Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Hầu hết các bé lười ăn dặm và từ chối thức ăn theo thời gian. Việc bắt đầu ăn thức ăn đặc đôi khi có thể hơi khó chịu hay quá mới mẻ đối với cả bé và bố mẹ. Vì vậy, nếu bé lười ăn dặm bố mẹ cũng không nên quá lo lắng.
1. Vì sao bé lười ăn dặm?
Có nhiều lý do để giải thích cho việc bé lười ăn dặm. Tuy nhiên, bố mẹ cần biết một sự thật rằng con bạn không phải là đứa trẻ duy nhất lười ăn dặm. Hiểu rõ lý do tại sao trẻ lười ăn dặm là việc làm đầu tiên giúp bố mẹ giải quyết triệt để tình trạng này.
Cũng giống như người lớn, bé sẽ dần cảm thấy chán ăn khi sức khỏe không tốt, ốm đau hoặc ăn không ngon miệng. Vì vậy, nếu em bé của bạn bị cảm lạnh, đau họng hoặc đang mọc răng, bé có thể bỏ ăn. Hiểu một cách đơn giản trong tình huống này là bé quá mệt để ăn.
Ngược lại, nếu con bạn khỏe mạnh và đang bú mẹ hoặc uống sữa công thức, có thể là bé không đói. Khẩu vị của trẻ sơ sinh thay đổi theo từng ngày, thậm chí theo từng bữa ăn. Em bé của bạn có thể không phải lúc nào cũng háu ăn như cách mà bạn mong muốn. Nếu bé có nhiều cữ bú đêm, điều đó sẽ khiến bé lười ăn dặm hoặc không muốn ăn thêm thức ăn đặc vào ban ngày.
Một nguyên nhân khác nữa để giải thích tình trạng bé lười ăn dặm là vì bé không thích mùi vị hoặc kết cấu của thức ăn. Trong khi trẻ nhỏ thường vui vẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong những ngày đầu ăn dặm, trẻ lớn hơn có nhiều khả năng sẽ từ chối các vị và kết cấu mới. Nếu bạn cung cấp cho trẻ một số loại thực phẩm mới lạ với trẻ, ban đầu trẻ có thể từ chối. Trẻ sơ sinh có xu hướng thích vị ngọt, vì vậy bé có thể từ chối thức ăn chua hoặc đắng. Điều này bao gồm các loại rau có hương vị đặc trưng như cải xoăn, cải bruxen hoặc cải xoong. Mặc dù vậy, hãy cố gắng không cho bé ăn lặp lại những món ăn yêu thích của trẻ. Thay vào đó, hãy tiếp tục cung cấp nhiều loại thức ăn khác nhau để đa dạng hóa bữa ăn và đảm bảo trẻ vẫn được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu. Việc bé ăn dặm lười ăn với các món mới là điều bình thường, vì vậy hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho việc bé cần ăn món mới 8 lần trước khi thực sự chấp nhận nó.
2. Các biện pháp giải quyết khi bé lười ăn dặm
Khi bé lười ăn dặm, các cách giải quyết sẽ khác nhau và phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của bé. Bạn có thể thử cho trẻ ăn thức ăn đặc khi được khoảng 6 tháng tuổi. Nhưng tất cả các em bé là những cá thể khác nhau. Một số trẻ có thể ăn sớm hơn và có xu hướng thích thử hương vị cũng như kết cấu thức ăn mới, trong khi một số bé khác thì ngược lại.
Ăn dặm là một quá trình diễn ra từ từ. Trong vài tháng tiếp theo, con bạn sẽ tiếp tục nhận được hầu hết những gì bé cần từ sữa thông thường, cho dù đó là sữa mẹ hay sữa bột. Vì vậy, đừng vội cho bé bắt đầu ăn dặm ngay sau khi bé chạm mốc 6 tháng.
Bước đầu tiên có thể làm là tìm hiểu xem em bé của bạn đã thực sự sẵn sàng chưa bằng cách đặt các câu hỏi sau:
- Bé có thể ngồi thẳng lưng với sự hỗ trợ?
- Bé có thể giữ vững đầu của mình?
- Bé có thể tự nhặt đồ vật và đưa chúng lên miệng?
Nếu câu trả lời cho cả 3 là "có", bé đã sẵn sàng bắt đầu ăn dặm. Nếu em bé của bạn được 6 tháng tuổi và không có đủ những dấu hiệu này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Tuy nhiên, hãy cố gắng đừng lo lắng, vì tất cả trẻ sơ sinh đều phát triển theo tốc độ của riêng chúng.
Nếu em bé của bạn đã sẵn sàng về mặt thể chất, nhưng vẫn có vẻ không hứng thú với việc ăn uống, những lời khuyên sau có thể hữu ích:
- Hãy nghĩ về thời điểm bạn cho trẻ ăn: Nếu thời điểm ăn dặm là sau khi bú sữa, trẻ có thể quá no để thử món khác, vì vậy hãy thử cho trẻ ăn trước khi bú. Bạn có thể cho trẻ uống sữa sau đó nếu trẻ vẫn còn thấy đói.
- Ngược lại, khi bé đang rất đói, bé có thể quá chán nản để thử một thứ gì đó mới. Trong trường hợp này, bạn có thể chỉ cho trẻ bú một ít sữa để giảm cơn đói, sau đó bắt đầu cho trẻ ăn lại.
- Một mẹo khác để khuyến khích bé ăn dặm là để bé bắt chước bố mẹ. Cho trẻ ngồi trên một chiếc ghế cao bên cạnh bạn tại bàn khi ăn. Chuẩn bị một món ăn mà bạn biết trẻ có thể ăn được. Nếu trẻ có vẻ quan tâm, hãy chia sẻ với trẻ một phần ăn của bạn.
- Bố mẹ cũng có thể tạo điều kiện cho trẻ tự ăn để kích thích: Từ 6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé ăn thức ăn mềm. Ví dụ, bạn có thể thử mẫu bánh mì nướng không vỏ có bơ, những lát trái cây chín, gọt vỏ hoặc một miếng cà rốt đã được nấu chín mềm. Nếu bạn muốn cho trẻ ăn bằng thìa, bạn có thể thử đưa cho trẻ một chiếc thìa của chính mình để chơi trong khi bạn cho trẻ ăn.
- Nếu bé chỉ lười ăn dặm với một loại thức cụ thể nào đó, bạn nên thử lại nhiều lần nữa! Có thể khá mất thời gian để tập cho trẻ thích một loại thức ăn mới và bạn có thể cần cho trẻ ăn 10 lần hoặc hơn trước khi trẻ thực sự thích món đó.
- Khi bé đã nếm thức ăn, hãy vỗ tay và cổ vũ để bé thấy bạn hạnh phúc như thế nào. Trẻ em thường thích nhận được sự chú ý từ người khác.
Việc trẻ không ăn nhiều là điều đương nhiên, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng. Trẻ sơ sinh chỉ ăn một vài thìa hoặc một lượng nhỏ thức ăn mỗi ngày khi mới bắt đầu ăn dặm là điều hoàn toàn bình thường. Nếu con bạn tiếp tục tăng cân đều thì sức khỏe của bé vẫn ổn.
Mỗi lần cho bé ăn một ít là một cách tiếp cận tốt và việc cho trẻ ăn dặm là việc làm cần kiên trì, bởi vì:
- Sự dự trữ sắt dành riêng cho trẻ sơ sinh bắt đầu cạn kiệt sau 6 tháng.
- Trẻ sơ sinh cần học cách nhai để giúp phát triển giọng nói.
- Sự phát triển của trẻ sơ sinh có thể chậm lại nếu chúng chỉ dựa vào sữa mẹ hoặc sữa công thức sau 6 tháng tuổi.
Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về việc tăng cân của con mình hoặc chỉ muốn yên tâm một chút, bạn luôn có thể trò chuyện với bác sĩ.
3. Các mẹo và lời khuyên khác dành cho bé lười ăn dặm
- Xem video về cách ăn dặm cho trẻ sơ sinh để biết các công thức nấu ăn thu hút trẻ cũng như các mẹo của chuyên gia sức khỏe.
- Trẻ đang thích ăn dặm có đột nhiên trở nên khó chịu không? Tìm hiểu lý do tại sao con lười ăn dặm.
- Nếu em bé của bạn sẽ ăn một vài loại thức ăn, nhưng không thử bất cứ thứ gì khác, hãy học cách giới thiệu thức ăn mới.
- Xem hướng dẫn ăn dặm theo từng giai đoạn phát triển để biết bé cần bao nhiêu thức ăn tương ứng với từng lứa tuổi.
- Để ý đến những biểu hiện là gợi ý của trẻ. Nếu trẻ quay đầu đi, không mở miệng, phun thức ăn ra hoặc ngậm lâu trong miệng, có lẽ trẻ không đói. Nếu trẻ đẩy thức ăn của mình ra xa, khóc, la hét, cố gắng trèo ra khỏi chiếc ghế ăn của mình hoặc nói với bạn rằng không muốn ăn thì bạn nên bình tĩnh kết thúc bữa ăn dặm và thử lại vào lần khác.
- Đừng tạo áp lực cho bé ăn và cũng đừng bao giờ ép bé ăn thêm. Nó có thể chỉ làm cho việc cho ăn trở nên khó khăn hơn và làm cho giờ ăn trở nên căng thẳng cho cả hai bên. Nó có thể khiến trẻ ám ảnh và từ bỏ hoàn toàn một số loại thức ăn.
- Cố gắng giữ giờ ăn thoải mái. Tránh để các bữa ăn kéo dài khiến bé chán ăn, bứt rứt. Giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn chỉ từ 20 đến 30 phút là hợp lý.
Hãy yên tâm rằng sự thay đổi khẩu vị của bé không có gì đáng lo ngại. Rất hiếm khi con lười ăn dặm vì có một vấn đề sức khỏe nào đó, chẳng hạn như thiếu sắt. Tuy nhiên, bạn luôn có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng lười ăn của bé không cải thiện hoặc bé không tăng cân.
Bên cạnh việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn thời điểm ăn dặm hợp lý,... bé cũng nên được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website (vinmec.com) và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.
- Bà bầu thiếu máu nên uống thuốc gì?
- 16 lời khuyên hữu ích cho những người kén ăn
- Nguyên nhân nào gây tăng Ferritin?