Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi- Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Vì sợ con không đủ chất dinh dưỡng, bị còi cọc so với bạn bè đồng trang lứa, nhiều phụ huynh xay nhuyễn thức ăn cho bé rồi ép ăn cũng như để con ăn được nhiều, nhanh hơn. Vậy có nên xay nhuyễn thức ăn cho bé không và điều này gây ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe và sự phát triển của bé?
1. Tác hại của việc xay nhuyễn thức ăn cho bé
1.1. Xay thức ăn cho bé ảnh hưởng đến khả năng nhai của bé sau này
Nhai là kỹ năng cần thiết mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học trong thời gian phát triển. Trong giai đoạn chuyển giao của bé từ bú sữa mẹ hoàn toàn sang ăn dặm, thông thường bé mới chỉ quen với phản xạ nuốt, cử động nhai đối với bé là một điều thật khó khăn và có thể dẫn đến nôn trớ. Tuy nhiên, nếu mẹ xay nhuyễn thức ăn cho bé để ăn bé sẽ không có nhiều cơ hội để tập phản xạ nhai. Điều này gây cản trở trong chế độ ăn uống dễ dẫn đến biếng ăn, kén ăn, khiến bé không phát triển toàn diện so với bạn bè cùng trang lứa.
Việc bé chỉ biết nuốt thức ăn mà không qua bước nhai sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, khiến trẻ khó hấp thu được chất dinh dưỡng và phát triển không đạt chuẩn. Bố mẹ thường xuyên xay nhuyễn thức ăn cho bé sẽ dẫn đến nguy cơ còi xương, suy dinh dưỡng, chỉ số BMI của bé không cân đối.
Ngoài ra, phản xạ nhai còn là một phần trong quá trình học hỏi và phát triển tư duy của trẻ. Nếu không được học nhai ngay trong giai đoạn ăn dặm, bé sẽ không có được những cảm nhận về độ mềm, cứng, dai, giòn... của từng loại thức ăn. Điều này vô tình làm hạn chế khả năng nhận biết, những phản xạ cơ bản và ảnh hưởng đến trí thông minh của bé.
1.2. Xay thức ăn cho bé khiến bé lười ăn
Cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng được tạo ra nhờ tác dụng của dịch vị tiết ra trong quá trình nhai và cảm nhận hương vị của thức ăn nguyên vẹn khi đưa vào miệng. Việc xay nhuyễn thức ăn cho bé khiến các công đoạn này bị giản lược chỉ còn lại đưa thức ăn vào miệng và nuốt. Như vậy, bé sẽ xem việc ăn đơn thuần như nghĩa vụ, hệ tiêu hóa không tiết đủ lượng dịch vị để kích thích cảm giác thèm ăn, đồng thời bé sẽ không cảm nhận được hương vị của thức ăn và sẽ nhanh chóng cảm thấy chán ăn.
1.3. Nguy cơ viêm loét dạ dày
Việc trộn lẫn các hương vị thức ăn khác nhau một cách không hợp lý khi xay nhuyễn thức ăn cho bé sẽ dễ dẫn đến phản xạ nôn trớ. Đây chính là nguyên nhân gây ra triệu chứng loét dạ dày, thực quản, thậm chí là trào ngược dạ dày, ho mãn tính và nhiều biến chứng nghiêm trọng.
2. Lời khuyên cho mẹ khi xay thức ăn cho bé
Với những nguy cơ kể trên của việc xay thức ăn cho bé, điều đầu tiên mà phụ huynh cần làm là hiểu đúng về ưu, nhược điểm của việc xay nhuyễn và không lạm dụng cách làm này để giúp trẻ ăn.
Mẹ cần chủ động cho trẻ làm quen với thức ăn thô để trẻ quen dần. Sau khi bắt đầu với thức ăn xay nhuyễn trong 1 - 2 tháng đầu tiên, mẹ có thể mạnh dạn tăng dần độ đặc (hoặc thô) của thức ăn vào những tháng tiếp theo.
Ban đầu, mẹ có thể nấu cháo đặc hơn, không dùng rây/lọc. Sau đó, thay vì nấu cháo bằng bột gạo, mẹ có thể dùng hạt gạo vỡ, không cần băm quá nhỏ rau và thịt như trước.
Ngoài ra, để bé không bị hóc, trớ, mẹ nên tránh xúc đầy thìa, không nên nấu món ăn quá thô, quá cứng hoặc để lẫn phần thô và phần nhuyễn khiến bé không cảm nhận được độ cứng của thức ăn, dẫn đến nghẹn khi nuốt.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý theo dõi sự thích nghi của bé để hỗ trợ tốt cho việc ăn uống, tránh lạm dụng việc xay thức ăn cho bé, đồng thời đề phòng trường hợp bé bị ốm hoặc viêm họng.
Có thể thấy việc cho trẻ ăn đúng cách không chỉ giúp con phát triển toàn diện mà còn hạn chế được những vấn đề về bệnh lý, sức khỏe cho trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ nên chủ động thực hiện theo để trẻ có cách ăn phù hợp nhất theo từng độ tuổi.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối về chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tinh thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất, gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Xét nghiệm ALP được chỉ định trong bệnh lý nào?
- Công dụng thuốc Liptamin
- Trẻ còi xương nên uống thuốc như thế nào để cải thiện tình trạng?