Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Vỡ túi ngực là một biến chứng được công nhận của đặt túi ngực. Nó có thể là vỡ trong bao hoặc vỡ ngoài bao. Vỡ trong bao xảy ra khi vỏ túi ngực (bao trong) bị vỡ nhưng bao xơ do vú tạo thành vẫn còn nguyên vẹn, silicone không thoát ra tự do. Vỡ ngoài bao là khi lớp bao trong vỡ và bao xơ bên ngoài bị tổn thương dẫn đến silicone tự do thoát ra ngoài.
1. Tổng quan
Túi ngực (breast implant) là một vật liệu tổng hợp được sử dụng để thay đổi kích thước, hình dạng, đường bờ của vú.Túi ngực có cấu tạo gồm một lớp vỏ silicone đàn hồi, bên trong có chứa dung dịch nước muối hoặc gel silicone. Sau khi đặt túi ngực phản ứng của cơ thể sẽ hình thành một bao xơ mỏng bao quanh túi ngực bao bọc hoàn toàn lớp vỏ đàn hồi của túi ngực. Lớp vỏ silicone đàn hồi tạo nên bao trong của túi ngực (internal capsule) và bao xơ bao bọc bên ngoài hình thành bao ngoài của túi ngực (external capsule).
Vỡ túi ngực trong bao chưa làm thay đổi đường bờ của túi ngực nên khó khăn khi thăm khám lâm sàng hoặc chụp nhũ ảnh và được thấy rõ nhất trên hình ảnh cộng hưởng từ vú. Vỡ ngoài bao có thể dẫn đến thay đổi đường viền của túi ngực và có thể được phát hiện khi khám lâm sàng hoặc chụp nhũ ảnh.
Vỡ túi ngực trong bao thường gặp hơn chiếm khoảng 85% các trường hợp, vỡ ngoài bao chiếm khoảng 15%.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của vỡ túi ngực
Nguyên nhân của vỡ túi ngực có thể do quá trình lão hóa bình thường của túi ngực, chấn thương, đâm kim trong khi sinh thiết hoặc các yếu tố khác.
Khi túi ngực nước muối bị vỡ hoặc van của nó bị hỏng, nước muối rò rỉ ra ngoài rất nhanh thường trong vài ngày và vú có vẻ hơi xẹp xuống, vì vậy bạn biết ngay rằng nó đã bị vỡ. Nước muối được cơ thể hấp thụ.
Khi mô cấy silicon bị vỡ, gel chảy ra chậm hơn vì nó đặc hơn, vì vậy bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để nhận ra rằng mô cấy đã bị vỡ hoặc bạn có thể hoàn toàn không nhận ra.
Các túi ngực bằng gel silicon lỏng được sản xuất ở Hoa Kỳ trước năm 1992 có nhiều khả năng bị rò rỉ ra ngoài vỏ bọc của mô xơ xung quanh nếu xảy ra vỡ. Gel silicone lỏng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như các hạch bạch huyết hoặc phổi. Cơ thể của bạn có thể phản ứng với silicone bằng cách hình thành nhiều mô sẹo hơn, điều này có thể gây khó chịu hoặc khiến hình dạng ngực bị méo. Trong một số trường hợp tương đối hiếm, các cục u gọi là u hạt silicone có thể hình thành ở cánh tay, nách, vùng ngực hoặc những nơi khác trên cơ thể.
Bắt đầu từ năm 2006, các túi ngực silicon được sản xuất ở Hoa Kỳ đã có vỏ dày hơn và chất gel đặc hơn. Nếu những túi ngực này bị vỡ, chúng có xu hướng bị rách vỏ (còn được gọi là “vết nứt gãy gel”), có thể ảnh hưởng đến hình dạng và bề ngoài của túi ngực.
Các dấu hiệu cho thấy túi ngực silicon của bạn đã bị vỡ có thể bao gồm những thay đổi về hình dạng và kích thước vú, đồng thời tăng cảm giác đau, săn chắc và sưng tấy trong khoảng thời gian vài tuần. Vỡ túi ngực cũng có thể gây ra co thắt bao túi ngực. Vỡ túi ngực bằng silicon mà không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào được gọi là “vỡ im lặng”.
3. Khi nào nên tầm soát vỡ túi ngực
FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm hoa kỳ) khuyến cáo những phụ nữ có túi ngực silicon nên được kiểm tra MRI vú để tìm “vỡ im lặng” 3 năm sau khi phẫu thuật đặt túi đầu tiên và 2 năm một lần sau đó.
Nếu bất cứ lúc nào bạn nghĩ rằng bộ phận cấy ghép của mình có thể bị vỡ, hãy nhờ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn kiểm tra. Kiểm tra hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc MRI, có thể giúp xác định xem liệu túi ngực có bị rò rỉ hay không. Chụp MRI được xem là phương pháp chính xác nhất cho mục đích này.
Chẩn đoán hình ảnh
Nhũ ảnh: Hình ảnh túi ngực bình thường trên nhũ ảnh: hình bầu dục, tròn đều, rất cản quang. Việc phát hiện vỡ túi ngực (đặc biệt là vỡ túi ngực gel silicone) rất khó trên chụp nhũ ảnh. Việc phát hiện vỡ túi ngực silicone trong bao hầu như không thể trên chụp nhũ ảnh. Tuy nhiên chụp nhũ ảnh rất hữu ích trong phát hiện tổn thương mô vú xung quanh túi ngực.
Cần lưu ý là kỹ thuật chụp nhũ ảnh khi có đặc túi ngực có khác biệt so với chụp nhũ ảnh thường quy, các kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh sẽ nhẹ nhàng đẩy túi ngực trở lại thành ngực của bạn và kéo mô vú của bạn về phía trước để chụp cho thấy càng nhiều mô vú càng tốt vì vậy trong trường hợp bạn có đặt túi ngực hãy thông báo cho kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh trước khi chụp.
Siêu âm: Siêu âm có thể cho thấy dấu hiệu “bão tuyết” của vỡ ngoài bao do sự thoát silicone ra khỏi bao ngoài của túi ngực vào trong mô tuyến vú hoặc dấu hiệu “ bậc thang” của vỡ trong bao (túi ngực bình thường sẽ không hồi âm trên siêu âm). Siêu âm nói chung có độ nhạy và độ đặc hiệu kém trong đánh giá vỡ túi ngực với độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt dao động trong khoảng # 59-85% và # 55-79%
Cộng hưởng từ vú (MRI vú): Được coi là phương pháp có độ nhạy cao nhất để phát hiện vỡ túi ngực. Để chỉ đánh giá có vỡ túi ngực hay không, thường chỉ cần chụp MRI không thuốc tương phản.
+ Trong vỡ trong bao, vật liệu bên trong túi ngực được bao bọc bởi sẹo xơ, trong khi lớp vỏ silicone của bao túi ngực bị xẹp. Khi xẹp nhẹ nó sẽ biểu hiện như một đường song song với đường viền của bao ngoài túi ngực, được gọi là dấu hiệu “đường dưới bao”. Khi xẹp xuống đáng kể, nó xuất hiện dưới dạng một nhóm các đường lượn sóng, được gọi là dấu hiệu “linguine sign”. Các dấu hiệu khác như "Dấu hiệu lỗ khóa", "dấu hiệu thòng lọng" hoặc "dấu hiệu hình giọt nước" là sự xuất hiện của silicone ở cả hai mặt của một nếp gấp hướng tâm và cũng gợi ý vỡ túi ngực.
Với việc sử dụng hình ảnh đa mặt phẳng, MRI cũng có thể phân biệt giữa các nếp gấp hướng tâm hoặc dấu hiệu vỡ túi ngực thật sự.
+ Trong vỡ ngoài bao có thể thấy rõ là silicone tự do, tách biệt với mô cấy lan ra ngoài túi ngực vào mô tuyến vú hoặc nách. Silicone tự do có tín hiệu tăng trên hình STIR, tín hiệu thấp trên hình T1FS, tăng trên xung nhạy silicone và xóa trên hình Silicone suppressed.
4. Điều trị vỡ túi ngực
Vỏ rỗng của túi ngực nước muối bị vỡ nên được loại bỏ. Cần loại bỏ túi ngực silicon bị vỡ, dù là vỡ trong hoặc vỡ ngoài bao vì có thể xảy ra tương tác với mô xung quanh và có thể rò rỉ silicone đến các hạch bạch huyết cục bộ. Những bệnh nhân không có triệu chứng có thể cân nhắc việc có nên lấy bỏ túi ngực hay không, nhưng cần nhấn mạnh sự an toàn tổng thể về lâu dài và nguy cơ ác tính nên được thảo luận với người bệnh. Nếu xảy ra vỡ bao trong thì có thể tiến hành phẫu thuật cắt bao túi ngực. Nếu tất cả silicone đã được làm sạch (và vết vỡ mới xảy ra), bác sĩ phẫu thuật có thể không loại bỏ bao xơ. Nếu có nghi ngờ về sự tồn lưu của silicone, phẫu thuật viên có thể cố gắng loại bỏ toàn bộ bao xơ đã bị silicone xâm nhập. Phẫu thuật cắt bao túi ngực sẽ cần thiết trong trường hợp bị vôi hóa. Nếu vết vỡ là ngoài bao, thì có thể bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật nhiều lần để lấy toàn bộ gel silicon đã thoát ra ngoài, và việc thay thế túi ngực mới có thể chậm hơn nhằm mục đích bảo tồn hình dạng tuyến vú.
Tài liệu tham khảo:
- Breast Implant Rupture, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459308/
- Breast Implant Rupture https://www.breastcancer.org/treatment/surgery/reconstruction/corrective/implant-rupture
- Breast Implant Rupture https://radiopaedia.org/articles/breast-implant-rupture.
- Độ bền và khả năng chịu lực của túi nâng ngực
- Túi nâng ngực có thể vỡ do chênh lệch áp suất?
- Mắc u sợi tuyến vú khi cho con bú có ảnh hưởng đến bé không?