Mục lục
Tình trạng trẻ hay bị giun kim chủ yếu là do thói quen cho đồ chơi, đồ ăn,... không được vệ sinh sạch sẽ lên miệng. Cha mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun kim ở trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh và tẩy giun cho bé thường xuyên.
1. Chu kỳ sinh trưởng của giun kim
Tên khoa học của giun kim là Enterobius vermicularis. Đây là một loại giun nhỏ, phát triển ở đường tiêu hóa của trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm đa số là ở trẻ trong độ tuổi đi mẫu giáo.
Giun kim có kích thước nhỏ (như sợi chỉ), màu trắng và dài khoảng 1cm. Sau khi giao phối, giun kim đực sẽ chết còn giun kim cái sẽ đi xuống rìa hậu môn để đẻ trứng. Một con giun cái sẽ đẻ khoảng 4.000 - 200.000 trứng rồi chết. Thời gian để trứng giun phát triển thành giun trưởng thành là khoảng 3- 4 tuần. Trứng giun kim có thể sống 2 - 3 tuần sau khi ra khỏi cơ thể người. Thời gian sống của giun kim là 30 - 45 ngày.
2. Vì sao trẻ hay bị giun kim?
Trẻ bị nhiều giun kim hoặc sau khi tẩy giun vẫn bị lại thường do những nguyên nhân sau:
- Ấu trùng giun kim phát triển nhanh chóng ở các nếp nhăn của hậu môn nên nếu có giun kim đang đẻ ở hậu môn thì trẻ rất dễ bị tái nhiễm. Khi giun cái đẻ trứng, trẻ hay bị ngứa hậu môn và gãi. Từ đó, ngón tay của trẻ đã bị nhiễm trứng giun, khiến bé dễ bị nhiễm giun kim hoặc lây nhiễm cho người khác;
- Trứng giun kim có thể tồn tại trên các bề mặt như chăn đệm, quần áo, đồ dùng nhà vệ sinh, cốc chén, đồ ăn, bàn ăn ở trường,... Khi trẻ ăn uống, đi vệ sinh hoặc chơi đùa, trứng giun sẽ bám vào tay, móng tay. Nếu trẻ mút tay hoặc dùng tay trần bốc thức ăn thì trứng giun sẽ đi vào miệng, xâm nhập vào cơ thể và cư trú trong ruột.
3. Triệu chứng bé bị giun kim
Bệnh giun kim có tính chất kéo dài, thường gây các triệu chứng sau:
- Rối loạn tiêu hóa: Đầu tiên, trẻ bị ngứa hậu môn, chủ yếu là ngứa vào buổi tối - thời điểm lên giường đi ngủ (nhiệt độ giường ấm sẽ kích thích giun kim bò ra hậu môn đẻ trứng). Rìa hậu môn của bé có biểu hiện tấy đỏ và xung huyết, phân của trẻ thường nát hoặc lỏng, đôi khi có máu hay chất nhầy, tiêu chảy. Trẻ thường chán ăn, thỉnh thoảng buồn nôn hoặc nôn, đau bụng âm ỉ. Trẻ bị giun kim thường chậm phát triển, biếng ăn, da xanh tái, có thể bị còi xương, suy dinh dưỡng;
- Ảnh hưởng về thần kinh: Trẻ bị nhiễm giun kim thường có biểu hiện khó chịu, suy nhược thần kinh, khó ngủ, ngủ ít, hay giật mình và khóc đêm. Nhiều trẻ còn bị đái dầm thường xuyên do nhiễm giun kim.
4. Bé bị nhiễm giun kim có nguy hiểm không?
Trẻ bị nhiễm giun kim có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như:
- Khi ở trong ruột, giun kim gây tổn thương kích thích niêm mạc ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, gây viêm ruột mạn tính, khiến trẻ bị chán ăn, buồn nôn, đau bụng âm ỉ kéo dài,... Nếu bị nhiễm nhiều giun kim trong thời gian dài thì trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, da xanh xao, gầy còm,...;
- Khi giun kim đẻ trứng ở hậu môn gây ngứa sẽ khiến trẻ mất ngủ, bực dọc, hay quấy khóc,...;
- Nếu giun kim chui vào ruột thừa thì có thể dẫn tới viêm ruột thừa;
- Giun kim có thể gây hại cho cơ quan sinh dục nữ vì chúng có thể bò sang âm hộ, âm đạo, khiến các bé gái bị ngứa ngáy và gãi dẫn đến tình trạng xước, viêm tấy và nhiễm khuẩn. Từ đó, trẻ có thể bị viêm âm hộ, âm đạo hoặc rối loạn kinh nguyệt,...;
- Giun kim đi lạc chỗ vào thực quản, phổi, hốc mũi, bàng quang,... gây viêm nhiễm.
5. Điều trị giun kim cho trẻ như thế nào?
Trẻ hay bị giun kim cần được điều trị triệt để khỏi tình trạng này. Việc điều trị cần có sự tư vấn của bác sĩ để sử dụng đúng thuốc với liều lượng phù hợp. Các bậc phụ huynh chú ý không nên tự ý dùng thuốc trị giun cho trẻ vì không biết hết các tác dụng của thuốc và phản ứng phụ nếu có. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện nhiễm giun kim, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn chỉ định loại thuốc diệt giun phù hợp với độ tuổi.
Thông thường, trẻ từ 2 tuổi trở lên mới được tẩy giun. Tuy nhiên, với những trẻ bị suy dinh dưỡng do nhiễm giun thì có thể tẩy sớm hơn (khoảng 1 tuổi) nhưng cần sử dụng loại thuốc thích hợp. Một số thuốc tẩy giun thường dùng cho trẻ gồm:
- Albendazol: Có tác dụng tiêu diệt nhiều loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, giun kim,... Liều dùng 1 lần duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi (400mg);
- Mebendazol: Chỉ dùng thuốc cho trẻ trên 2 tuổi. Để tẩy giun kim thì cho trẻ uống liều 100mg, sau 2 - 4 tuần thì uống nhắc lại 1 lần nữa. Để tẩy một hoặc nhiều loại giun như giun móc, giun tóc, giun kim thì cho trẻ dùng 1 liều duy nhất 400mg;
- Pyrantel: Chỉ định để tẩy các loại giun đũa, giun móc, giun kim cho trẻ từ 1 tuổi trở lên với liều dùng là 10mg/kg cân nặng. Nếu trẻ nhiễm giun kim nhiều thì có thể dùng nhắc lại sau 1 tuần với liều dùng như trên.
Các loại thuốc tẩy giun trên được bào chế dưới dạng viên nén, mùi thơm, vị ngọt hoặc ở dạng hỗn dịch nên trẻ có thể dùng mà không sợ bị đắng. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ).
6. Cách phòng ngừa nguy cơ trẻ hay bị giun kim
Để tránh tình trạng bé bị nhiễm giun kim, cha mẹ cần chú ý tới các biện pháp phòng ngừa như:
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Người lớn cũng cần chú ý việc rửa tay trước khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ;
- Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, ăn trái cây đã gọt vỏ sạch sẽ;
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, vệ sinh sạch sẽ hậu môn bằng xà phòng sau mỗi lần bé đi đại tiện, không để trẻ ở truồng;
- Không để trẻ bò lê la trên sàn bẩn hoặc nghịch đất cát;
- Định kỳ tẩy giun cho trẻ cách mỗi 6 tháng/lần. Nếu trong nhà có một thành viên nhiễm giun kim thì nên tẩy giun cho cả nhà.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hay bị giun kim nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Cha mẹ nên chú ý cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ và tẩy giun đúng quy cách để trẻ phát triển tốt nhất.
- Công dụng thuốc Alben
- Công dụng thuốc Phardazone
- Đau bụng giun khác gì đau bụng thông thường?