Việt Nam tiến hành chẩn đoán bệnh lý này và xây dựng trung tâm trở thành trung tâm mũi nhọn về lĩnh vực hiếm muộn và cải thiện khả năng làm tổ của thai.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng cần phải biết
3. Những ai nên làm xét nghiệm này?
Những chị em không mắc các bệnh viêm gan B,C và HIV/AIDS đã chuyển ít nhất từ 4 phôi giai đoạn blastocyst hoặc 6 phôi ngày 3 hoặc 4 trở lên mà không có thai. Sau khi được thăm khám vẫn không tìm được các nguyên nhân thất bại làm tổ khác như:
- Các nguyên nhân bất thường tại buồng tử cung: Polips, nhân xơ, dị dạng tử cung, dính buồng tử cung, niêm mạc mỏng...
- Các nguyên nhân do phôi: Không có phôi tốt, phôi bất thường...
4. Quy trình chẩn đoán cho bệnh nhân thất bại làm tổ tại Vinmec?
Sau khi được chỉ định làm xét nghiệm đánh giá các yếu tố miễn dịch, bạn sẽ được theo dõi một chu kỳ tương tự như chu kỳ chuẩn bị niêm mạc tử cung để chuyển phôi như sau:
- Theo dõi chu kỳ tự nhiên: Bác sĩ sẽ theo dõi để đảm bảo chắc chắn mẫu sinh thiết của bạn vào đúng giữa giai đoạn hoàng thể.
- Chuẩn bị niêm mạc tử cung có sử dụng thuốc nội tiết: Bạn sẽ được dùng thuốc nội tiết oestrogen cho đến khi siêu âm niêm mạc tử cung có độ dày thích hợp. Sau đó, bạn được bổ sung thêm Progesteron. Sinh thiết lấy mẫu xét nghiệm sẽ được tiến hành khi đã dùng Progesteron khoảng 5 - 6 ngày, thông thường là ngày 21 – 24 của chu kỳ kinh nguyệt.
- Thực hiện sinh thiết niêm mạc tử cung sẽ được tiến hành ngay tại bệnh viện hoặc kết hợp với soi buồng tử cung.
- Sau 2 tuần, bạn sẽ nhận được kết quả.
- Kết quả xét nghiệm sẽ đánh giá tình trạng miễn dịch của bạn có bình thường hay bị rối loạn. Với kết quả xét nghiệm rối loạn miễn dịch này, bạn sẽ được điều trị theo một phác đồ điều trị riêng biệt trong chu kỳ chuyển phôi tiếp theo.
Để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Vinmec hiện có nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các cặp vợ chồng, bà mẹ mang thai và thai nhi, gồm các gói khám tiền hôn nhân cơ bản, gói khám tiền hôn nhân nâng cao, chương trình thai sản trọn gói. Vinmec có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, IVF, tế bào gốc, công nghệ Gen, có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay.
Mọi thông tin cụ thể về các gói khám sinh sản, thai sản tại Vinmec, Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám của hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
- Chọc hút trứng có đau không?
- Sau khi chọc hút trứng bao lâu thì chuyển phôi?
- Dinh dưỡng, nghỉ ngơi sau chọc hút trứng