Mục lục
Kẽm có vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sức khỏe con người cho dù nó chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm được chứng minh có vai trò quan trọng đặc biệt cho sự phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời.
1. Kẽm có tác dụng gì với trẻ em?
Kẽm tham gia vào thành phần của hơn 300 loại enzym khác nhau, nó được xem như chất xúc tác không thể thiếu của ARN – polymerase, một thành phần quan trọng trong quá trình nhân bản ADN. Kẽm vừa là cấu trúc vừa tham gia vào việc duy trì chức năng của nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Kẽm tham gia điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết và có trong thành phần của nhiều loại hormone (như hormone tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục...). Hệ thống nội tiết có vai trò quan trọng, nó phối hợp với hệ thống thần kinh trung ương trong việc điều hòa hoạt động sống của cơ thể.
Kẽm còn là một chất chống oxy hóa, chống lại các tổn thương do nhiễm khuẩn và nhiễm độc gây ra, giúp lành vết thương bảo vệ làn da, phòng chống lão hóa và chống ung thư, duy trì hoạt động bình thường của chức năng tình dục.
Kẽm giúp tăng cảm giác ngon miệng, vì vậy nó rất quan trọng đối với trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm giúp cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn và tăng cân ở trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân. Cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa việc thiếu kẽm ở trẻ em với tình trạng chán ăn, chậm lớn, còi xương và suy dinh dưỡng.
Kẽm rất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch rất nhạy cảm với tình trạng kẽm của cơ thể. Thiếu kẽm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch như tế bào lympho T, tế bào lympho B và đại thực bào.
Lượng kẽm ở hệ thần kinh chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong cơ thể. Kẽm giúp duy trì ổn định hoạt động của các tế bào thần kinh, phát triển trí não, trí lực, trí nhớ và giảm căng thẳng, lo âu. Khi được được bổ sung đầy đủ kẽm, trẻ sẽ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Kẽm giúp duy trì hoạt động của thị lực được bình thường và tính toàn vẹn ở da. Bởi vì kẽm cần thiết để tổng hợp enzyme giúp chuyển hóa retinol thành retinaldehyd trong ruột và các tổ chức khác, kể cả võng mạc mắt. Cùng với đó, kẽm còn tham gia tổng hợp và điều hòa protein vận chuyển vitamin A.
Thiếu kẽm sẽ làm vitamin A bị ứ đọng ở gan, không được đưa đến cơ quan khác dẫn đến xuất hiện các biểu hiện thiếu vitamin A mặc dù nguồn dự trữ vitamin A ở gan vẫn còn cao.
Kẽm còn giúp tăng cường tổng hợp hormone testosterone, tăng cường chuyển hóa glucose của insulin. Thiếu kẽm, trẻ sẽ chậm dậy thì và suy giảm chức năng sinh dục, nữ thì bị rối loạn kinh nguyệt và nam thì giảm tinh trùng.
2. Những biểu hiện trẻ bị thiếu kẽm
Biểu hiện thường thấy ở trẻ bị thiếu kẽm đó là ăn không ngon, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, tổn thương ở da và mắt, trẻ chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm phát triển.
Thiếu kẽm gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em như chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, nôn không rõ nguyên nhân; trẻ bị rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không yên giấc, trẻ thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm; trí nhớ kém, tư duy chậm; trẻ hay bị tiêu chảy, viêm nhiễm đường hô hấp; thị lực kém, trẻ bị các bệnh da, chàm, vết thương chậm liền.
Thiếu kẽm không chỉ gây ảnh hưởng đến thể chất mà nó còn có tác động xấu đến tinh thần của trẻ, khiến cho trẻ dễ nổi cáu. Bởi vì kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, và canxi là một chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.
Hầu hết các trường hợp thiếu kẽm ở trẻ em xảy ra khi lượng kẽm được cung cấp chưa đủ hoặc do hấp thụ kém, tăng thất thoát kẽm khỏi cơ thể (do tiêu chảy cấp, nôn ói nhiều).
3. Bổ sung kẽm giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), lượng kẽm cần thiết bổ sung cho trẻ tùy thuộc lứa tuổi, cụ thể:
- Trẻ dưới 3 tháng cần 3mg/ngày.
- Trẻ từ 5 - 12 tháng tuổi cần 5 - 8mg/ngày.
- Trẻ từ 1 - 10 tuổi cần khoảng 10 - 15mg/ngày.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nguồn bổ sung kẽm tốt và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm có trong sữa mẹ lại giảm dần theo thời gian, trong 3 tháng đầu là khoảng 2 - 3mg/lít, 3 tháng tiếp theo lượng kẽm trong sữa mẹ giảm xuống còn khoảng 0,9 mg/lít.
Vì vậy phụ nữ đang cho con bú cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như cung cấp kẽm cho sự phát triển của trẻ bằng việc sử dụng nhiều các loại thức ăn được giàu chất kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò, sữa,...
Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể bổ sung kẽm cho trẻ qua thức ăn. Ngoài ra, để trẻ có thể hấp thụ kẽm tốt, bạn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ các loại hoa quả giàu vitamin C sẵn có như cam, quýt, bưởi, chanh...
Như vậy, bên cạnh việc bổ sung canxi và vitamin D, bạn đừng quên bổ sung kẽm cho trẻ, đây chính là việc làm nhiều ý nghĩa giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và có một sức sức khỏe dẻo dai, phòng bệnh hiệu quả.
Tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.
Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa kẽm và các vi khoáng chất thiết yếu như Lysine, crom, selen, vitamin B1... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ
- Thiếu kẽm: Dấu hiệu và chẩn đoán