Mục lục
Suy dinh dưỡng nói chung và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nói riêng đều ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống tương lai về sau. Tình trạng suy dinh dưỡng khá phổ biến ở trẻ có độ tuổi từ 6 đến 24 tháng - thời điểm nhạy cảm với bệnh tật và cần có nhu cầu dinh dưỡng hợp lý để trẻ thích ứng với môi trường sống.
1. Thực trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam
Tình trạng suy dinh dưỡng trong những năm đầu tiên của cuộc đời của trẻ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi trẻ còn nhỏ và sự ảnh hưởng phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động cũng như các nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, các bệnh liên quan đến huyết áp, ung thư.
Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam được đánh giá đã giảm nhanh và duy trì bền vững trong nhiều năm qua. Đồng thời cùng với tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam giảm thì kiến thức thực hành về dinh dưỡng của bà mẹ nói riêng và người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, thì tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng là vấn đề khá quan trọng và đang ngày được cải thiện tích cực. Và để có được kết quả này cũng nhờ sự đóng góp của các Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng Quốc gia, Chương trình bổ sung vitamin A, Chương trình phòng chống thiếu máu do thiếu sắt được triển khai trên toàn quốc.
Trong những năm chiến tranh Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn và hậu quả để lại với tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam của trẻ em dưới 5 tuổi của đầu những năm 80 của thế kỷ trước rất cao với khoảng trên 50% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Và ở thời điểm hiện tại tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở ngưỡng quan trọng, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi. Theo thống kê các kết quả nghiên cứu toàn quốc cho thấy cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, và kết quả này còn có sự khác biệt giữa các vùng miền, đặc biệt một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức rất cao trên khoảng 35%.
Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em hiện cũng đang gia tăng rất nhanh đặc biệt ở các tỉnh thành phần có sự chuyển dịch và thay đổi cơ cấu kinh tế lớn bao gồm cả những khu vực đô thị lớn. Con số này ước tính lên đến trên 10%.
2. Các vấn đề liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi
Suy dinh dưỡng thuộc vấn đề sức khỏe khá phổ biến liên quan đến chế độ ăn uống không chứa đầy đủ chất dinh dưỡng cả về lượng và chất. Hoặc có thể xảy ra khi cơ thể gặp những vấn đề về hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Từ đó, có thể cho thấy nguyên nhân gây nên suy dinh dưỡng ở trẻ dưới năm tuổi bao gồm:
- Trong quá trình sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, bà mẹ chưa có đầy đủ kiến thức để nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ dẫn đến việc không cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ hoặc cho trẻ ăn dặm sai cách thức, chẳng hạn cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
- Trẻ không hợp khẩu vị với các loại thực phẩm được lựa chọn trong bữa ăn của trẻ hoặc khi chế biến món ăn cho trẻ không thực hiện đa dạng thực phẩm
- Trẻ có thể thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi, giun sán... đồng thời phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác nhằm giúp tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, khi tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh sẽ không tránh khỏi việc tiêu diệt một phần cả vi khuẩn có lợi cho cơ thể gây nên hậu quả ảnh hưởng tới đường ruột hoặc gây nên tình trạng rối loạn tiêu hoá của con.
- Hoặc đôi khi trong bữa ăn trẻ bị áp lực từ cha mẹ do ép ăn khiến cho trẻ nảy sinh tâm lý sợ sệt, lâu ngày sẽ gây hậu quả dẫn tới tình trạng chán ăn của trẻ và có thể gây ra suy dinh dưỡng.
Hậu quả suy dinh dưỡng xảy ra khiến trẻ em càng dễ mắc phải các bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp hay đường ruột làm cho trẻ chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, suy dinh dưỡng còn khiến cho tất cả các cơ quan của trẻ giảm hoạt động cũng như giảm chức năng đồng thời cũng ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp khiến chiều cao và tầm vóc của trẻ bị ảnh hưởng. Không những thế, suy dinh dưỡng còn khiến trẻ giảm phát triển trí não, chậm chạp, tiếp thu kém...
Suy dinh dưỡng ở trẻ có thể nhận thấy qua các dấu hiệu như cân nặng của trẻ không tăng trưởng như dự kiến trong 3 tháng liên tiếp. Trẻ thường có những biểu hiện về sự thay đổi trong hành vi như quấy khóc, ít chơi, lém linh hoạt, chậm chạp... Cấu tạo về thể chất như cơ bắp chân tay mềm nhão, bụng to. Đặc biệt, những trẻ không hoặc ít phát triển vận động như chậm biết lẫy, bò, đi cũng có thể được xem xét như dấu hiệu rõ ràng nhất liên quan tới suy dinh dưỡng...
3. Một số biện pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Nhằm giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, viện dinh dưỡng quốc gia cho rằng cải thiện chất lượng bữa ăn đồng thời bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ rất cần thiết cho hoạt động này. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ cho thấy có hiệu quả tốt trong việc tăng trưởng và phát triển của trẻ hơn so với việc chỉ bổ sung đơn lẻ vi chất dinh dưỡng. Đồng thời khuyến khích cha mẹ sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của trẻ giúp tăng cường vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cần thực hiện một số cách sau:
- Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ có thai để đạt cân nặng thai kỳ theo khuyến nghị. Đồng thời kết hợp chăm sóc y tế giúp theo dõi tình trạng sức khoẻ của mẹ và bé tốt hơn. Phụ nữ có thai nên được khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ và tiêm đủ 2 mũi uốn ván.
- Trẻ sinh ra phải được thực hiện bú ngay sau một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đồng thời cho trẻ tiếp tục bú mẹ tới 18 đến 24 tháng
- Cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung hợp lý đúng thời điểm trẻ được 6 tháng bắt đầu thực hiện. Luôn đa dạng bữa ăn của trẻ đồng thời tăng đậm độ năng lượng nhằm giúp đáp ứng nhu cầu khuyến nghị cho trẻ.
- Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho cả phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ có thai cần được bổ sung viên sắt và acid folic, trẻ em dưới 36 tháng nên uống vitamin A liều cao 2 lần một năm. Đồng thời thực hiện chăm sóc trẻ hợp lý khi trẻ bị bệnh.
- Thực hiện phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái để có thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn của trẻ nói riêng và gia đình nói chung.
- Thực hiện vệ sinh môi trường sống xung quanh, sử dụng nước sạch, tẩy giun định kỳ cho trẻ đồng thực hiện vệ sinh nghiêm chỉnh rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hơn nữa cần phải đảm bảo cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
- Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung vi chất gì?
- Vì sao 70% trẻ Việt nam thiếu kẽm?
- Trẻ 9 tuổi nặng 18kg cao 115cm có phát triển bình thường không?