Mục lục
Kẽm là một nguyên tố rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, việc bổ sung kẽm cho trẻ là hết sức cần thiết, đặc biệt là với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
1. Tìm hiểu về suy dinh dưỡng thể thấp còi
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể bị thiếu hụt protein - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng (do mắc bệnh hoặc do giảm tiêu thụ thực phẩm). Suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng trẻ em không đạt được chiều cao theo tiêu chuẩn về độ tuổi, giới tính. Đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính, do quá trình suy dinh dưỡng kéo dài hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn lặp đi lặp lại.
Các yếu tố liên quan tới tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em gồm: Cân nặng sơ sinh thấp, kinh tế hộ gia đình, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, các bệnh lý khác như tiêu chảy, sốt,... Suy dinh dưỡng thấp còi là một yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, gây suy giảm sức khỏe cho trẻ từ khi còn nhỏ tới tuổi trưởng thành, làm giảm khả năng học tập và năng suất lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư,... sau này.
2. Vai trò của kẽm đối với sức khỏe của trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ phụ thuộc nhiều vào gen di truyền và dinh dưỡng, bệnh tật. Trong đó, dinh dưỡng được xem là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất. Việc tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có những tác động tích cực tới sự phát triển chiều cao của trẻ. Với những trẻ bị suy dinh dưỡng thì việc bổ sung kẽm, i ốt, vitamin A,... sẽ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
Không thể phủ nhận kẽm mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đó là:
- Kẽm tham gia vào nhiều thành phần của các enzyme bên trong cơ thể, góp phần tăng cường quá trình tổng hợp protein, phân chia tế bào và tăng cảm giác ngon miệng;
- Kẽm kích thích hoạt động của khoảng 100 enzyme trong cơ thể. Các enzyme này là những chất xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn;
- Kẽm đảm bảo hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả, bảo vệ cơ thể trước các yếu tố nguy cơ gây bệnh, giúp vết thương mau lành, góp phần bảo vệ vị giác và khứu giác.
Nếu thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác sẽ chịu những tác động tiêu cực, gây rối loạn vị giác và dẫn tới biếng ăn ở trẻ. Từ đó, cơ thể trẻ sẽ bị chậm hoặc ngừng phát triển, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng nói chung. Đó là lý do trẻ em thiếu kẽm thường bị biếng ăn, còi cọc và chậm lớn - suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Việc bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi giúp khôi phục rõ rệt tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, làm tăng nồng độ hormone IGF-1 (yếu tố tăng trưởng rất quan trọng trong cơ thể). Bên cạnh đó, việc bổ sung kẽm còn có tác dụng tốt với tinh thần của trẻ. Trẻ bị thiếu kẽm thường dễ nổi cáu. Nếu bổ sung đủ kẽm, kẽm sẽ vận chuyển canxi vào não, giúp ổn định thần kinh của bé.
3. Bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách
3.1 Nhu cầu hấp thu kẽm của mỗi người
Nhu cầu hấp thu kẽm ở các độ tuổi khác nhau như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Khoảng 5mg/ngày;
- Trẻ 1 - 10 tuổi: Khoảng 10mg/ngày;
- Thanh thiếu niên và người trưởng thành: Khoảng 15mg/ngày (nam) hoặc 12mg/ngày (nữ);
- Phụ nữ mang thai: Khoảng 15mg/ngày;
- Phụ nữ cho con bú 6 tháng đầu: Khoảng 19mg/ngày;
- Phụ nữ cho con bú 6 - 12 tháng: Khoảng 16mg kẽm/ngày.
Thực tế, lượng kẽm được cơ thể hấp thu khoảng 5mg mỗi ngày, chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, một phần nhỏ ở hồi tràng. Tỷ lệ hấp thu kẽm trong điều kiện chuẩn là khoảng 33%.
3.2 Cách cung cấp đủ vi chất kẽm cho trẻ nhỏ
- Cha mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ bằng cách cho bé ăn nhiều những thực phẩm giàu kẽm như ngao, sò, cá biển, hàu, tôm đồng, lươn, sữa, gan lợn,... trứng gà, các loại thịt đỏ, thực phẩm thuộc họ đậu,...;
- Với trẻ nhũ nhi, để trẻ được bổ sung đủ kẽm thì cha mẹ nên cố gắng cho bé bú mẹ vì lượng kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sữa bò. Ở tháng đầu sau sinh, lượng kẽm trong sữa mẹ cao nhất (khoảng 2 - 3mg/lít), sau 3 tháng thì lượng kẽm giảm còn 0,9mg/lít. Trong 3 tháng đầu đời của trẻ, lượng kẽm mà người mẹ mất đi khoảng 1,4mg/ngày. Do vậy, người mẹ cần ăn nhiều những thực phẩm giàu kẽm để bổ sung đủ vi chất cho cả mẹ và con;
- Với trẻ biếng ăn thì việc cung cấp kẽm qua thực phẩm sẽ không đủ. Cha mẹ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng giàu kẽm cho trẻ với nguồn gốc tự nhiên để tăng khả năng hấp thu của cơ thể bé.
Một số lưu ý phụ huynh cần nhớ khi bổ sung kẽm cho trẻ:
- Phytate trong ngũ cốc thô, đậu nành, thực phẩm giàu chất xơ,... có thể làm giảm hấp thu kẽm vào cơ thể. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn đủ chất đạm động vật để khắc phục hạn chế này của thực phẩm giàu phytate (thay vì việc giảm tiêu thụ các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật);
- Canxi làm tăng bài tiết kẽm, làm giảm tỷ lệ hấp thu kẽm nên cha mẹ không cho trẻ uống canxi cùng lúc với kẽm;
- Để tăng hấp thu kẽm, cha mẹ nên cho trẻ bổ sung kẽm cùng với thức ăn giàu vitamin C.
Ngoài ra, để giúp trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có thể phát triển chiều cao, cân nặng tốt, cha mẹ nên bổ sung thêm vitamin A, i ốt, sắt, canxi, vitamin D,... cho bé.
Tóm lại, kẽm là một vi chất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng, thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời. Những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thường bị thiếu kẽm nên cha mẹ cần bổ sung kẽm cho trẻ qua đường ăn uống và thực phẩm chức năng để đảm bảo bé được cung cấp đủ kẽm, bắt kịp đà tăng trưởng.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
- Liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) có nguy hiểm không?
- Mất vị giác là như thế nào?
- Tại sao vị giác của bạn thay đổi?