Mục lục
Một lượng nhỏ chất nhầy trong phân của trẻ có thể không có gì đáng lo ngại nếu không có các triệu chứng bất thường khác. Tuy nhiên, nếu bé đi ngoài phân nhầy hay trẻ có các dấu hiệu tiêu chảy kèm theo thì có thể là dấu hiệu trẻ bị dị ứng, nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc một vấn đề khác cần can thiệp.
1. Bé đi ngoài phân nhầy trông như thế nào?
Chất nhầy có thể xuất hiện dưới dạng những vệt rõ ràng trong phân của trẻ hoặc có độ sệt giống như gel. Khi lượng chất nhầy tiết ra nhiều hơn, cha mẹ sẽ dễ dàng xác định bé đi ngoài phân nhầy bằng cách nhận thấy bên trong tã của trẻ trông có vẻ nhầy nhụa. Phân của trẻ sẽ có xu hướng có màu xanh lục với những sợi dây sáng bóng vắt qua. Đôi khi chất nhầy còn có thể trông giống như thạch thay vì giống như chuỗi.
Chất nhầy trong phân của trẻ bú sữa mẹ là rất phổ biến. Cơ chế là vì chất nhầy được tạo ra bởi niêm mạc đường ruột để giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn và phân của trẻ sơ sinh thường chủ yếu chứa chất nhầy vì sữa được sử dụng hiệu quả đến mức giảm thiểu chất thải còn lại.
Mặt khác, bé đi ngoài có nhầy khi bú sữa công thức cũng thường gặp và xuất hiện do chế độ ăn của trẻ bị thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, nếu phân của trẻ có chất nhầy xuất hiện với số lượng nhiều và kèm theo phân có máu hay trẻ có các triệu chứng khó chịu khác, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
2. Nguyên nhân bé đi ngoài phân nhầy
Một số nguyên nhân phổ biến khiến bé đi ngoài phân nhầy đó là:
- Chất nhầy sinh lý: Chất nhầy do ruột tiết ra để hỗ trợ nhu động ruột. Trong trường hợp trẻ bú sữa mẹ, phần lớn phân sẽ là chất nhầy, vì có rất ít chất thải được tống ra ngoài.
- Nhiễm trùng: Đôi khi, hệ tiêu hóa của bé có thể bị tổn thương bởi vi khuẩn như Salmonella hoặc E.Coli, dẫn đến sự hiện diện của máu và/ hoặc nhiều chất nhầy trong phân. Các triệu chứng khác bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, sốt và bụng chướng.
- Dị ứng với chế độ ăn uống của mẹ: Ngay cả khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, trẻ vẫn có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm mà bà mẹ ăn vào. Vì hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển nên trẻ có thể không dung nạp được các sản phẩm từ sữa hoặc thức ăn cay, nóng. Các triệu chứng khác của dị ứng thức ăn ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bao gồm đầy hơi, quấy khóc và nôn ói.
- Dị ứng với sữa công thức: Một số trẻ bị dị ứng với protein sữa bò trong sữa công thức. Loại dị ứng này được gọi là viêm đại tràng dị ứng với khoảng 2 đến 3 phần trăm trẻ em mắc bệnh này. Thông thường, các triệu chứng dị ứng với sữa công thức xuất hiện trong vòng hai tháng đầu đời của trẻ, mặc dù tình trạng này hoàn toàn có thể xuất hiện trong thời gian sau đó, nhất là khi đổi sang một loại sữa mới. Các triệu chứng không chỉ là bé đi ngoài phân chua có nhầy mà còn có thể bao gồm máu. Ngoài ra, bé bị viêm đại tràng dị ứng cũng có thể bị nôn trớ hoặc tiêu chảy, dễ quấy khóc.
- Lồng ruột: Đây là một vấn đề nghiêm trọng có thể khiến bé đi phân nhầy, đôi khi có lẫn máu trong phân của bé. Lồng ruột là một rối loạn xảy ra khi một đoạn của ruột trượt vào đoạn tiếp theo, dẫn đến giảm lưu lượng máu, sưng phù nề và viêm. Đoạn ruột này nếu không được tái thông sẽ bị hoại tử. Em bé có thể chỉ tiêu phân có chất nhầy bên dưới khu vực bị tắc nghẽn. Rối loạn này phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ sáu tháng đến ba tuổi và phân chứa đầy chất nhầy là một triệu chứng ở khoảng 60% bệnh nhi. Can thiệp ngoại khoa là cần thiết để khắc phục tình trạng bệnh.
- Mọc răng: Nếu trẻ đang trong lứa tuổi mọc răng, sự hiện diện của chất nhầy trong phân là bình thường. Trẻ tiết nhiều nước bọt và các cơn đau khi mọc răng có thể gây kích ứng ruột và tạo ra nhiều chất nhầy, quan sát thấy trong phân. Bên cạnh đó, nếu nước bọt tiết quá nhiều trong đường tiêu hóa khi trẻ bị nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn thì cũng sẽ khiến bé đi ngoài phân nhầy.
- Bệnh xơ nang: Em bé bị xơ nang cũng có thể có nhiều chất nhầy trong phân của mình. Chất nhầy này nói chung là lớp nhờn và có mùi hôi. Các triệu chứng khác đi kèm với tình trạng này là trẻ tăng cân kém và chậm phát triển. Bệnh xơ nang cũng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
3. Các phương pháp điều trị khi bé đi ngoài phân nhầy
Chất nhầy trong phân của trẻ là phổ biến và không có gì phải lo lắng trong hầu hết các trường hợp. Nếu tình trạng quấy khóc, khó chịu của trẻ không giải quyết được, trẻ tiêu lỏng hay có máu trong phân, trẻ bỏ ăn và biểu hiện sốt kèm theo, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức.
Vì bé đi ngoài phân nhầy chỉ là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên các phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng mà bé đang phải đối mặt. Cụ thể:
- Nhiễm trùng tiêu hóa: Bác sĩ nhi khoa sẽ khuyên cha mẹ tăng lượng chất lỏng cho trẻ như bú thêm sữa mẹ, uống thêm nước hay có thể kèm theo các loại dung dịch điện giải và kê đơn thuốc để kiểm soát cơn sốt cũng như loại thuốc kháng sinh phù hợp.
- Dị ứng thực phẩm: Nếu bé đi ngoài phân nhầy là do dị ứng khi trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, bà mẹ cần loại bỏ một số loại thực phẩm nhất định. Trong trường hợp trẻ bú sữa công thức, cần nghi ngờ bé bị dị ứng với sữa bò và nên thay đổi loại sữa khác.
- Lồng ruột: Lồng ruột là một bệnh lý ngoại khoa cần phải phẫu thuật hay can thiệp thủ thuật khẩn cấp để khôi phục tính liên tục của đường ruột. Đồng thời, tháo đoạn ruột lồng còn giúp tái tưới máu, ngăn chặn tình trạng hoại tử khi diễn tiến nặng nề hơn.
Tóm lại, đường ruột của trẻ tiết ra chất nhầy một cách tự nhiên giúp bao bọc đường ruột, tiêu hóa thức ăn và thải phân. Tuy nhiên, bé đi ngoài có nhầy xuất hiện với số lượng lớn hoặc kéo dài trong vài ngày thì cha mẹ cần xem lại chế độ ăn của trẻ cũng như tìm kiếm các triệu chứng bất thường khác trên hệ tiêu hóa của trẻ như tiêu phân nhầy kèm máu, sốt hay trẻ quấy khóc liên tục... để liên hệ với bác sĩ nhằm xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.
- Các biện pháp điều trị tắc ruột
- Tắc ruột do thức ăn ở trẻ: Tránh nhầm với táo bón, rối loạn tiêu hóa
- Những mặt bệnh hay gặp ở trẻ em và hướng xử lý