Mục lục
Kẽm là khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ. Hơn thế nữa kẽm còn có vai trò duy trì hoạt động của hệ miễn dịch giúp trẻ khỏe mạnh và chống lại các tác nhân gây bệnh. Để giúp trẻ phát triển một cách tốt, bạn bổ sung đủ lượng kẽm cần thiết hàng ngày cho trẻ.
1. Vai trò của kẽm đối với hệ miễn dịch của trẻ
Kẽm có vai trò giúp phát triển và duy trì hoạt động của hệ miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh, và giúp làm vết thương mau lành.
Thiếu kẽm làm suy giảm sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào lympho T, tế bào lympho B và đại thực bào. Nghiên cứu thực hiện trên chuột đã cho thấy khi bị thiếu kẽm sẽ gây ra tình trạng thiểu sản lách, tuyến ức và làm giảm sản xuất các globulin miễn dịch bao gồm IgA, IgM và cả IgG.
Ở trẻ em bị thiếu kẽm, các nhà khoa học cũng nhận thấy sự suy giảm hoạt hóa đại thực bào và suy giảm hiện tượng thực bào. Do đó cho thấy thiếu kẽm làm suy giảm chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn. Từ đó làm giảm sự tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.
Ngoài ra kẽm còn là thành phần của trên 300 enzym của cơ thể. Kẽm là một chất xúc tác không thể thiếu của ARN - polymerase, nó có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi ADN và tổng hợp protein. Bởi vậy kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng.
Bởi vậy khi thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ gặp khó khăn gây ảnh hưởng trầm trọng tới sự tăng trưởng, dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy kẽm đóng vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua IGF-I.
Một tác dụng khác của kẽm đó là giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Khi bị thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác sẽ bị ảnh hưởng, từ đó dẫn tới biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ em biếng ăn sẽ bị suy dinh dưỡng, đồng thời ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.
2. Những dấu hiệu cho biết trẻ bị thiếu kẽm
Trong những năm gần đây tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng được quan tâm ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu kẽm, trong số đó có một phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em tại cộng đồng được đánh giá dựa vào nồng độ kẽm huyết thanh thấp (<10,7 μmol/L) khoảng 25 - 40% tùy theo địa phương và nhóm tuổi nghiên cứu.
Nhiều nghiên cứu trên trẻ em bị suy dinh dưỡng và bị tiêu chảy kéo dài vào viện tại Hà Nội và Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em còn rất cao, vào khoảng 50% - 90% tùy theo mức độ và thời gian trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy.
Theo kết quả điều tra về tình hình thiếu vi chất năm 2010 thực hiện trên 586 trẻ em từ 6 tháng - 75 tháng tại Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm là 51,9%. Nhóm trẻ từ 6 - 17 tháng có nguy cơ bị thiếu kẽm cao nhất so với các nhóm tuổi khác.
Biểu hiện thường thấy khi trẻ bị thiếu kẽm đó là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, trẻ bị tiêu chảy kéo dài, tổn thương ở da và mắt, trẻ chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực.
Thiếu kẽm cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em như biếng ăn, rối loạn vị giác, trẻ chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, nôn không rõ nguyên nhân; trẻ bị rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không yên giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm, mất ngủ, tư duy chậm, trí nhớ kém; trẻ bị tiêu chảy, bị viêm nhiễm đường hô hấp; thị lực của trẻ kém, trẻ bị các bệnh viêm da, chàm, vết thương chậm liền.
Thiếu kẽm không chỉ gây ảnh hưởng đến thể chất mà nó còn tác động xấu đến tinh thần, làm trẻ dễ nổi cáu. Bởi vì kẽm giúp vận chuyển canxi vào não và canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.
Hầu hết các trường hợp thiếu kẽm ở trẻ em xảy ra khi lượng kẽm được tiêu thụ không đủ hay hấp thụ kém, lượng kẽm thất thoát khỏi cơ thể tăng lên do tiêu chảy cấp, nôn ói nhiều; hoặc do nhu cầu cơ thể về chất kẽm gia tăng như ở phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, khi cơ thể trẻ bị thiếu kẽm, bữa ăn sẽ không còn hấp dẫn với trẻ bởi đây chính là khoáng chất giúp tăng cường vị giác.
3. Bổ sung kẽm tăng sức đề kháng cho trẻ em
Nhu cầu kẽm ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vào khoảng 5 mg/ngày, còn ở trẻ từ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, với thanh thiếu niên và người trưởng thành nhu cầu kẽm vào khoảng 15 mg/ngày đối với nam giới và 12mg/ngày đối với nữ giới.
Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nguồn cung cấp kẽm tốt và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể trong 3 tháng đầu lượng kẽm trong sữa mẹ là khoảng 2 - 3mg/lít, trong 3 tháng tiếp theo thì lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm xuống còn khoảng 0,9 mg/lít.
Để duy trì lượng kẽm trong sữa mẹ cũng như cung cấp kẽm cho sự phát triển của trẻ thì bạn cần ăn nhiều các loại thức ăn giàu kẽm như: Hàu, sò, tôm đồng, lươn, gan lợn, sữa, thịt bò...
Với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc bổ sung kẽm có thể thông qua thức ăn, như: Trong 50g thịt thăn heo có chứa khoảng 2mg kẽm, trong 250g sữa chua có 1,6 mg kẽm, và nửa cái ức gà có 1mg kẽm...
Ngoài ra, để trẻ có thể hấp thụ kẽm tốt bạn còn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu vitamin này như cam, chanh, quýt, bưởi...
Ngoài ra bạn có thể lựa chọn các sản phẩm bổ sung kẽm dưới các dạng sirô, dạng cốm, hoặc dạng cốm/siro đa vi chất dinh dưỡng trong đó có chứa kẽm... đặc biệt là khi trẻ bị tiêu chảy, hay nhiễm khuẩn hô hấp, bởi các giai đoạn trẻ bị bệnh trẻ sẽ cần lượng kẽm cao hơn bình thường.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm
- Thiếu kẽm: Dấu hiệu và chẩn đoán
- Người trưởng thành nên bổ sung bao nhiêu mg kẽm mỗi ngày?