Mục lục
Trẻ biếng ăn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển. Điều trị biếng ăn cho trẻ là một quá trình lâu dài, cần sự kiên nhẫn và phối hợp nhiều yếu tố để kích thích trẻ biếng ăn lấy lại cảm giác ngon miệng khi ăn. Khi trẻ biếng ăn, điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân thì mới có cách điều trị trẻ biếng ăn hiệu quả.
1. Nguyên nhân biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn là tình trạng phổ biến có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là do trẻ không thích một món ăn nào đó hoặc do nguyên nhân tâm lý khiến trẻ có cách nhìn tiêu cực về món ăn. Việc xác định nguyên nhân chính xác gây ra biếng ăn ở trẻ sẽ giúp tìm ra cách điều trị trẻ biếng ăn đúng đắn và hiệu quả.
1.1. Biếng ăn sinh lý
- Thường xuất hiện vào thời điểm trẻ mọc răng vì nướu răng sưng đau khiến trẻ gặp khó khăn khi nhai thức ăn, trẻ tập đi hoặc tập nói.
- Sự thay đổi hormone xảy ra ở thanh thiếu niên tuổi dậy thì cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chán ăn. Tình trạng này gọi là chứng chán ăn tuổi dậy thì.
1.2. Biếng ăn do tâm lý
Những vấn đề về tâm lý có thể gây chứng rối loạn ăn uống ở trẻ nhỏ.
- Bị cha mẹ dọa nạt thúc ép ăn làm cho trẻ không thấy thích thú, thậm chí còn sợ hãi khi đến bữa ăn.
- Trẻ chịu áp lực về vấn đề cân nặng.
- Trẻ phải chịu đựng những cảm giác khó chịu, căng thẳng khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán ăn. Ví dụ như áp lực trong học hành, thi cử, bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành
- Trẻ có chuyện đau buồn như cha mẹ ly hôn hoặc người thân trong gia đình qua đời cũng có thể khiến trẻ biếng ăn.
1.3. Biếng ăn do bệnh lý
- Trẻ mắc các bệnh do nhiễm virus hay vi khuẩn như viêm amidan, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột gây sốt, ho, mệt mỏi... dẫn đến biếng ăn. Đồng thời, tình trạng nhiễm khuẩn làm cơ thể tiêu thụ lượng lớn các vitamin và khoáng chất, nhất là magie, sắt, kẽm vitamin A, vitamin C và vitamin nhóm B làm cho trẻ biếng ăn.
- Việc cho trẻ dùng kháng sinh dễ gây ra tổn thương thực thể ở hệ tiêu hoá và rối loạn vi khuẩn đường ruột, dẫn đến trẻ bị khó tiêu, chướng bụng nên ngày càng biếng ăn.
- Trẻ bị thiếu ăn (do thiếu các chất dinh dưỡng) dẫn đến suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Những trẻ như vậy thường bị sinh non tháng hoặc nhẹ cân, hậu quả là trẻ lười bú mẹ ngay từ những ngày tháng đầu sau khi sinh.
- Trẻ biếng ăn do khẩu phần ăn không đầy đủ và cân đối các thành phần chất dinh dưỡng dẫn tới thiếu đạm, thiếu vitamin C, D, vitamin nhóm B, thiếu vi chất dinh dưỡng như lysine, sắt, kẽm,... Đặc biệt tình trạng thiếu kẽm khiến cho trẻ biếng ăn nghiêm trọng hơn.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, hội chứng kém hấp thu, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
1.4. Biếng ăn do chế độ ăn hoặc thói quen không tốt
Chế độ ăn và những thói quen không tốt mà cha mẹ vô tình tạo ra cho trẻ là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.
- Cho trẻ ăn bắt đầu dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi.
- Vẫn xay nhuyễn thức ăn dù trẻ đã 2 -3 tuổi.
- Lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn chưa hấp dẫn bắt mắt hay chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Không thay đổi món ăn thường xuyên mà cho trẻ ăn đi ăn lại một số loại thức ăn gây ra cảm giác chán ngán cho trẻ.
- Số lượng thức ăn quá ít hoặc quá nhiều và cách phân bố bữa ăn chưa hợp lý.
- Cho trẻ ăn không đúng giờ hoặc không đúng thời điểm, ví dụ như lúc trẻ vẫn còn no. Việc này khiến trẻ hình thành ấn tượng xấu về việc ăn uống vì không cảm thấy no hay thật sự đói. Đối với trẻ em, cảm giác no và đói thật sự chỉ có khi để trẻ tự muốn ăn.
- Thời gian mỗi bữa ăn kéo dài quá lâu hơn 30 phút
- Cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh khiến trẻ không cảm thấy đói khi đến bữa ăn chính.
- Trẻ ngậm thức ăn lâu mà không chịu nhai hoặc không chịu nuốt.
- Trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc vừa ăn vừa chơi đồ chơi làm cha mẹ dễ dụ trẻ ăn hơn và trẻ sẽ ăn nhanh hơn. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ vì làm cho trẻ không tập trung vào việc ăn, không cảm nhận được hương vị món ăn và quên cảm giác thèm ăn. Lâu dần thói quen xấu này có thể làm trẻ kén ăn hoặc biếng ăn.
Xem ngay: Làm sao để biết chính xác trẻ có biếng ăn hay không?
2. Cách điều trị trẻ biếng ăn
Điều trị biếng ăn cho trẻ là một quá trình lâu dài, cần sự kiên nhẫn và phối hợp nhiều yếu tố để kích thích trẻ biếng ăn lấy lại cảm giác ngon miệng khi ăn. Khi trẻ biếng ăn, điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân thì mới có cách điều trị trẻ biếng ăn hiệu quả. Mặc dù quá trình điều trị khi trẻ biếng ăn đôi khi sẽ gặp khó khăn nhưng bố mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc sau để hỗ trợ cho việc điều trị.
- Ngay từ khi còn là thai nhi, mẹ nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nên tiếp tục bú mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và an toàn đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Cho trẻ bắt đầu ăn dặm vào lúc 6 tháng tuổi. Không được bắt đầu cho trẻ ăn dặm quá sớm vì hệ tiêu hoá của trẻ còn non yếu chưa thể thích nghi.
- Cho trẻ ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng mỗi ngày, gồm chất đạm, chất đường bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Các thành phần cần cân đối, không nên dư thừa cũng có thể làm trẻ biếng ăn.
- Cho trẻ ăn các bữa phụ bằng váng sữa, sữa chua, phô mai vì đây là những món mà trẻ nhỏ thường thích. Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây
- Cho trẻ ăn đủ các loại thức ăn và thường xuyên thay đổi món ăn để tránh nhàm chán.
- Cần chế biến món ăn đa dạng, nhiều màu sắc và trang trí bắt mắt để cho kích thích trẻ biếng ăn lấy lại cảm giác ngon miệng.
- Hãy tìm hiểu và tôn trọng sở thích ăn uống của trẻ.
- Không nên đe doạ hoặc thúc ép trẻ ăn vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý sợ ăn.
- Nếu trẻ từ chối, không muốn ăn một loại thức ăn mới, bố mẹ không nên dùng mọi cách cố ép ăn mà thay vào đó hãy thử vào dịp khác.
- Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, các loại bánh kẹo, nước ngọt nhất là trước các trước bữa ăn.
- Bữa ăn của trẻ không kéo dài hơn 30 phút.
- Nếu trẻ có thể tự cầm hoặc tự xúc thức ăn thì nên cho trẻ tự ăn.
- Luôn khuyến khích, động viên và khen ngợi trẻ, dù trẻ chỉ ăn một lượng ít thức ăn.
- Cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng dành riêng cho trẻ sinh non, nhẹ cân.
- Trong thời gian điều trị những bệnh nhiễm khuẩn, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các loại như vitamin A, vitamin nhóm B vitamin C và các khoáng chất như kẽm, sắt, magie.
- Không được lạm dụng kháng sinh. Chỉ sử dụng cho trẻ khi được bác sĩ kê đơn.
- Các thực phẩm chức năng bổ sung chất dinh dưỡng cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ.
Việc cải thiện triệu chứng trẻ biếng ăn có thể diễn ra trong thời gian dài nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung dưỡng chất cho bé qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Phải làm gì khi con lười ăn?
- Sau điều trị Covid: Ăn gì để hồi phục?
- Thiếu vi chất dinh dưỡng là gì và ảnh hưởng tới sức khỏe?