Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tuấn Lâm - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Viêm tai giữa mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thủng màng nhĩ là một hệ quả của tình trạng viêm tai giữa. Khi bị thủng màng nhĩ có thể ảnh hưởng tới thính lực của người bệnh, thậm chí là mất khả năng nghe hoặc ảnh hưởng tới tai trong rất nguy hiểm.
1. Viêm tai giữa mạn tính là gì?
Cấu trúc của tai gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó tai ngoài và tai giữa ngăn cách nhau bởi màng nhĩ; tai giữa là một khoang có chứa nhiều không khí, hệ thống xương tai và có vòi Eustache thông xuống vùng họng hầu. Tai trong có hình giống như cái vỏ ốc là hệ thống tiền đình ốc tai và dây thần kinh số VIII.
Tai giữa dễ bị nhiễm bệnh do khi vùng hầu họng bị viêm nhiễm, gây tắc vòi Eustache làm dịch bị ứ đọng tại tai giữa, các nguyên nhân gây bệnh từ vùng hầu họng lên gây bệnh cho tai giữa. Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm ở tai giữa kéo dài trên 12 tuần, không đáp ứng hay đáp ứng ít với các phương pháp điều trị nội khoa.
Có hai loại viêm tai giữa mạn tính bao gồm:
- Viêm tai giữa mạn tính không có cholesteatoma: Loại này thường có tiến triển nhẹ nhàng, tiên lượng tốt. Ít có biến chứng nặng.
- Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma: Trường hợp này tiên lượng nặng hơn vì có hiện tượng hủy xương, xâm lấn các cơ quan lân cận gây ra viêm não, áp xe não, liệt dây thần kinh số VII, viêm tắc xoang tĩnh mạch...
2. Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ bao gồm:
- Do viêm tai giữa cấp phát triển thành: Là nguyên nhân thường gặp nhất, xảy ra nhiều ở trẻ em. Thường thấy sau nhiễm trùng đường hô hấp trên gồm viêm VA, viêm amidan, viêm họng, viêm mũi xoang...Nếu không điều trị hoặc điều trị không triệt để dẫn tới ứ dịch ở tai giữa, dịch ứ lại gây căng và thủng màng nhĩ để thoát dịch ra ngoài qua ống tai ngoài. Tuy nhiên nếu điều trị đúng trong giai đoạn này, dù màng nhĩ đã thủng, có khả năng màng nhĩ sẽ lành lại, nếu không được điều trị đúng hoặc thủng màng nhĩ quá lớn, không thể lành, bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ.
- Viêm tai giữa cấp hoại tử: Tương tự như ở trường hợp viêm tai giữa cấp nhưng vi khuẩn có độc lực quá mạnh hoặc tình trạng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nên bệnh diễn tiến nhanh, màng nhĩ thủng rộng, thường không có khả năng tự lành và dẫn đến viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ.
- Chấn thương: Nguyên nhân chủ yếu thường do dụng cụ lấy ráy tai, dụng cụ bị đẩy sâu vào bên trong, gây xuyên thủng màng nhĩ. Sau chấn thương, nếu lỗ thủng nhỏ, màng nhĩ có thể tự lành; nếu lỗ thủng lớn, sẽ khó tự lành dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.
Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa sẽ làm suy giảm khả năng nghe, nhiều trường hợp nặng hơn sẽ bị mất thính lực vĩnh viễn.
3. Các triệu chứng viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ
Khi bị viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ, người bệnh có thể có những triệu chứng như:
- Nghe kém: Nghe kém trong bệnh này có đặc điểm ngày càng tăng. Tình trạng thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như lỗ thủng rộng, thời gian bệnh dài, chảy mủ tái phát nhiều lần, tổn thương chuỗi xương tai truyền âm thanh trong tai giữa... Nghe kém thường khó phát hiện, vì người bệnh vẫn nghe bình thường ở bên còn lại, được phát hiện nhờ đo thính lực.
- Chảy dịch tai: Là tình trạng dịch chảy từ tai giữa ra ở ống tai ngoài. Dịch này có đặc điểm như:
-Màu sắc: Có thể trong, trắng đục, vàng hoặc xanh, đôi khi có lẫn ít máu...
-Có thể chảy liên tục hay theo từng đợt viêm tai
-Mùi: Có thể không mùi hoặc có mùi hôi.
-Có thể loãng như nước hoặc dịch nhầy, đôi khi giống keo đặc khó chảy ra.
- Ù tai, chóng mặt: Do viêm tai giữa mạn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh hay hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể, nên có thể xuất hiện một hoặc cả hại triệu chứng chóng mặt, ù tai. Ở giai đoạn này, tỷ lệ khỏi hẳn tương đối thấp dù là điều trị tích cực hay can thiệp phẫu thuật.
- Một số dấu hiệu do biến chứng gây ra: Tổn thương tai trong, gây mất thăng bằng; viêm màng não gây ra các triệu chứng như nôn, cứng cổ, đau đầu...
4. Biến chứng viêm tai giữa mạn tính thủng màng nhĩ
Viêm tai giữa mạn tính có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Nhiễm khuẩn gây tổn thương hệ thống xương ở trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ.
- Có thể gây liệt dây thần kinh mặt.
- Các biến chứng sọ não và toàn thân như: Viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp-xe tiểu não, áp-xe ngoài màng cứng... Các biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.
5. Điều trị viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ
5.1 Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa áp dụng trong trường hợp viêm tai giữa chảy mủ không kèm viêm xương chũm, không có cholesteatoma, không có biến chứng.
Các phương án điều trị bảo tồn bao gồm:
- Điều trị bằng kháng sinh
- Cần dẫn lưu để bảo đảm ống tai thoáng sạch, cắt polyp ống tai nếu có
- Vệ sinh tai
- Dùng thuốc nhỏ tai
Vệ sinh tai được coi là một bước quan trọng, có thể làm hạn chế nhiễm trùng, giúp cho quá trình điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Nhưng vệ sinh thế nào cho đúng rất quan trọng. Các bước vệ sinh tai bao gồm:
- Chuẩn bị một chiếc khăn mềm, nước ấm sạch và nước muối sinh lý, nước rửa tai theo chỉ định của bác sĩ nếu có.
- Thực hiện:
- Pha hỗn hợp nước muối sinh lý cùng với nước ấm, nhúng khăn sạch vào rồi vắt khô, sau đó lau sạch vùng tai ngoài.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai hoặc sử dụng thuốc rửa tai chuyên dụng.
- Cách nhỏ tai: Nghiêng đầu để tai có màng nhĩ bị thủng ở trên, sau đó nhỏ nước muối sinh lý vào ống tai. Giữ đầu trong vòng từ 1 đến 3 phút, sau đó nghiêng ngược lại để nước dư thừa bên trong chảy hết ra ngoài. Cuối cùng dùng khăn sạch lau lại một lần nữa.
Nên thực hiện vệ sinh tai khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày để ống tai luôn được sạch sẽ, tránh nhiễm trùng.
5.2 Điều trị phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa mạn khi:
- Viêm tai giữa mạn có kèm theo viêm xương chũm mạn tính.
- Có cholesteatoma
- Biến chứng nội sọ...
- Viêm tái đi tái lại nhiều lần mà điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Được chỉ định rộng ở trẻ em, cần cân nhắc phẫu thuật sớm đối với viêm tai giữa chảy mủ ở trẻ em để tránh biến chứng về sau, bảo tồn thính lực.
Các phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng hiện nay là:
- Phẫu thuật vá màng nhĩ
- Chỉnh hình xương con
- Khoét rỗng đá chủm: Khi viêm xương chũm, hay có cholesteatoma ở xương chũm.
5.3 Một số lưu ý khi bị viêm tai giữa mạn thủng nhĩ
- Tuyệt đối không được để nước không sạch tràn vào trong tai. Nên cẩn thận khi tắm để nước không vào tai.
- Không nên đi bơi trong thời gian đang điều trị viêm tai giữa thủng nhĩ. Đối với trẻ em thì không nên cho con bú nằm vì dễ khiến sữa chảy vào tai và làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
- Không tiếp xúc với âm thanh lớn và không sử dụng các vật cứng để lấy ráy tai.
- Chú ý nên vệ sinh cả mũi họng bằng nước muối sinh lý.
- Có chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ các chất cần thiết.
6. Cách phòng bệnh viêm tai giữa
- Để phòng tránh viêm tai giữa nói chung thì cần phòng chống các nguy cơ gây viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm VA, viêm xoang, viêm amidan... bằng cách tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng...
- Tránh khói thuốc lá vì đây là một yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và từ đó gây bệnh viêm tai giữa.
- Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm, đúng cách.
- Khi có các triệu chứng về tai thì cần được thăm khám và theo dõi tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị.
Viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ có thể gây ra nhiều biến chứng, khi có hiện tượng nghi ngờ viêm tai giữa mạn nên đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh để lại di chứng sau này.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
- Bệnh viêm tai giữa mạn tính có nguy hiểm không?
- Có cách nào điều trị thủng màng nhĩ lớn đã lâu không khỏi không?
- Chóng mặt, chân tay bủn rủn, buồn nôn cảnh báo bệnh lý gì?