Mục lục
Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em thường không có biểu hiện rõ rệt trước khi xuất hiện tình trạng nôn, ói ra máu hoặc đại tiện phân đen. Đa số các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trẻ em ngày nay là do bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng.
1. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá ở trẻ em là gì?
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu ở đường tiêu hóa, có thể gặp ở trẻ em và người lớn với các biểu hiện như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu.
Xuất huyết tiêu hóa chiếm từ 10 - 20% các trường hợp đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa. Tuy nhiên mức độ xuất huyết của mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Bệnh có thể là một tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhưng cũng có thể là biểu hiện nhẹ có thể trì hoãn việc khám và điều trị.
Tùy theo vị trí xuất huyết trong đường tiêu hóa, bệnh phân thành 2 loại sau đây:
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Là loại xuất huyết thường gặp nhất, do viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản hoặc vỡ – giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng Mallory Weiss.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên ở trẻ em gồm có:
- Rối loạn đông máu;
- Viêm dạ dày;
- Loét do stress;
- Viêm thực quản gây ra bởi trào ngược dạ dày thực quản;
- Dị dạng mạch máu;
- Vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản;
- Vết rách Mallory-Weiss.
Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa dưới ở trẻ em gồm có:
- Viêm ruột nhiễm trùng;
- Nứt hậu môn;
- Polyp đại tràng;
- Lồng ruột;
- Xoắn ruột;
- Túi thừa Meckel;
- Scholein Henoch;
- Dị dạng mạch máu;
- Hội chứng tán huyết urê máu;
- Bệnh viêm ruột.
Hiện nay, theo một số nghiên cứu y khoa cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em và người lớn là do biến chứng của loét dạ dày tá tràng. Viêm loét dạ dày tá tràng thường do vi khuẩn HP gây nên. Loại vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm qua đường ăn uống do dùng chung bát, đũa, cốc, chén, đồ dùng sinh hoạt chung với người bị nhiễm vi khuẩn HP.
2. Dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em
Thông thường, trẻ bị xuất huyết tiêu hóa không có biểu hiện rõ rệt cho đến khi xuất hiện tình trạng nôn, ói ra máu hoặc đại tiện phân đen. Đa phần các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trẻ em ngày nay là do các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng gây chảy máu hay còn gọi là xung huyết dạ dày.
Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa thường có một số những biểu hiện như sau:
- Ợ hơi, đầy bụng;
- Buồn nôn và nôn;
- Đau rát ở bụng;
- Đau ngực;
- Sụt cân, mệt mỏi;
- Thường xuyên ợ nóng, nấc cục;
- Chán ăn, khó nuốt;
- Hôi miệng;
- Tiêu chảy;
- Thiếu máu;
- Nôn ra máu;
- Đại tiện ra máu;
- Đi ngoài phân đen.
Các triệu chứng này rất phổ biến ở trẻ em khi bị bệnh. Không nhất thiết phải là loét dạ dày tá tràng mới gây xuất huyết tiêu hóa nhưng đó cũng có thể là những cảnh báo cần thiết để các bác sĩ nhận biết và tìm ra nguyên nhân cũng như điều trị hiệu quả.
4. Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như thế nào?
Để chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em cần dựa vào:
- Kiểm tra tiền sử y học;
- Xét nghiệm máu (nếu thấy cần thiết);
- Nội soi tiêu hóa: Tùy theo xuất huyết tiêu hóa trên hay dưới mà tiến hành nội soi dạ dày tá tràng hay nội soi đại tràng để xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị hợp lý;
- Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm bụng, chụp X-quang dạ dày tá tràng cản quang hoặc chụp đại tràng cản quang (nếu thấy cần thiết).
5. Điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như thế nào?
Điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh, cụ thể:
- Xuất huyết tiêu hóa nặng đe dọa tính mạng cần truyền máu.
- Xuất huyết tiêu hóa trên thường có thể tự cầm sau khi điều trị nội khoa, vì thế hiếm khi cần phẫu thuật nội soi cấp cứu. Nên tiến hành nội soi ở phòng mổ, kết hợp với bác sĩ phẫu thuật để phòng ngừa tình trạng cầm máu bằng nội soi thất bại thì sẽ tiến hành phẫu thuật ngay.
- Với các nguyên nhân là bệnh lý ngoại khoa như lồng ruột, polyp, túi thừa Meckel thì cần chỉ định phẫu thuật để điều trị hết nguyên nhân.
6. Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em có thể phòng ngừa bằng cách:
- Giúp trẻ tạo cân bằng giữa việc học và giải trí, giảm căng thẳng.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay, vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ.
- Cho trẻ đi khám khi có các biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa.
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa trẻ em khá nguy hiểm, bạn không nên chủ quan mà cần phải thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp để trẻ có sức khỏe tốt. Nếu trẻ được cho điều trị nội khoa nhưng lại có dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để tránh hệ lụy không mong muốn xảy ra.
- Đau thượng vị đại tiện phân đen là bệnh gì?
- Tiêu chảy, phân đen là dấu hiệu của bệnh gì?
- Nội soi đường tiêu hóa trên: Những điều cần biết