Mục lục
Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, chức năng cơ thắt thực quản dưới chưa trưởng thành được biểu hiện bằng việc giãn thực quản dưới thoáng qua thường xuyên, dẫn đến xuất hiện dòng chảy ngược của các chất trong dạ dày vào thực quản.
1. Chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì?
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh được đặc trưng bởi dòng chảy trở lại của thức ăn trong dạ dày vào thực quản. Đó là một quá trình sinh lý bình thường, có thể diễn ra nhiều lần trong ngày. Có từ 20 - 30% trẻ sơ sinh bị trào ngược hơn 3 lần mỗi ngày trong vài tháng đầu đời.
May mắn là phần lớn các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là lành tính và sẽ tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nôn trớ không cần thăm khám chuyên biệt và điều trị.
2. Các nguyên nhân trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Hiện tượng trào ngược sau bữa ăn xảy ra ở cả những người khỏe mạnh. Một số giả thiết được đặt ra là do dung tích trong dạ dày của trẻ sơ sinh nhỏ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ thật sự gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường là do kết hợp nhiều yếu tố.
Các yếu tố giải phẫu khiến trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Góc tạo bởi thực quản và trục của dạ dày là góc tù ở trẻ sơ sinh. Góc này sẽ giảm dần khi trẻ phát triển, đảm bảo một rào cản hiệu quả hơn chống lại chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Sự hiện diện của thoát vị hoành có thể di chuyển cơ thắt thực quản dưới vào khoang ngực, nơi áp lực nội lồng ngực thấp hơn có thể tạo điều kiện cho trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, bản thân sự hiện diện của khối thoát vị không dự báo được trào ngược dạ dày thực quản, có nghĩa là nhiều trẻ thoát vị hoành không bị trào ngược dạ dày.
- Khi trẻ bị liệt dạ dày, tắc nghẽn đường ra dạ dày và hẹp môn vị có thể cản trở dòng chảy của dạ dày và làm tăng áp lực trong dạ dày dẫn đến trào ngược, nôn.
Các yếu tố khác khiến trẻ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Thuốc, ví dụ diazepam, theophylline, methylxanthines làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược thứ phát do giảm trương lực cơ vòng
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Rượu
- Thói quen ăn uống kém, như trẻ ăn quá nhiều, ăn khuya, nằm ngửa ngay sau khi ăn
- Dị ứng thực phẩm
- Một số loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, có tính axit cao
- Rối loạn vận động đường ruột làm chậm thời gian làm rỗng dạ dày
- Giãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua
- Béo phì
- Khuyết tật phát triển thần kinh, như trẻ bị bại não, hội chứng Down và các hội chứng di truyền khác liên quan đến chậm phát triển có nguy cơ đi kèm chứng trào ngược dạ dày thực quản cao
- Chế độ ăn uống chất lỏng làm giảm độ nhớt và tăng thể tích dạ dày.
3. Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường liên quan trực tiếp đến hậu quả của việc nôn trớ như trẻ tăng cân kém....
Bệnh nhi bị trào ngược dạ dày thực quản thường quấy khóc, rối loạn giấc ngủ và giảm cảm giác thèm ăn. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Khóc từng cơn, hay cáu gắt
- Ngưng thở
- Nhịp tim chậm
- Ăn không ngon miệng
- Giảm cân hoặc tăng trưởng kém
- Nôn mửa
- Thở khò khè
- Đau bụng hoặc đau ngực
- Viêm phổi tái phát
- Đau họng, khàn giọng hoặc viêm thanh quản
- Ho mãn tính.
Các dấu hiệu và triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em lớn hơn thường bao gồm tất cả những điều trên kèm theo chứng ợ nóng và tiền sử nôn mửa, nôn trớ, sâu nhiều răng và chứng hôi miệng.
4. Làm cách nào để chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em?
Hầu hết các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng. Từ đó, các biện pháp điều trị có thể được bắt đầu theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu biểu hiện không điển hình hoặc nếu đáp ứng điều trị là tối thiểu, cần phải đánh giá thêm qua các công cụ hỗ trợ như dùng áp kế thực quản, soi thực quản hay chụp thực quản, nghiên cứu điện sinh lý.
Mục tiêu của các liệu pháp điều trị cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản là giảm tiết axit và trong nhiều trường hợp, giảm thời gian làm rỗng dạ dày.
Các liệu pháp không dùng thuốc có thể áp dụng sớm cho trẻ nhỏ, bắt đầu ngay từ lứa tuổi sơ sinh:
- Chia nhỏ cữ bú ở trẻ nhỏ hay cung cấp các loại thức ăn nhỏ được làm đặc với ngũ cốc cho trẻ lớn hơn
- Giữ tư thế thẳng cho trẻ trong một khoảng thời gian sau khi cho ăn
- Nâng cao đầu giường
Đối với trẻ lớn hơn, cần áp dụng thêm các biện pháp như sau:
- Chế độ ăn kiêng, tránh các thức ăn có chứa cà chua và cam quýt, nước ép trái cây, bạc hà, sô cô la và đồ uống có chứa caffeine
- Chia nhỏ bữa ăn
- Thực hiện chế độ ăn tương đối ít chất béo vì chất béo sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày
- Duy trì thói quen ăn uống hợp lý, đều đặn hằng ngày
- Giảm cân
- Tránh tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp rượu, thuốc lá
Các loại thuốc được sử dụng cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản:
- Thuốc trung hòa axit trong dạ dày (ví dụ: nhôm hay magie hydroxit)
- Thuốc đối kháng histamine H2 (ví dụ: nizatidine, cimetidine, ranitidine, famotidine)
- Thuốc ức chế bơm proton (ví dụ: lansoprazole, omeprazole, esomeprazole, dexlansoprazole, rabeprazole natri, pantoprazole).
Nếu các biện pháp nêu trên đem lại hiệu quả điều trị rất ít, các bác sĩ có thể đưa ra chỉ định can thiệp duy nhất là cho ăn liên tục vào dạ dày qua ống thông mũi-dạ dày. Đây là một biện pháp thay thế cho phẫu thuật.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là một rối loạn phổ biến. Vì nguyên nhân khá đa dạng, từ các bất thường giải phẫu và cơ năng cùng với các yếu tố kích thích từ bên ngoài, việc chẩn đoán và điều trị còn là một thách thức. Tuy các triệu chứng trong bệnh lý này không đặc hiệu từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi vị thành niên, nếu trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em không được phát hiện và điều chỉnh sớm, thói quen ăn uống cũng như sự phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, ngay khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài mà áp dụng các phương pháp điều trị thông thường (như thay đổi lối sống, ăn uống, sinh hoạt,...) không hiệu quả, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo: emedicine.medscape.com, journals.lww.com, hopkinsmedicine.org, nuh.com.sg
- Hẹp môn vị: Biến chứng thường gặp ở bệnh loét dạ dày tá tràng mãn tính
- Loét dạ dày tiến triển thành ung thư như thế nào?
- Thoát vị hoành ở người lớn tuổi