Mục lục
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Viêm da quanh miệng nếu không có phương pháp điều trị thích hợp thì đa số sẽ tự khỏi, nhưng có thể xuất hiện trở lại sau đó. Các đợt bùng phát viêm da quanh miệng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Do đó khi nhận thấy các triệu chứng viêm da quanh miệng, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị thích hợp.
1. Viêm da quanh miệng là gì?
Viêm da quanh miệng là một chứng phát ban có vảy hoặc đỏ liên quan đến da xung quanh miệng. Tình trạng phát ban có thể lan lên mũi hoặc mắt.
Chứng viêm này có thể gây ra mẩn đỏ, ngứa, bỏng rát. Viêm da quanh miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và sắc tộc nhưng chủ yếu xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi từ 16 - 45.
Viêm da quanh miệng nếu không có phương pháp điều trị thích hợp thì đa số sẽ tự khỏi, nhưng có thể xuất hiện trở lại sau đó. Các đợt bùng phát viêm da quanh miệng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng.
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm da quanh miệng?
Nguyên nhân viêm da quanh miệng hiện chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số nguy cơ có thể xảy ra sau khi sử dụng steroid tại chỗ mạnh trên da.
Ngoài ra, một số thành phần có trong mỹ phẩm cũng gây ra viêm da quanh miệng. Các yếu tố khác được cho là gây ra tình trạng này bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
- Chảy nước dãi liên tục
- Kem đánh răng có fluor
- Thuốc tránh thai
- Kem chống nắng
- Bệnh trứng cá đỏ
3. Các triệu chứng viêm da quanh miệng
Viêm da quanh miệng thường có các triệu chứng phát ban dạng mụn đỏ xung quanh miệng hoặc nếp gấp mũi. Chúng cũng có thể xuất hiện:
- Ở vùng dưới mắt
- Trên trán
- Trên cằm
Chứng viêm này có thể gây ra ngứa, bỏng rát, chứa mủ hoặc chất lỏng, tương tự như mụn trứng cá.
4. Điều trị cho bệnh viêm da quanh miệng
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm da quanh miệng bằng các xét nghiệm cấy da để loại trừ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ lấy một mảng da nhỏ ở khu vực bị ảnh hưởng để xét nghiệm. Mẫu da được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra vi khuẩn hoặc nấm.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết da, đặc biệt nếu phát ban không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Về điều trị, người bệnh nên ngừng sử dụng các loại kem steroid hoặc thuốc xịt mũi chứa steroid, nếu có thể. Những thuốc này có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Trong một số trường hợp, sử dụng xà phòng nhẹ và ngừng sử dụng kem dưỡng da nặng và kem đánh răng có chứa flo có thể làm giảm các triệu chứng.
Các loại thuốc kê đơn để điều trị viêm da quanh miệng bao gồm:
- Thuốc kháng sinh tại chỗ, chẳng hạn như metronidazole (gel Metro) và erythromycin
- Kem ức chế miễn dịch
- Thuốc trị mụn tại chỗ
- Sử dụng kháng sinh đường uống, ví dụ như doxycycline, tetracycline hoặc isotretinoin, cho những tình trạng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa bệnh:
- Loại bỏ các sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc sữa rửa mặt có mùi thơm. Nên sử dụng nước ấm trong thời gian bùng phát.
- Tránh sử dụng các loại kem steroid
- Ngừng sử dụng hoặc giảm sử dụng trang điểm, mỹ phẩm và kem chống nắng.
- Thường xuyên giặt vỏ gối và khăn tắm bằng nước nóng.
- Hạn chế thức ăn quá mặn hoặc cay. Chúng có thể gây kích ứng da quanh miệng.
Vì các nguyên nhân gây ra viêm da quanh miệng khác nhau và không được hiểu hoàn toàn nên không có cách nào tốt để tránh mắc bệnh. Tuy nhiên, để giúp giảm bớt hoặc giữ cho tình trạng bệnh không trở nên tồi tệ hơn, bạn nên:
- Tránh dùng steroid tại chỗ, trừ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
- Sử dụng mỹ phẩm một cách thận trọng. Tránh sử dụng mỹ phẩm nặng hoặc kem dưỡng da. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về loại kem dưỡng ẩm nào được chấp nhận sử dụng. Chuyển sang các chất làm sạch và dưỡng ẩm nhẹ nhàng. Hãy hỏi bác sĩ da liễu của bạn để có những khuyến nghị phù hợp nhất với làn da của bạn.
- Bảo vệ làn da của bạn: Tia cực tím (UV), nhiệt và gió của mặt trời có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da quanh miệng. Một số loại thuốc dùng để điều trị viêm da quanh miệng cũng sẽ khiến da bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Do đó, hãy bảo vệ da nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
Tóm lại, viêm da quanh miệng nếu không có phương pháp điều trị thích hợp thì đa số sẽ tự khỏi, nhưng có thể xuất hiện trở lại sau đó. Các đợt bùng phát viêm da quanh miệng có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Do đó khi nhận thấy các triệu chứng viêm da quanh miệng, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị thích hợp.
Tài liệu tham khảo:
- Babaoff M, et al. (2010). Erythematous rash on face. mdedge.com/jfponline/article/64074/dermatology/erythematous-rash-face/page/0/1
- Keri JE. (2017). Perioral dermatitis. merckmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/acne-and-related-disorders/perioral-dermatitis
- Perioral dermatitis. (n.d.). aocd.org/page/PerioralDermatitis
- Peri-oral dermatitis and rosacea. (n.d.). internationalrosaceafoundation.org/perioral.php
- Trẻ bị nổi mẩn đỏ, ngứa rát, tróc vảy quanh miệng là bị làm sao?
- Betacylic là thuốc gì? Công dụng của thuốc Betacylic
- COVID-19: Sai lầm người hen suyễn thường gặp khi điều trị tại nhà