Mục lục
Thói quen ăn uống của trẻ 4 tuổi hầu như đã thay đổi hơn rất nhiều so với thời kỳ trước. Để khắc phục tình trạng bé 4 tuổi biếng ăn, cha mẹ cần tìm hiểu được tâm lý và sở thích ăn uống của trẻ, từ đó giúp trẻ hòa nhập với bữa ăn cùng với gia đình.
1. Biếng ăn ở trẻ là gì?
Biếng ăn hay chán án được coi là tình trạng trẻ từ chối ăn hoặc không hứng thú với việc ăn uống hay ăn quá chậm, không có cảm giác thèm ăn... Tình trạng này được biểu hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có thể do bệnh lý hay tâm lý.
2. Nguyên nhân bé 4 tuổi biếng ăn
Trẻ 4 tuổi biếng ăn, chậm tăng cân có thể do các nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Trẻ 4 tuổi biếng ăn do tâm sinh lý: Tình trạng này có thể xuất hiện khi cha mẹ quá lo lắng về việc ăn uống của trẻ và thúc ép trẻ ăn quá mức hoặc thậm chí quát mắng trẻ. Do đó, khi đến bữa cơm có thể trở thành nỗi ám ảnh của trẻ và dần hình thành thói quen lười ăn. Một số trẻ đang bị bệnh hoặc mới hết bệnh chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn cũng làm cho trẻ có cảm giác sợ ăn. Trong một số trường hợp, đặc biệt trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường mới như thay đổi trường học hoặc thay đổi người chăm sóc mà lại ép trẻ ăn quá nhiều thì có thể khiến trẻ ức chế bài tiết men tiêu hoá dẫn tới tình trạng trẻ 4 tuổi không tăng cân do biếng ăn.
- Trẻ 4 tuổi biếng ăn do bệnh lý: Trẻ có thể đã biếng ăn ngay từ trong bụng mẹ. Khi mẹ mang thai có thể không quan tâm đến chế độ ăn, ăn ít hoặc chán ăn khiến cho thai nhi bị thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, canxi, kẽm và các loại vitamin. Từ những nguyên nhân này đã khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, hình thành nên thói quen biếng ăn sau khi sinh ra. Bên cạnh đó, những trẻ mắc các bệnh cấp tính như nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá.. dễ gây tình trạng mất vi chất dinh dưỡng trong cơ thể, từ đó khiến cho trẻ lười ăn hơn kèm theo tình trạng loạn khuẩn đường ruột, chướng bụng khó tiêu. Tuy nhiên, biếng ăn do bệnh lý thường chỉ diễn ra tạm thời và trẻ sẽ ăn trở lại khi khỏi bệnh hoặc được cha mẹ chăm sóc đúng cách.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ không phù hợp cũng khiến cho trẻ biếng ăn. Chẳng hạn như nếu trẻ được cha mẹ cho ăn dặm quá sớm so với khuyến nghị hoặc khẩu phần ăn của trẻ không cân đối, chế biến thức ăn không phù hợp với sở thích của trẻ, tạo cho trẻ thói quen vừa ăn vừa chơi khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn, cho trẻ ăn vặt và uống nước ngọt quá nhiều trước bữa chính...
3. Dấu hiệu trẻ 4 tuổi không tăng cân do biếng ăn
Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng trẻ 4 tuổi không tăng cân hoặc bé 4 tuổi chậm tăng cân như sau:
- Trẻ ăn ít hơn bình thường
- Trẻ chỉ ăn vài loại thức ăn và rất khó có thể giới thiệu món ăn mới cho trẻ tập làm quen
- Thời gian cho bữa ăn của trẻ kéo dài quá 30 phút hoặc thậm chí còn lâu hơn nữa,
- Trẻ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói khi ngửi thấy mùi đồ ăn.
4. Một số cách khắc phục tình trạng trẻ trẻ 4 tuổi biếng ăn
Điều quan trọng trong việc chăm sóc trẻ biếng ăn, cha mẹ cần nhớ khuyến khích trẻ ăn chứ không ép trẻ ăn hoặc tạo áp lực với trẻ trong bữa ăn. Trong mọi trường hợp cha mẹ không nên ép trẻ ăn nếu không sẽ khiến cho trẻ bị tổn thương, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Để giúp trẻ ăn ngon miệng cha mẹ hãy áp dụng một số phương pháp sau đây:
- Luôn kiên nhẫn với trẻ để loại bỏ những nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ. Đặc biệt với những trẻ có thể biếng ăn bệnh lý thì cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, đồng thời đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra những biện pháp khắc phục phù hợp.
- Trong thời gian trẻ đang điều trị bệnh, đặc biệt các bệnh liên quan đến viêm nhiễm, nhiễm khuẩn, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ các vitamin thiết yếu cho trẻ, như vitamin A, vitamin B, vitamin C và các khoáng chất quan trọng như kẽm, canxi, sắt, magie, selen... Lưu ý cha mẹ không được lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết, bởi vì có thể gây nên tình trạng kháng thuốc hoặc thậm chí có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe của trẻ.
- Bữa ăn của trẻ nên chế biến đa dạng món ăn và giúp trẻ tập làm quen với những thực phẩm khác nhau để kích thích vị giác. Cha mẹ cũng nên thường xuyên thay đổi thực đơn của trẻ để giúp trẻ thấy hào hứng với bữa ăn của mình và có cảm giác ngon miệng khi ăn. Trẻ ở độ tuổi này tuy không lớn nhanh như những năm đầu đời nhưng mỗi năm cân nặng của trẻ cũng có thể tăng lên khoảng 2 kg và chiều cao trung bình trong một năm khoảng 7cm. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ ở độ tuổi này cần được đảm bảo. Hơn nữa, giai đoạn này trẻ bắt đầu hoàn thiện hệ tiêu hóa và cần được cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất giúp cho cơ thể chuyển hoá và tăng trưởng. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình cho trẻ 4 tuổi khoảng 1470 kcal/ngày. Nguồn dinh dưỡng được bổ sung đủ nhóm chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trẻ nên ăn ba bữa chính cùng với hai bữa phụ mỗi ngày. Nhu cầu về protein chiếm khoảng 36 gam. Hơn nữa, trẻ vẫn nên duy trì một ngày uống khoảng 500ml sữa.
Bên cạnh việc tạo bữa ăn hợp lý cho trẻ, cha mẹ cũng nên quan tâm đến lựa chọn thực phẩm an toàn để chế biến món ăn cho trẻ. Những thực phẩm này cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nên cho trẻ ăn chín uống sôi và đặc biệt không sử dụng thực phẩm ôi thiu hoặc cho trẻ ăn thức ăn đã để qua đêm.
- Cha mẹ tập cho trẻ thói quen tham gia bữa ăn cùng các thành viên trong gia đình. Trong bữa ăn nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái giúp trẻ có bữa ăn ngon miệng và hào hứng.
- Thời gian ăn của trẻ nên được thực hiện vào khung giờ cố định. Tuỳ vào độ tuổi của trẻ cũng như nhu cầu dinh dưỡng cần cung cấp cho trẻ mà cha mẹ có thể cân đối số lượng bữa cũng như số lượng thực phẩm cho trẻ sao cho phù hợp nhất. Giúp trẻ làm quen với nhịp sinh học điều độ ăn ngủ đúng giờ giấc.
- Trong quá trình ăn của trẻ, cha mẹ đặc biệt lưu ý không cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử hoặc không sử dụng bất cứ hình thức thương lượng hoặc dụ dỗ trẻ để trẻ ăn.
Ngoài ra, với những trẻ biếng ăn cha mẹ có thể bổ sung thêm các sản phẩm chứa kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Mang thai tháng thứ mấy nên bổ sung sắt?
- Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai tới sự phát triển của trẻ
- Sau điều trị Covid: Ăn gì để hồi phục?