Mục lục
Mất khứu giác là tình trạng không thể ngửi được mùi, có thể là biểu hiện của một bệnh lý. Đối với bệnh nhân dương tính với Covid – 19, mất khứu giác là chỉ điểm sớm nhất để phát hiện nhiễm Covid – 19, ngay cả khi người bệnh không có các triệu chứng như ho và sốt.
1. Tình trạng mất khứu giác ở bệnh nhân COVID – 19
Mất khứu giác là tình trạng không thể ngửi được mùi, mất cảm giác về mùi, có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý như cảm, viêm xoang, viêm mũi,.. Đối với bệnh nhân dương tính với Covid – 19 (SARS–CoV–2), mất khứu giác là chỉ điểm sớm nhất để phát hiện nhiễm Covid – 19, ngay cả khi người bệnh không có các triệu chứng như ho và sốt.
Đối với các trường hợp cảm lạnh và cảm cúm, nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy là nguyên nhân gây mất khứu giác. Còn đối với người nhiễm Covid – 19, mất khứu giác một cách đột ngột là triệu chứng đặc trưng, thường xảy ra trước hoặc cùng lúc với những biểu hiện khác và cũng thường không đi kèm với nghẹt mũi, chảy mũi. Tình trạng này có liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong các tế bào thần kinh khứu giác và tế bào biểu mô mũi mà không có bất cứ sự tắc nghẽn nào. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã thêm đưa dấu hiệu rối loạn chức năng khứu giác, điển hình là mất khứu giác mới xuất hiện là triệu chứng của người nhiễm Covid – 19.
Tỷ lệ chính xác của triệu chứng mất khứu giác ở bệnh nhân dương tính với Covid – 19 thay đổi đáng kể tùy thuộc vào các nghiên cứu khác nhau cũng như các đặc điểm về nhân khẩu học thuần tập. Tuy nhiên, ước tính cho thấy là mất khứu giác xảy ra ở khoảng 20 – 50% tổng số bệnh nhân nhiễm Covid – 19 trên toàn thế giới.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng mất khứu giác trong nhiễm Covid – 19 phổ biến ở người trẻ hơn so với người lớn tuổi và không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ. Nhưng một số nghiên cứu khác lại cho thấy những người phụ nữ trẻ có chỉ số BMI cao sẽ có nguy cơ càng cao.
Tình trạng mất khứu giác đối với đa số bệnh nhân dương tính với Covid – 19 có xu hướng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (thường là dưới 2 tuần) và sẽ hồi phục nhanh chóng trong vòng 10 ngày. Ở một số bệnh nhân, mất khứu giác có thể tồn tại lâu hơn, thậm chí là không thể hồi phục - đặc biệt với nếu nhiễm Covid – 19 kéo dài.
2. Cơ chế gây mất khứu giác ở bệnh nhân COVID – 19
Theo các nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 có khả năng làm tổn thương hệ thống khứu giác nơi nhận biết mùi (kết nối giữa mũi và não), là nguyên nhân gây mất khứu giác đột ngột.
Có hai loại tế bào liên quan đến chức năng khứu giác bao gồm tế bào hỗ trợ thần kinh (còn gọi là tế bào trung tâm) và tế bào cảm nhận mùi. Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid – 19, các nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 tấn công vào tế bào cảm nhận mùi một cách chọn lọc. Những tế bào này có liên quan đến tế bào cảm nhận mùi ở trong não, điều này gây nên sự lo ngại về việc virus sẽ theo đó lan lên não. Tuy nhiên, giải phẫu tử thi ở người bệnh dương tính với Covid – 19 cho thấy virus SARS-CoV-2 rất hiếm khi xâm nhập lên não nên không chắc chắn về giả thiết tế bào cảm nhận mùi bị tổn thương. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard đã chỉ ra rằng có rất nhiều thụ thể ACE2 ở trong tế bào hỗ trợ thần kinh, còn tế bào cảm nhận mùi thì không có. Virus SARS-CoV-2 chỉ tấn công vào các tế bào có thụ thể ACE2. Vì vậy, giả thuyết về việc virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào hỗ trợ thần kinh dẫn đến mất khứu giác đã dần nhận được nhiều sự đồng thuận của các nhà khoa học.
Khi virus SARS-CoV-2 liên kết với thụ thể ACE2 trên các tế bào hỗ trợ thần kinh trong mũi sẽ làm tổn thương và chết các tế bào này. Các lông mao cảm nhận trên tế bào thụ cảm thần kinh khứu giác cũng vì vậy mà mất đi. Do đó, lông mao của tế bào thần kinh không liên kết được với chất tạo mùi gây ra triệu chứng mất khứu giác. Tất cả quá trình này có thể xảy ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 1 hoặc 2 ngày.
Các tế bào hỗ trợ thần kinh (còn gọi là tế bào trung tâm), có thể được tái tạo từ các tế bào gốc. Trong khi triệu chứng mất khứu giác còn đang hiện diện thì các tế bào gốc vẫn có thể tái tạo nhanh chóng các tế bào trung tâm (thường chỉ trong vòng 3 – 7 ngày). Các lông mao trên những tế bào thần kinh khứu giác cũng được tái tạo cho phép chúng liên kết với các chất tạo mùi. Điều này giải thích tại sao chức năng khứu giác lại hồi phục nhanh chóng trong phần lớn các trường hợp.
Hệ thống thần kinh khứu giác có thể tự hồi phục nhờ vào sự tái tạo của tế bào gốc nhưng quá trình phục hồi này cần thời gian. Theo thống kê thì có khoảng 90% những người bị mất khứu giác do nhiễm Covid – 19 có thể cải thiện trong vòng bốn tuần. Nhưng có một số bệnh nhân bị tổn thương thần kinh khứu giác khá nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp mất khứu giác kéo dài có thể đến 2 năm, hồi phục không hoàn toàn hoặc loạn khứu giác.
Tốt nhất khi có vấn đề về sức khỏe, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra nhằm có những tư vấn và điều trị phù hợp được tốt nhất.
- Hỏi đáp về COVID-19 với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh – Phần 1
- Phản ứng cánh tay sau tiêm vắc xin COVID-19 Moderna
- Virus SARS-CoV-2 đã biến chủng như thế nào? Có bao nhiêu chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan?