17-01-2024 11:48

Vì sao trẻ hay biếng ăn sinh lý khi 9 tháng tuổi?

Vì sao trẻ hay biếng ăn sinh lý khi 9 tháng tuổi?

Biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi là tình trạng khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Vậy nguyên nhân gì dẫn tới tình trạng biếng ăn ở giai đoạn này và cách khắc phục ra sao?

1. Biếng ăn sinh lý là gì?

Biếng ăn là tình trạng rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như thay đổi sinh lý, tâm lý hoặc mắc một số bệnh lý,... Trẻ biếng ăn sẽ có trên 2 biểu hiện sau:

  • Bữa ăn thường kéo dài với thời gian trên 30 phút
  • Trẻ không ăn hết khẩu phần
  • Trẻ ăn dưới 1⁄2 khẩu phần ăn theo tuổi
  • Trẻ ngậm thức ăn trong thời gian dài, không chịu nuốt
  • Trẻ tìm cách trốn ăn, khóc lóc khi ăn
  • Trẻ buồn nôn khi thấy thức ăn
  • Trẻ không tăng cân liên tục trong 3 tháng liên tiếp

Biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi là do khi bước vào những giai đoạn mới, trẻ thường biếng ăn. Ngay cả khi khỏe mạnh thì trẻ cũng có những giai đoạn ăn ít trong vài ngày hoặc vài tuần mà vẫn khỏe mạnh, vui chơi bình thường. Ở giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ mải mê khám phá các kỹ năng mới nên không chú tâm tới việc ăn uống. Sau đó, trẻ sẽ quay lại nhịp độ ăn uống bình thường.

2. Nguyên nhân biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi

Một số nguyên nhân thường gặp trong giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi là:

2.1 Chế độ ăn uống của trẻ không phù hợp

Với trẻ 9 tháng tuổi thì nguồn dinh dưỡng chính của bé là sữa mẹ và thức ăn dặm. Đây là giai đoạn trẻ đã quen với chế độ ăn dặm nên nếu mẹ chế biến thức ăn không hợp khẩu vị hoặc sử dụng thực đơn nhàm chán, bé ăn nhiều đồ ăn vặt,... trẻ sẽ không có cảm giác ngon miệng, dẫn tới lười ăn và biếng ăn.

2.2 Trẻ đang mọc răng, tập đi

Khi được 9 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu quá trình mọc răng. Ở giai đoạn này, trẻ thường có những biểu hiện như sốt nhẹ, lợi đỏ và ngứa, hay quấy khóc, thường cắn ti mẹ,... Những thay đổi sinh lý trên khiến trẻ bứt rứt, khó chịu và không muốn ăn, bỏ bú. Bên cạnh đó, đây là thời điểm trẻ bò nhiều, bắt đầu tập đi nên bé bị mất tập trung với việc ăn uống.

2.3 Trẻ bị tiêu hóa kém

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây biếng ăn ở trẻ trong mọi nhóm tuổi, đặc biệt là trẻ 9 tháng tuổi. Rối loạn tiêu hóa gây ra các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân sống,... khiến trẻ mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng và lười ăn. Ngoài ra, trẻ biếng ăn lâu ngày cũng có sức đề kháng yếu, bé hay bị ốm vặt, phải điều trị bằng kháng sinh, dẫn tới loạn khuẩn đường ruột và kém hấp thu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ càng biếng ăn và hay ốm vặt,...

2.4 Trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe

Nếu mắc một số bệnh về nướu, họng gây đau, khó khăn khi nhai nuốt thì trẻ cũng thường bị chán ăn, bỏ bữa. Nếu bị ho, sốt, cảm cúm,... thì hàm lượng vitamin và khoáng chất trong cơ thể trẻ sẽ bị mất đi, đặc biệt là mất vitamin B gây giảm vị giác, khiến trẻ ăn không ngon. Ngoài ra, nếu bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán thì trẻ cũng thường bị biếng ăn.

trẻ 9 tháng biếng ăn
Biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi có thể do sốt hoặc một số nguyên nhân khác

2.5 Nguyên nhân khác

  • Thói quen ăn uống không đúng bữa
  • Trẻ ăn vặt quá nhiều ngay trước bữa chính
  • Trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, đi ăn rong,... nên không tập trung vào bữa ăn
  • Trẻ bị ép ăn nên có tâm lý căng thẳng, sợ hãi khi ăn
  • Chế độ ăn không cân đối, ăn quá nhiều trong một bữa hoặc ăn liên tục trong ngày sẽ gây ức chế bài tiết các men tiêu hóa, khiến trẻ sợ ăn
  • Thiếu vi chất dinh dưỡng: Tình trạng này làm giảm sản xuất enzyme tiêu hóa, khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn.

3. Làm thế nào giúp trẻ 9 tháng tuổi khắc phục chứng biếng ăn?

Tình trạng biếng ăn ở trẻ 9 tháng tuổi có thể được khắc phục bằng các cách sau:

  • Kết hợp bú và ăn dặm: Cha mẹ nên cho bé ăn dặm kết hợp với bú sữa để giúp bé nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết
  • Không lặp lại thực đơn: Cha mẹ không nên ép trẻ ăn những món mà con không thích. Đồng thời, không lặp lại thực đơn liên tục vì sẽ khiến trẻ thấy nhàm chán và không muốn ăn
  • Không cho trẻ ăn vặt trước bữa chính: Cha mẹ nên chia thời gian giữa các bữa ăn nhẹ và bữa chính của con cho hợp lý, tránh cho trẻ ăn vặt ngay sát giờ ăn chính. Như vậy, bé sẽ hào hứng ăn và ăn uống ngon miệng hơn
  • Trang trí món ăn đẹp mắt: Cha mẹ nên chú ý thay đổi thực đơn và trang trí món ăn cho trẻ thật đẹp mắt để thu hút bé, giúp bé ăn ngon miệng hơn
  • Tìm hiểu món ăn ưa thích của trẻ: Trẻ 9 tháng tuổi đã có tính cách và sở thích riêng. Bé cũng cảm nhận được mùi vị thức ăn, có biểu hiện thích hoặc ghét một món ăn nào đó. Vì thế, phụ huynh nên chú ý xem trẻ thích mùi vị, món ăn gì để chế biến thành món hợp khẩu vị cho bé
  • Cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình: Trẻ sẽ bắt chước người lớn trong bữa ăn, giúp bé ăn uống khoa học và ngoan ngoãn hơn
  • Không cho trẻ ăn rong hoặc xem tivi, điện thoại trong khi ăn, vì việc này khiến trẻ không tập trung ăn uống, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa của bé. Cha mẹ nên cho bé ngồi vào ghế ăn riêng, động viên để trẻ tập trung cho bữa ăn
  • Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài không quá 30 phút để bé thích thú với việc ăn uống, không cảm thấy quá tải
  • Không ép trẻ ăn: Cha mẹ nên cho trẻ ăn vào những khung giờ cố định để tạo thói quen cho bé và không nên thúc ép, giục bé ăn nhanh vì việc này dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó tiêu cho trẻ
  • Chăm sóc khi trẻ mọc răng: Khi mọc răng, mẹ nên dỗ dành trẻ, hạ sốt, vệ sinh răng miệng cho bé để giúp con giảm đau, khó chịu và ăn uống tốt hơn
  • Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu cho trẻ gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, chất xơ và khoáng chất
  • Bổ sung các vi chất cần thiết cho trẻ như kẽm, selen, sắt, vitamin C, vitamin B1 và vitamin B6,... theo hướng dẫn của bác sĩ để kích thích cảm giác ngon miệng, giúp trẻ ăn ngon, phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng.
biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi
Kết hợp bú và ăn dặm khắc phục biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi

4. Những loại thực phẩm tốt cho trẻ 9 tháng tuổi

Ngoài sữa, cha mẹ nên thêm vào thực đơn ăn uống của trẻ những loại thực phẩm sau:

  • Hoa quả tươi: Chuối, táo, lê, bơ, xoài, na,... Với quả mềm thì cha mẹ chỉ cần cắt nhỏ cho bé ăn. Với quả cứng thì phụ huynh nên xay sinh tố, ép lấy nước cho bé uống. Cha mẹ nên chọn trái cây theo mùa nhằm đảm bảo độ tươi ngon tự nhiên cho trẻ khi ăn. Không nên cho trẻ ăn trái cây có vị chua vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa của bé
  • Ngũ cốc: Lúa mì, yến mạch, gạo, các loại đậu
  • Sữa và chế phẩm từ sữa gồm phô mai, sữa chua, bơ,...
  • Trứng: Trẻ 9 tháng tuổi có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng. Mẹ có thể thêm trứng vào bột hoặc cháo của trẻ
  • Rau củ: Cha mẹ nên cho trẻ làm quen với các loại rau củ như bí ngô, rau cải, rau dền, súp lơ, rau ngót, khoai sọ,...
  • Các loại thịt, tôm, cua, cá,... cũng giàu protein, sắt và các khoáng chất quan trọng cho trẻ. Khi chế biến nhóm thực phẩm này, phụ huynh nên xay nhuyễn để trẻ dễ ăn.

Trên đây là thông tin cơ bản nhất về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ 9 tháng tuổi. Cha mẹ có thể làm theo những gợi ý ở trên để trẻ phát triển tốt. Nếu áp dụng những cách trên mà không đạt hiệu quả thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi hoặc dinh dưỡng để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

XEM THÊM:
  • Dinh dưỡng cho bé 9 tháng tuổi
  • Sự phát triển thần kinh, vận động bình thường ở trẻ em 1-12 tháng tuổi
  • Có nhất thiết phải dùng bột ăn dặm cho trẻ?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan