Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ Phùng Ngọc Hà - Kỹ thuật viên Âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Âm nhạc phát triển giao tiếp ở trẻ và là phương tiện để thể hiện cũng như chia sẻ cảm xúc bằng các thủ pháp như đối đáp, bè đuổi, nhắc lại, tương phản... Chỉ cần một nhạc cụ, trẻ cũng có thể sử dụng để tương tác và kết hợp với người khác thông qua các phần trình diễn hòa tấu, song tấu.
1. Ngôn ngữ là nền tảng phát triển kỹ năng xã hội
Lorna Wing nói rằng, tất cả trẻ con và người lớn bị tự kỷ đều có trở ngại về vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ của họ có thể bị khiếm khuyết về văn phạm, ngữ vựng ngay cả khi họ có khả năng định nghĩa từ vựng một cách chính xác. Tuy nhiên, trở ngại về mặt ngôn ngữ của họ chính là cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội (pragmatics) bất kể họ dùng loại ngôn ngữ nào.
2. Âm nhạc phát triển giao tiếp ở trẻ
Ở đâu ngôn ngữ bất đồng thì ở đó âm nhạc vang lên thay thế. Âm nhạc là cách để chia sẻ tình cảm, cảm xúc thông qua giai điệu, tiết tấu, âm thanh, hòa âm... Vậy hãy dùng âm nhạc để kết nối, giúp trẻ tự kỷ thể hiện mong muốn, ý nghĩ thông qua ngôn ngữ không lời bằng cách sau:
- Quan sát để học cách bước vào thế giới của trẻ và được trẻ chấp nhận. Có thể sử dụng giọng hát, nhạc cụ để chơi những giai điệu, bài hát quen thuộc với trẻ hoặc đơn giản là sử dụng đồ chơi, nhạc cụ gõ để tạo ra âm thanh nhằm thu hút sự chú ý của trẻ.
- Lặp đi lặp lại giai điệu, tiết tấu, âm thanh ấy nhiều lần, liên tiếp, liên tục để trẻ cảm nhận
- Lại gần để trẻ có thể dễ dàng nhìn, chạm vào nhạc cụ
- Gợi ý để trẻ cùng tham gia hoạt động
- Bắt chước âm thanh mà trẻ tạo ra (nếu có)
- Thay đổi giai điệu, tiết tấu khác với âm thanh đã được tạo ra và lặp đi lặp lại ban đầu
- Quan sát phản ứng, cảm xúc của trẻ
- Dừng lại và chờ đợi phản ứng của trẻ (xem trẻ muốn tiếp tục hay không)
- Tạo ra âm thanh mà trẻ mong muốn ngay khi trẻ có phản hồi muốn tiếp tục bằng bất cứ cách thể hiện nào: Nói, cử chỉ, nhìn mắt...
- Bắt đầu tạo lượt, dừng chờ, chơi luân phiên, đối đáp với trẻ.
Não bộ của trẻ tự kỷ hoạt động theo cách khác biệt. Trẻ xử lý thông tin về thế giới khác với mọi người. Âm nhạc khiến trẻ tự kỷ thoải mái. Nghe hay tạo ra âm nhạc khiến các giác quan đều cùng tập trung thực hiện, điều này giúp phát triển nhận thức, thúc đẩy ngôn ngữ. Âm nhạc cũng là động lực mạnh mẽ kích thích trẻ tương tác xã hôi, chú ý, bày tỏ cảm xúc, giao tiếp và cả phát triển vận động.
Tóm lại âm nhạc phát triển giao tiếp ở trẻ và là phương tiện để thể hiện cũng như chia sẻ cảm xúc bằng các thủ pháp như: đối đáp, bè đuổi, nhắc lại, tương phản... Chỉ cần một nhạc cụ, trẻ cũng có thể sử dụng để tương tác và kết hợp với người khác thông qua các phần trình diễn hòa tấu, song tấu... Trẻ học được các giao tiếp không lời bằng cách kết nối cảm xúc để tạo ra âm thanh hòa quyện với người khác.
Tài liệu tham khảo:
Lorna Wing (2001). The Autism Spectrum: Aparent’s Guide to Understanding and Helping Your Child.
- Âm nhạc có thể thúc đẩy trí não của bạn không?
- Cách dạy trẻ biết lắng nghe
- Nhạc cổ điển và trí não của bé