Mục lục
Bất kỳ loại cảm xúc nào, ngay cả sự phấn khích, vui vẻ hay những nỗi buồn, sự tức giận đều có thể tăng lên trong một số hoàn cảnh và vượt qua sự kiểm soát của con người. Vậy nguyên nhân dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc là gì và những biện pháp nào giúp con người làm chủ cảm xúc? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân không kiểm soát được cảm xúc
Tình trạng không kiểm soát được cảm xúc xảy ra khác nhau ở từng đối tượng, từng hoàn cảnh và thường xuất phát từ những cơn cảm xúc bộc phát. Cảm xúc bộc phát hay cảm xúc hoang mang là trạng thái thay đổi nhanh chóng trong biểu hiện cảm xúc, làm cho cảm xúc trở nên mạnh mẽ hoặc cường điệu hơn bình thường. Tình trạng này thường ảnh hưởng nhiều đến những người có tiền sử mắc các bệnh lý về não hoặc có tổn thương não trước đó (ví dụ như đột quỵ...), người mắc các bệnh lý về tâm thần như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)...
Một số tình trạng cảm xúc bộc phát không kiểm soát được bao gồm:
- Xuất hiện những cơn giận dữ đột ngột và nhiều khi không rõ nguyên nhân;
- Có thể khóc hoặc cười một cách tùy hứng;
- Đột ngột cáu kỉnh, dễ bị kích động.
Đối với trẻ em không thể kiểm soát được cảm xúc của mình khi cảm thấy khó chịu hoặc mệt mỏi, khi đó trẻ sẽ bộc phát cảm xúc thông qua các cơn khóc, không ăn hoặc bú... Trẻ em thường bắt đầu phát triển khả năng tự chủ cảm xúc nhiều hơn khi lớn lên.
Tình trạng khó kiểm soát cảm xúc xảy ra ở cả người trưởng thành khỏe mạnh bình thường. Bên cạnh đó một số trường hợp ngoại lệ mà tình trạng này có khả năng xảy ra cao hơn như sau:
- Người bị rối loạn điều chỉnh;
- Người bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);
- Tự kỷ ám thị;
- Rối loạn thách thức chống đối;
- Rối loạn sử dụng rượu;
- Hội chứng Asperger;
- Rối loạn lưỡng cực;
- Lạm dụng thuốc;
- Người bệnh đái tháo đường;
- Bị chấn thương vùng đầu;
- Hạ đường huyết;
- Trầm cảm sau sinh;
- Người bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD);
- Người bị rối loạn tâm thần;
- Người bệnh tâm thần phân liệt.
Người bệnh trong số những tình trạng trên cần phải được điều trị lâu dài nhằm giúp mọi người có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn.
2. Triệu chứng khó kiểm soát cảm xúc
Những người kiểm soát hoặc điều chỉnh được cảm xúc mỗi ngày sẽ xác định được họ có những cảm xúc gì, cảm nhận khi xuất hiện cảm xúc và những trải nghiệm của họ đối với loại cảm xúc đó. Chính vì vậy đối với một số người, kiểm soát cảm xúc như một thói quen hoặc một phản ứng tự động.
Khi con người không kiểm soát được cảm xúc thường có những triệu chứng như sau:
- Cảm thấy choáng ngợp hoặc bị lấn áp bởi cảm xúc;
- Ngại bày tỏ cảm xúc với mọi người;
- Mất kiểm soát kể cả trong suy nghĩ và hành động;
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia nhằm mục đích che giấu hoặc làm tê liệt cảm xúc của bản thân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khó kiểm soát cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần hoặc lo âu, hội chứng nhiễu loạn cảm xúc (PBA). Trong đó, hội chứng nhiễu loạn cảm xúc được đặc trưng bởi tình trạng khóc hoặc cười không thể kiểm soát. Vì vậy, người mắc tình trạng không kiểm soát được cảm xúc cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị khi có các triệu chứng như sau:
- Xuất hiện những suy nghĩ về cái chết hoặc cảm thấy như cuộc sống không còn ý nghĩa;
- Xuất hiện những suy nghĩ tự làm tổn thương mình;
- Mất ý thức hoặc cảm thấy mệt mỏi, uể oải;
- Nghe những âm thanh hoặc nhìn thấy những vật mà người khác không thấy.
3. Điều trị khó kiểm soát cảm xúc
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được cảm xúc. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc trầm cảm, thay đổi tâm trạng đột ngột và nóng giận vô cớ cao hơn người bình thường từ 2 – 3 lần. Bên cạnh đó, người bệnh huyết áp thấp kinh niên cũng là một trong những đối tượng thường xuyên khó kiểm soát cảm xúc, vì vậy những người mắc huyết áp thấp cần thay đổi chế độ ăn uống nhằm duy trì lượng đường huyết cơ thể bình thường.
Các phương pháp điều trị rối loạn tâm lý và cảm xúc có thể bao gồm thuốc và các liệu pháp tâm lý được chỉ định bởi bác sĩ. Bên cạnh đó, các phương pháp tự chăm sóc bản thân cũng cần được sử dụng nhằm giúp điều chỉnh cảm xúc như ghi nhật ký, tâm sự với gia đình và bạn bè...
4. Phương pháp làm chủ cảm xúc
Cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cơ thể. Vì vậy, kỹ năng điều tiết và làm chủ cảm xúc tốt giúp con người có được hạnh phúc và sức khỏe tốt về thể chất, tinh thần. Sau đây là một số cách kiểm soát cảm xúc cũng như làm chủ cảm xúc tốt ở con người:
4.1. Hãy xem tác động của cảm xúc đối với bạn
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng cảm xúc mãnh liệt không phải là xấu. Hoàn toàn bình thường khi thỉnh thoảng bạn trải qua một số cảm xúc mạnh mẽ hay cường điệu hơn bình thường – khi một điều gì đó tuyệt vời hoặc kinh khủng xảy ra.
Tuy nhiên, sự lặp lại một cách thường xuyên của các cảm xúc bộc phát sẽ dẫn đến những tác động xấu. Vì vậy bạn nên dành thời gian để kiểm tra xem những cảm xúc không kiểm soát đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào, từ đó giúp bạn xác định những khu vực có vấn đề và đưa ra được giải pháp phù hợp nhằm cân bằng cảm xúc cơ thể.
4.2. Hướng đến sự cân bằng thay vì sự kiềm chế
Khi kìm nén cảm xúc có nghĩa là bạn đang ngăn cản bản thân trải nghiệm và bộc lộ cảm xúc. Điều này sẽ dẫn đến các tình trạng xấu về sức khỏe thể chất và tinh thần như sự lo lắng, phiền muộn, các vấn đề về giấc ngủ, căng và đau cơ, căng thẳng...
Vì vậy khi tập làm chủ cảm xúc, bạn cần hướng đến sự cân bằng. Chẳng hạn như trong những trường hợp cảm xúc bộc phát, bạn hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ không để những cảm xúc này bộc lộ quá mức và cũng sẽ không để chúng tắt đi hoàn toàn. Biểu hiện cảm xúc lành mạnh liên quan đến việc tìm kiếm sự cân bằng giữa cảm xúc áp đảo và không có cảm xúc nào cả.
4.3. Xác định những gì bạn cảm nhận được
Dành thời gian để kiểm tra tâm trạng sẽ giúp bạn kiểm soát và làm chủ cảm xúc tốt hơn. Trong những trường hợp cảm xúc bộc phát và có dấu hiệu khó kiểm soát, bạn có thể xác định những cảm nhận cũng như tâm trạng, cảm xúc của bản thân tại thời điểm đó bằng các câu hỏi tự dành cho bản thân như sau:
- Bây giờ tôi đang cảm thấy như thế nào? Tức giận, buồn bã hay thất vọng...?
- Điều gì đã ảnh hưởng và khiến tôi cảm thấy như vậy?
- Tôi muốn làm gì với cảm giác này?
- Có cách nào tốt hơn để đối phó với cảm xúc bộc phát này không?
Thông qua các lựa chọn thay thế khả thi, bạn sẽ sắp xếp lại được suy nghĩ của mình và giúp bản thân loại bỏ được những cảm xúc bộc phát, cảm xúc tiêu cực trước đó. Để phương pháp này trở thành một thói quen, bạn có thể phải mất một thời gian luyện tập và mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn.
4.4. Chấp nhận tất cả cảm xúc của bạn
Trong một số trường hợp việc chấp nhận tất cả cảm xúc sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tăng sự thoải mái đối với những cảm xúc mãnh liệt, cảm xúc cường điệu cho phép bạn cảm nhận đầy đủ chúng mà không phản ứng theo những cách cực đoan, vô ích.
Để thực hành chấp nhận cảm xúc, bạn hãy thử nghĩ chúng như những người đưa tin, chúng không tốt và cũng không xấu. Đôi khi những cảm xúc mãnh liệt mang lại cho bạn cảm giác khó chịu, nhưng chúng vẫn cung cấp cho bạn những thông tin mà bạn có thể sử dụng.
Chấp nhận cảm xúc có thể dẫn đến sự hài lòng với cuộc sống và ít dẫn đến các triệu chứng về sức khỏe tâm thần hơn. Bên cạnh đó, khi mọi người nghĩ cảm xúc của họ là hữu ích sẽ giúp tăng mức độ hạnh phúc.
4.5. Viết nhật ký theo tâm trạng
Viết ra những cảm xúc và những ảnh hưởng của chúng sẽ giúp bạn tìm ra khu vực có vấn đề và đưa ra được những giải pháp phù hợp nhằm cân bằng cảm xúc. Bên cạnh đó, phương pháp viết nhật ký cũng giúp bạn nhận ra các hoàn cảnh cụ thể ảnh hưởng đến cảm xúc như các khó khăn trong công việc, xung đột gia đình... Việc xác định các yếu tố kích hoạt này có thể giúp bạn đưa ra biện pháp quản lý chúng hiệu quả hơn.Viết nhật ký mang lại nhiều lợi ích nhất khi bạn thực hiện chúng hàng ngày. Giữ nhật ký bên mình và ghi lại những cảm xúc mãnh liệt khi chúng xảy ra, cố gắng ghi lại những yếu tố kích hoạt cảm xúc bộc phát và phản ứng của bạn khi chúng xảy ra.
4.6. Hít thở sâu
Sống chậm lại và chú ý đến hơi thở sẽ giúp bạn không làm mất đi cảm xúc. Theo tâm lý học, các bài tập thở sâu giúp bạn giữ vững bản thân và ít bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc mãnh liệt, cực đoan. Các bước để thực hiện một bài tập hít thở sâu như sau:
- Hít vào từ từ, giữ nguyên tư thế, đếm đến 3 sau đó thở ra nhẹ nhàng;
- Trong khoảng thời gian hít vào, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn và không suy nghĩ.
4.7. Thiền chánh niệm
Là một trong những phương pháp hữu ích giúp cân bằng cảm xúc cũng như loại bỏ những cảm xúc cực đoan. Thiền còn giúp bạn được thư giãn và ngủ ngon hơn.
4.8. Tránh căng thẳng
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm khởi phát những loại cảm xúc cực đoan, giảm khả năng kiểm soát cảm xúc của cơ thể. Ngay cả ở những người bình thường kiểm soát tốt cảm xúc của mình cũng có thể cảm thấy khó khăn trong thời gian căng thẳng và stress cao độ.
Vì vậy, tránh căng thẳng là biện pháp tốt để quản lý cảm xúc của bản thân. Một số biện pháp giúp giảm và tránh tình trạng căng thẳng như thiền chánh niệm; ngủ đủ giấc; tâm sự và nói chuyện với gia đình, bạn bè; dành thời gian để thư giãn và thực hiện các hoạt động yêu thích.
Tình trạng không kiểm soát được cảm xúc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, là nguyên nhân dẫn đến một số tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách... Vì vậy, thay đổi lối sống và thực hiện các biện pháp giúp điều hòa và làm chủ cảm xúc sẽ giúp mọi người bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên trong một số trường hợp khi cảm xúc mạnh mẽ và cực đoan xảy ra liên tục trong thời gian dài, có nguy cơ gây ra các rối loạn tâm thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị và nhận được lời khuyên chính xác từ bác sĩ.
Nguồn tham khảo: healthline.com, researchgate.net
- Chánh niệm là gì?
- Vì sao bạn dễ bị kích động?
- Điều gì xảy ra với não bộ khi bạn thiền?