Mục lục
Bài viết của Dược sĩ Dương Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Theo các tổ chức y tế thế giới như WHO (World Health Organization), CDC (Centers for Disease Control and Prevention) của Mỹ, châu Âu cũng như PHE (Public Health England) của Anh, việc tiêm phòng vaccine phòng cúm và phế cầu có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Từ lâu các vaccine này đã được sử dụng để dự phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các vaccine này cũng góp phần cải thiện mức độ lây lan cũng như các biến chứng nặng của COVID-19.
Xuất hiện vào cuối năm 2019 từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc, virus COVID-19 đã và đang tiếp tục càn quét khắp thế giới mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh mục tiêu từ loại bỏ COVID-19 hoàn toàn ra ngoài xã hội để chuyển sang một “trạng thái bình thường mới”. Việc sống chung với COVID-19 cho phép các doanh nghiệp tái mở cửa, người dân quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên các nguy hiểm tiềm ẩn về việc bùng phát dịch lại vẫn sẽ luôn hiện hữu và nhen nhóm trong cộng đồng. Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho một “trạng thái bình thường mới”? Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp 5K và hy vọng vào một miễn dịch cộng đồng sẽ đến khi vaccine COVID-19 được tiêm phòng cho toàn bộ người dân, chúng ta còn có thể thực hiện các biện pháp dự phòng nào khác để bảo vệ bản thân và cộng đồng?
1. Vai trò của vaccine cúm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
1.1. Vì sao cần tiêm vaccine cúm?
Virus cúm (influenza) gây bệnh bằng cách bám vào tế bào niêm mạc mũi, hầu họng, làm các tế bào này bị tổn thương. Trong lúc này, nếu phơi nhiễm và mắc các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác như phế cầu hay SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch sẽ bị quá tải và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nếu mắc mỗi bệnh đơn độc.
Hàng năm, tỷ lệ tử vong do cúm rơi vào khoảng 1%, trong khi tỷ lệ này do COVID-19 gây ra rơi vào khoảng 3.4% (1). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PHE đăng trên tạp chí “International Journal of Epidemiology”, tỷ lệ tử vong của người đồng mắc Cúm và COVID-19 có thể tăng gấp đôi so với người mắc COVID-19 thông thường (2).
Với việc mở cửa lại xã hội, khả năng virus cúm lây lan và truyền nhiễm sẽ tăng lên. Nếu điều này xảy ra, nó không những sẽ có tác động trực tiếp đến người bệnh mà còn gián tiếp gây quá tải hệ thống y tế, lấy đi cơ hội được điều trị của nhiều người với các bệnh lý nguy hiểm và phức tạp khác. Tiêm phòng vaccine cúm là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh cũng như các biến cố tử vong gây ra bởi cúm và các bệnh đường hô hấp có thể đồng mắc phải.
1.2. Tiêm vaccine cúm có an toàn không?
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Vaccine cúm có mặt tại thị trường Việt Nam không có loại sống giảm động lực. Vì vậy, vaccine này sẽ an toàn để tiêm cho nhiều đối tượng, bao gồm: nhóm suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú.
1.3. Đối tượng nào nên được tiêm phòng vaccine cúm?
Mọi đối tượng trên 6 tháng tuổi đều nên tiêm phòng cúm. WHO khuyến cáo 5 nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm phòng sớm, bao gồm (3):
- Nhân viên y tế: Đây là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm cúm từ môi trường làm việc, nguy cơ lây nhiễm cho người khác, đặc biệt các đối tượng dễ bị tổn thương cũng gia tăng. Vì vậy để phòng ngừa nguy cơ lây và truyền cúm cho người khác, nhân viên y tế nên được tiêm vaccine càng sớm càng tốt trước khi mùa cúm bắt đầu.
- Người trên 65 tuổi: Hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian và khả năng chống đỡ của cơ thể khỏi virus cúm cũng giảm dần khi tuổi tăng cao. Tiêm phòng vaccine giúp người lớn tuổi khỏi biến chứng nặng của bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do cúm.
- Người mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch... Tương tự như người cao tuổi, các nhóm đối tượng này gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch và dễ bị tổn thương nếu mắc virus cúm. Vì vậy nhóm bệnh nhân này có thể hưởng lợi ích từ việc tiêm phòng vaccine cúm
- Phụ nữ có thai: Bằng chứng cho thấy phụ nữ có thai dễ mắc cúm và biến chứng của tình trạng cúm có thể gây hại lâu dài cho thai nhi. Vaccine giúp bảo vệ bà mẹ, thai nhi cũng như em bé khi sinh ra trong những giai đoạn đầu tiên của cuộc đời
- Trẻ dưới 5 tuổi: Việc tiêm vaccine cúm cho trẻ dưới 5 tuổi là điều cần thiết.
2. Vai trò của vaccine phế cầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
2.1. Vì sao cần tiêm vaccine phế cầu?
Viêm phổi do phế cầu luôn nằm trong top những bệnh gây tử vong cao có thể phòng tránh được bởi vaccine. Tỷ lệ tử vong thông thường của viêm phổi do phế cầu vào khoảng 7% và tăng theo độ tuổi. (4) Đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người đồng mắc COVID-19 và viêm phổi do phế cầu có thể tăng nguy cơ tử vong lên gấp 20 lần so với người mắc COVID-19 thông thường (5). Đặc biệt, nghiên cứu từ Kaiser Permanente - tổ chức chăm sóc y tế ở Mỹ đã chỉ ra rằng ở người trên 65 tuổi, những người tiêm vaccine PCV13 có:
- 35% giảm nguy cơ chẩn đoán COVID-19
- 32% giảm nguy cơ nhập viện do COVID-19
- 32% giảm nguy tử vong do COVID-19
Vì vậy, bên cạnh việc ngăn ngừa mắc phế cầu, tiêm phòng phế cầu giúp giảm thiểu nguy cơ mắc cũng như các biến chứng nặng từ COVID-19.
2.2. Tiêm phòng phế cầu có an toàn không?
Vaccine phế cầu PCV13 là vaccine cộng hợp, không được sản xuất từ vi khuẩn sống. Vì vậy vaccine này an toàn để tiêm cho nhiều đối tượng, bao gồm nhóm suy giảm miễn dịch, trẻ em hay người cao tuổi.
2.3. Đối tượng nào nên được tiêm phòng vaccine phế cầu?
Các đối tượng được khuyến cáo tiêm vaccine phế cầu bao gồm:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phế cầu và gặp các biến chứng nặng do phế cầu như viêm phổi, viêm màng não... Vì vậy tiêm phòng phế cầu là một trong những vaccine quan trọng trong chương trình tiêm chủng cho trẻ.
- Người có bệnh nền tăng nguy cơ gặp biến chứng nặng do phế cầu như mất lách, suy giảm miễn dịch, ung thư, cấy điện cực ốc tai, dò dịch não tủy, đái tháo đường và các bệnh về gan, phổi, thận, tim mạch. Do vậy, việc tiêm vaccine phế cầu trở nên cần thiết.
- Người trên 65 tuổi bất kể tình trạng bệnh lý, đặc biệt những người chưa được tiêm vaccine phế cầu cộng hợp trước đây. Đây là đối tượng dễ mắc phế cầu và có nguy cơ gặp biến chứng nặng từ phế cầu.
- Ngoài ra, các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với người dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, người mắc bệnh nền... cũng nên tiêm phòng vaccine phế cầu để giảm nguy cơ lây nhiễm. Các đối tượng này bao gồm: nhân viên y tế, thành viên gia đình chăm sóc người cao tuổi.
Có thể nói, việc tiêm chủng vaccine cúm và phế cầu sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm hay bệnh lý phế cầu khuẩn gây ra. Đồng thời khi tiêm các loại vaccine này sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa biến chứng và tỷ lệ tử vong nếu đồng thời mắc cúm/ phế cầu khuẩn và COVID-19.
Tài liệu tham khảo
(1) Worldometer. Coronavirus (COVID-19) mortality rate.
(2) Stowe J, Tessier E, Zhao H, et al. Interactions between SARS-CoV-2 and influenza, and the impact of coinfection on disease severity: a test-negative design. Int J Epidemiol 2021;50:1124-33. doi:10.1093/ije/dyab081. pmid:339421042.
(3) WHO/Europe. Flu Awareness Campaign 2021.
(4) CDC. Pneumococcal Vaccines.
(5) Amin-Chowdhury Z, Aiano F, Mensah A, et al. Impact of the COVID-19 pandemic on Invasive pneumococcal disease and risk of pneumococcal coinfection with SARS-CoV-2: prospective national cohort study. Clinical Infectious Diseases 2020; 72:e65-75. doi:10.1093/cid/ciaa1728
(6) Kaiser Permanente. Pneumonia vaccine may affect course of COVID-19.
- Vừa cúm xong có tiêm phòng cúm được nữa không?
- Rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân COVID-19
- Dịch cúm A: Vì sao chớ coi thường?