Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh hô hấp thường gặp, có thể điều trị tại nhà nhưng nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm thì có thể dẫn tới suy hô hấp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ.
1. Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi gây viêm và tắc nghẽn tiểu phế quản của phổi. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do một loại virus hô hấp tấn công. Trẻ thường dễ mắc bệnh vào mùa lạnh.
Viêm tiểu phế quản thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường do các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với cảm lạnh. Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, đôi khi kéo dài tới một tháng.
2. Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản thường khá giống với cảm lạnh như:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Ho
- Sốt nhẹ
- Khó thở
- Thở khò khè
- Viêm tai giữa (ở trẻ sơ sinh).
Một số trẻ có thể có các triệu chứng khác như: nôn, chán ăn, da tái... Nếu thấy trẻ có biểu hiện nặng như: khó thở, thở khò khè, thở nhanh, thở mạnh, thở rút lõm ngực, chậm chạp, mê man... thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra, đặc biệt là với trẻ sinh non, trẻ sơ sinh dưới 12 tuần tuổi hay trẻ mắc các bệnh tim phổi.
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ là do virus tấn công hệ hô hấp nhỏ trong phổi hay còn gọi là tiểu phế quản của phổi dẫn đến nhiễm trùng. Khi đó, tiểu phế quản sẽ bị viêm và sưng lên, các chất dịch nhầy tích tụ ở đường dẫn khí, cản trở luồng dẫn khí khiến trẻ bị khó thở.
Đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 2 tuổi đều do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, đặc biệt là vào mùa đông. Hiện nay, có ít nhất hai chủng RVS tồn tại, do đó, trẻ có thể bị tái nhiễm viêm tiểu phế quản do virus RVS. Một số trường hợp viêm tiểu phế quản do loại virus khác gây ra như virus gây bệnh cúm và cảm lạnh. Bệnh có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, thậm chí là chạm vào vật dụng của người bệnh rồi sờ vào mắt, mũi, miệng của mình.
Viêm tiểu phế quản có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, do sức đề kháng của trẻ còn yếu.
4. Chẩn đoán viêm tiểu phế quản
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tiểu phế quản, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra, tránh tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc để lâu khiến bệnh thêm nặng, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Các bác sĩ sẽ thăm khám và nghe phổi của trẻ bằng ống nghe. Nếu thấy nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng, trẻ sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm như:
- Chụp X-quang: Để tìm dấu hiệu của bệnh viêm phổi
- Thử nghiệm virus: Để kiểm tra xem có virus gây viêm tiểu phế quản không
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng bạch cầu
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Xác định mức giảm nồng độ oxy máu.
5. Điều trị viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản có thể điều trị tại nhà bằng cách:
- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ nhiễm lạnh
- Sát khuẩn mũi, họng bằng dung dịch nước muối hàng ngày
- Cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm
- Cho trẻ uống hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ
- Dùng thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà, phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường thì đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu, không tự ý cho trẻ uống thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Trường hợp trẻ phải điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ hút đờm dãi và làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Nếu trẻ khó thở thì cho trẻ thở oxy. Nếu trẻ ăn kém, bỏ bú, không đảm bảo dinh dưỡng thì tiến hành truyền nước. Nếu trẻ thở khò khè, thở co rút lồng ngực thì sẽ được cho dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản. Kháng sinh chỉ được dùng khi trẻ có bội nhiễm phổi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện hàng đầu chuyên điều trị hiệu quả các bệnh lý nhi khoa, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chuyên khoa Nhi tại Vinmec được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị y tế tiên tiến hàng đầu, đặc biệt tại khoa có khu vui chơi cho trẻ em, tạo cảm giác gần gũi, thoải mái. Đội ngũ y bác sĩ Nhi đều được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, giàu kinh nghiệm, đồng thời hiểu biết về tâm lý trẻ nhỏ, đảm bảo cho các bé luôn cảm thấy thoải mái, an tâm trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện.
- Trẻ bị ho có đờm, khò khè thì phải làm thế nào?
- Trẻ thở khò khè, ho và nôn ra máu là dấu hiệu của bệnh gì?
- Thường xuyên ho có đờm, thở khò khè là dấu hiệu bệnh gì?