Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hiện nay, cha mẹ ngày càng quan tâm đến sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ, nhằm giúp trẻ có thể chất khỏe mạnh và trí tuệ vượt trội. Xuất phát từ mong muốn nay, không ít cha mẹ có tâm lý so sánh chiều cao cân nặng của con mình với các bạn cùng trang lứa. Vậy điều này có đúng không? Qua bài viết dưới đây, cha mẹ có thể tìm một được một phần lời giải cho câu hỏi trên.
1. Những giai đoạn vàng phát triển chiều cao của trẻ
Đầu tiên, chúng ta cần nắm được quá trình phát triển chiều cao của trẻ trải qua mấy giai đoạn? Mặc dù, chiều cao của trẻ được quy định một phần trong bộ gen do chiều cao của bố và mẹ truyền cho, nhưng nhiều yếu tố khác cũng có sự ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của trẻ trong tương lai. Thực tế, sự phát triển chiều cao có thể kéo dài đến khi bé đạt 25 tuổi.
Vậy trẻ bắt đầu phát triển chiều cao khi nào? Hai giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của bé là giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi) và giai đoạn tuổi dậy thì. Khi còn trong bụng mẹ, thời kỳ 3 tháng cuối là giai đoạn tăng trưởng mạnh về cân nặng và chiều cao của bào thai trước khi ra đời. Đến độ tuổi tiền dậy thì khác nhau giữa hai giới: nam là 7-9 tuổi, nữ là 6-8 tuổi. Nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, có môi trường sống lành mạnh và vận động luyện tập thể chất thì trẻ sẽ đạt được chiều cao tối ưu trong hai giai đoạn vàng này.
Xem ngay: Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao trong 1000 ngày đầu đời
2. Sự thay đổi chiều cao của trẻ qua từng giai đoạn
Tiếp theo, chúng ta có thể tìm hiểu sự thay đổi chiều cao của bé như thế nào qua từng giai đoạn?
2.1. Giai đoạn 1: 1000 ngày đầu đời của bé
Thứ nhất, giai đoạn 1000 ngày đầu đời của bé đã được Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất, bởi giai đoạn này quyết định 60% khả năng gia tăng chiều cao của trẻ trong tương lai. Giai đoạn trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đạt mốc phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Năm đầu tiên, trẻ có thể tăng 25 cm, sau đó là 10 cm vào năm tiếp theo. Sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng không quá nhanh chỉ còn khoảng 6,2 cm mỗi năm, mật độ xương tăng lên khoảng 1% một năm ở cả bé trai và bé gái.
Tuy là giai đoạn vàng của sự phát triển thể chất, trẻ phải trải qua những chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời như sự thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung của mẹ sau khi sinh, chuyển tiếp về sự nuôi dưỡng (bú sữa mẹ sang ăn dặm, rồi chuyển dần sang ăn bữa ăn cùng gia đình). Những sự thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, không chỉ là sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng, mà còn là sự phát triển trí não và nhận thức của trẻ, bởi giai đoạn này trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao nhất và dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng. Bởi vậy, khi có kế hoạch mang thai, người phụ nữ cần bổ sung dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ nhằm đạt cân nặng tối ưu trong quá trình mang thai (10-12 kg). Đến khi em bé ra đời, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến quá trình chăm sóc và dinh dưỡng của trẻ trong hai năm đầu đời một cách khoa học, thường xuyên kiểm tra cân nặng và chiều cao của trẻ theo độ tuổi, giới tính để kịp thời phát hiện tình trạng thiếu cân nặng, thiếu chiều cao.
2.2. Giai đoạn 2: Tuổi dậy thì
Thứ hai, sự phát triển chiều cao của trẻ ở giai đoạn dậy thì có sự gia tăng vượt bậc về cơ bắp, khung xương và chức năng sinh dục. Sự tích lũy nhanh chóng về khối lượng xương liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển chiều cao, kèm theo sự tham gia của hormon tăng trưởng như: hormon tăng trưởng GH, IGF-1, steroid sinh dục, giúp trẻ có thể tăng 10-15 cm/năm trong giai đoạn dậy thì. Đỉnh tăng trưởng chiều cao ở nam và nữ khác nhau, với trẻ nữ từ 10-12 tuổi, trẻ nam từ 12-14 tuổi. Tốc độ này giảm dần khi trẻ nữ đạt 15 tuổi và trẻ nam đạt 17 tuổi. Trong giai đoạn này dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp phát triển cơ thể của trẻ. Các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iot và kẽm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi cơ thể được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao trong môi trường sống lành mạnh, chiều cao của con người vẫn tăng ít nhất đến 25 tuổi ở nữ giới và 28 tuổi ở nam giới.
Như vậy, sự phát triển chiều cao của bé cần trải qua một quá trình lâu dài từ lúc còn là bào thai đến lứa tuổi trưởng thành. Bước qua bất kỳ giai đoạn nào, cha mẹ cũng cần quan tâm chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để bé phát huy hết tiềm năng chiều cao của mình. Có thể tại một thời điểm nhất định, bé có chiều cao không bằng các bạn cùng lứa tuổi, nhưng không có nghĩa bé sẽ thấp hơn các bạn trong lứa tuổi trưởng thành.
3. Các biện pháp can thiệp giúp bé tăng trưởng chiều cao tối ưu
Cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của bé để cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời. Dù trải qua bất kỳ giai đoạn nào của phát triển chiều cao, các bé cần đảm bảo một “công thức chung” như sau:
- Một là, trẻ cần một chế độ dinh dưỡng tối ưu, cân bằng theo lứa tuổi
- Thứ hai, cha mẹ khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất vui chơi ngoài trời, đặc biệt các môn cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội có lợi ích rất lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
- Thứ ba, trẻ cần ngủ đủ giấc theo lứa tuổi, tuyệt đối không ngủ muộn sau 22 giờ vì ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormon tăng trưởng.
Sự phát triển chiều cao của bé ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố nên rất cần sự lưu tâm, chăm sóc của cha mẹ trong một thời gian dài, kết hợp nhiều yếu tố như dinh dưỡng, vận động và lối sống lành mạnh. Qua bài viết trên đây, hẳn cha mẹ cũng đã hiểu được vì sao bé nhà mình lại thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì cha mẹ không cần quá lo ngại, thay vào đó, cha mẹ có thể tập trung chăm sóc trẻ, đặc biệt ở những giai đoạn vàng bằng những biện pháp giúp tăng chiều cao cho trẻ để chúng đạt được chiều cao tối ưu và thân hình cân đối.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Trẻ 3 tuổi cao bao nhiêu cm là chuẩn?
- Chiều cao ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn thế nào?
- Biểu đồ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ cho biết điều gì?