Mục lục
Nhiều người thường xuyên cảm thấy khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng và ban ngày buồn ngủ nhiều dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm. Tình trạng này gọi là buồn ngủ quá mức vào ban ngày hay chứng ngủ ngày. Đây là bệnh lý giấc ngủ do yếu tố nội tại bên trong cơ thể hoặc tác nhân bên ngoài tác động vào giấc ngủ.
1. Tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày là gì?
Nhiều người thường xuyên cảm thấy khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng và ban ngày buồn ngủ nhiều dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm. Tình trạng này gọi là buồn ngủ quá mức vào ban ngày hay chứng ngủ ngày. Đây là bệnh lý giấc ngủ do yếu tố nội tại bên trong cơ thể hoặc tác nhân bên ngoài tác động vào giấc ngủ. Đặc trưng của bệnh là tình trạng dễ dàng rơi vào giấc ngủ dù ở bất kỳ thời điểm nào vào ban ngày như đang ngồi học, đang lái xe, đang họp và ngay cả khi đang ăn tại bàn.
Chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày gây ra tình trạng kém tỉnh táo khi thức dậy. Điều phiền phức hơn là người bệnh cảm thấy thiếu minh mẫn, giảm trí nhớ, khó tập trung, lâu ngày sẽ dẫn đến các rối loạn tâm lý như căng thẳng hay lo âu, trầm cảm và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân gây ra buồn ngủ quá mức vào ban ngày
Chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày hiện đang có xu hướng tăng dần. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ ngày, nhưng đa phần là do ngủ không đủ giấc hoặc xuất phát từ các rối loạn tâm thần.
2.1. Nguyên nhân nội tại bên trong cơ thể
Các nguyên nhân này có thể bao gồm:
- Các bệnh lý về thể chất có thể làm cho người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, gây mất ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Các bệnh lý về thể chất gây ra đau hoặc khó chịu ví dụ như thoái hoá khớp, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, ung thư gây ra chất lượng giấc ngủ kém. Những cơn co giật vào ban đêm cũng gây tác hại cho giấc ngủ.
- Bệnh lý tâm thần kinh. Hầu hết các bệnh lý tâm thần kinh đều có thể gây mất ngủ và chứng ngủ ngày quá mức. Khoảng 80% bệnh nhân bị trầm cảm nặng có những triệu chứng như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon, mất duy trì giấc ngủ hoặc ban ngày buồn ngủ nhiều. Ngược lại, 40% bệnh nhân bị mất ngủ mãn tính sẽ xuất hiện bệnh lý tâm thần nặng, thường là những rối loạn cảm xúc. Nếu bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng mất ngủ thì dùng thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần (ví dụ như mirtazapine, citalopram, paroxetine) có thể giúp bệnh nhân dễ ngủ hơn. Những loại thuốc này thường xuyên được sử dụng với liều thấp để điều trị trầm cảm. Nếu người bện trầm cảm đi kèm với buồn ngủ quá mức vào ban ngày thì có thể lựa chọn sử dụng thuốc chống trầm cảm có tính hoạt hóa (ví dụ venlafaxine, bupropion, một số thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin như sertraline và fluoxetine).
2.2. Nguyên nhân bên ngoài
Các nguyên nhân bên ngoài gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày bao gồm:
- Hội chứng ngủ không đủ giấc (hay còn gọi là thiếu ngủ): Bệnh nhân bị hội chứng này sẽ không thể nào ngủ đủ giấc vào ban đêm được. Nguyên nhân thường là do công việc hằng ngày và các vấn đề xã hội. Hội chứng ngủ không đủ giấc có thể là nguyên nhân phổ biến nhất của buồn ngủ quá mức vào ban ngày sẽ thuyên giảm khi thời gian ngủ tăng lên (ví dụ ngủ bù vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần).
- Giấc ngủ bị tác động bởi các hành vi nhất định bao gồm: sử dụng caffein hay những chất kích thích khác (nhất là khi uống vào thời điểm gần giờ đi ngủ hoặc thậm chí là vào buổi chiều đối với những người nhạy cảm); tập luyện nhiều hoặc hưng phấn quá mức vào cuối ngày; lịch đi ngủ không đều đặn. Điều này khiến cho cơ thể không ngủ đủ giấc nên người bệnh sẽ thấy ban ngày buồn ngủ nhiều.
- Rối loạn điều chỉnh giấc ngủ: Những yếu tố bên ngoài như bệnh cấp tính cần nhập viện, mất việc làm, chuyện đau buồn gây ra stress cảm xúc một cách đột ngột có thể gây ra mất ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Các triệu chứng cũng như tình trạng mất ngủ và ngủ ngày thường thoáng qua ngắn ngủi, tự hết khi những căng thẳng giảm đi. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngủ ngày quá nhiều và mệt mỏi xuất hiện, nhất là khi ảnh hưởng đến những hoạt động sống thì người bệnh nên điều trị bằng thuốc ngủ trong một thời gian ngắn. Tình trạng lo âu căng thẳng đôi khi cũng cần uống thuốc điều trị đặc hiệu.
- Bệnh lý giấc ngủ do thuốc: Mất ngủ và tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày có thể là hậu quả của việc sử dụng thuốc ngủ ( ví dụ như benzodiazepine), các loại thuốc an thần, những chất kích thích hệ thần kinh trung ương (ví dụ như caffeine, amphetamine), thuốc chống co giật, chế phẩm hormon, chất chống chuyển hóa, thuốc tránh thai đường uống, propranolol, methyldopa, rượu. Ngoài ra, vấn đề mất ngủ và ban ngày buồn ngủ nhiều có thể xuất hiện khi đột ngột ngừng uống thuốc chống trầm cảm ba vòng, chất ức chế men monoamine oxidase, thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (ví dụ thuốc an thần, opioid, barbiturates) hoặc sử dụng chất kích thích như cần sa, heroin, cocaine, phencyclidine).
Tóm lại, chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày gây ra tình trạng kém tỉnh táo khi thức dậy. Điều phiền phức hơn là người bệnh cảm thấy thiếu minh mẫn, giảm trí nhớ, khó tập trung, lâu ngày sẽ dẫn đến các rối loạn tâm lý như căng thẳng hay lo âu, trầm cảm và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu gặp tình trạng ngủ ngày kéo dài, bạn nên đi khám để bác sĩ điều trị phù hợp, cân bằng lại cuộc sống giúp bạn.
- Bí mật về sức mạnh của giấc ngủ ngắn
- Ngủ ngày, quấy đêm ở trẻ 2 tháng tuổi là dấu hiệu của bệnh lý gì?
- Sức khỏe tâm thần và quản lý cảm xúc tiêu cực