Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Huy Khiêm - Dược sĩ Lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Kẽm (Zn) là một nguyên tố vi lượng quan trọng trong cơ thể người với nhiều chức năng sinh học liên quan đến cấu trúc các loại protein, enzyme, hormone, vai trò với hệ miễn dịch hay với chức năng sinh sản. Vậy hiện nay trên thị trường có bao nhiêu loại kẽm và ưu, nhược điểm của chúng như thế nào?
Bên cạnh nguồn kẽm từ thực phẩm (thịt bò, tôm, cua, cá,...), các chế phẩm bổ sung kẽm cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong những trường hợp bệnh lý cấp tính (ví dụ: tiêu chảy cấp ở trẻ em,...) hay chế độ ăn, dinh dưỡng không đảm bảo. Dưới đây là một số thông tin tham khảo về đặc điểm và ưu, nhược điểm của các chế phẩm kẽm thông dụng hiện có trên thị trường:
1. Kẽm vô cơ
Đây là chế phẩm kẽm có thành phần là gốc muối sulphat (ZnSO4) hay chloride (ZnCl2). Các chế phẩm kẽm vô cơ có ưu điểm là giá thành rẻ, tuy nhiên sinh khả dụng khá thấp do độ tan kém, khả năng hấp thu bị ảnh hưởng bởi các ion kim loại khác (dễ tạo phức chelat khó hấp thu) có sẵn trong thức ăn.
2. Kẽm hữu cơ
Chế phẩm kẽm hữu cơ có thành phần là gốc muối với các acid hữu cơ (kẽm gluconate hay kẽm lactate). Kẽm hữu cơ có độ tan cao hơn so với kẽm vô cơ, do đó khả năng hấp thu vào cơ thể của chế phẩm kẽm hữu cơ cũng cao hơn, đồng thời mùi vị cũng dễ chịu, ít gây kích ứng đường tiêu hoá hơn so với chế phẩm kẽm vô cơ. Do đó, giá thành của các chế phẩm kẽm hữu cơ cùng thường cao hơn.
3. Kẽm sinh học
Sản phẩm kẽm sinh học được sản xuất bằng quá trình lên men bằng nấm men, tạo hỗn hợp kẽm liên kết với các hợp chất sinh học như acid amin, peptide, protein. Nhờ vậy, chế phẩm kẽm sinh học có sinh khả dụng cao, dễ hấp thu hơn so với các chế phẩm kẽm khác. Vị kim loại cũng được che dấu tốt hơn, ít gây vị đắng và ít nguy cơ gây kích ứng đường tiêu hoá hơn. Kẽm sinh học cũng là chế phẩm kẽm có giá thành cao nhất trong 3 loại.
Hàm lượng kẽm trong các chế phẩm kẽm là khác nhau, do đó thông thường bác sĩ sẽ chỉ định liều kẽm bổ sung tính theo lượng kẽm nguyên tố. Người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định liều dùng của bác sỹ, trường hợp không chắc chắn (nhầm lẫn giữa hàm lượng kẽm nguyên tố và hàm lượng kẽm theo gốc muối của chế phẩm) thì nên xem kỹ lại thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm hoặc hỏi thêm ý kiến tư vấn của bác sỹ/dược sỹ để tránh sử dụng nhầm liều lượng.
Kẽm có vai trò quan trọng đối với cơ thể, ngoài bổ sung bằng chế độ dinh dưỡng, thực phẩm, có thể bổ sung kẽm bằng các loại thực phẩm chức năng. Việc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn và của bác sĩ, dược sĩ tư vấn rất quan trọng, giúp đảm bảo hiệu quả đối với sức khỏe người sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Nên cho trẻ uống kẽm trong thời gian bao lâu?
- Cho bé 9 tháng ăn gì để tăng cân và chiều cao?
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ