Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Rất nhiều gia đình gặp phải tình trạng dù đã tẩm bổ cho con nhiều chất dinh dưỡng nhưng kết quả không được như ý, con không tăng cân và chiều cao không phát triển trong một thời gian rất dài, thậm chí còn giảm cân và suy dinh dưỡng. Hiện tượng này khiến không ít bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ vì lo lắng cũng như không biết nên giải quyết như thế nào là hợp lý.
1. Hội chứng kém hấp thu ở trẻ là gì?
Hội chứng kém hấp thu ở trẻ được hiểu là khi trẻ vẫn ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa lại không thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn, từ đó dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng, cụ thể là các loại vitamin, khoáng chất, protein... ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Bình thường, các men tiêu hoá ở bề mặt thành ruột sẽ giúp biến đổi các chất dinh dưỡng từ thức ăn thành các phần tử nhỏ hơn, các phân tử này có thể qua được thành ruột vào máu đến nuôi dưỡng các tế bào, cơ quan và thực hiện các chức năng để duy trì sự sống, xây dựng và phát triển cơ thể. Do đó, trẻ hấp thụ thức ăn kém xảy ra khi cơ thể trẻ không có khả năng hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hoá vào máu.
2. Nguyên nhân khiến bé kém hấp thu chậm tăng cân
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến trẻ hấp thụ thức ăn kém rất đa dạng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, hay gặp nhất:
2.1. Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu dinh dưỡng
Bé kém hấp thu chậm tăng cân có thể là hệ quả của một chế độ dinh dưỡng không phù hợp, bao gồm:
- Cho bé ăn dặm quá sớm.
- Cha mẹ không tập cho trẻ làm quen từ từ về việc ăn dặm một loại thức ăn mới, đặc biệt là những thực phẩm có cấu trúc phân tử phức tạp hoặc tính dị nguyên cao như lòng trắng trứng, các loại hải sản.
- Chế độ ăn uống thiếu sự cân bằng giữa các 4 nhóm thực phẩm, như món ăn quá nhiều dầu mỡ cũng có thể dẫn đến tình trạng trẻ hấp thụ thức ăn kém, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
2.2. Loạn khuẩn đường ruột
Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi bất thường, đặc biệt hay gặp ở những trẻ đã hoặc đang sử dụng các loại kháng sinh, các thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng kém hấp thu ở trẻ.
2.3. Thiếu các vi chất quan trọng
Tình trạng cơ thể trẻ thiếu các loại vi chất thiết yếu cho hệ tiêu hóa như selen, kẽm, magie, canxi có thể khiến bé kém hấp thu chậm tăng cân, gây mệt mỏi, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa...
2.4. Thiếu các men tiêu hóa
Enzyme hay các men tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa các loại thức ăn. Nhiệm vụ của các enzyme là chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thu. Vì vậy, thiếu hụt men tiêu hóa có thể ảnh hưởng trực tiếp làm trẻ hấp thụ thức ăn kém.
2.5. Do một số bệnh lý
Một số bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, gan, túi mật hay ống tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích... đều có nguy cơ ảnh thường đến khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể.
3. Một số biện pháp phòng ngừa hội chứng kém hấp thu ở trẻ
Để khắc phục và phòng ngừa tình trạng bé kém hấp thu chậm tăng cân, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này và từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau để dự phòng hội chứng kém hấp thu ở trẻ:
3.1. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
- Chế biến các món ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh.
- Chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi, khẩu vị và sở thích của trẻ.
- Cho bé ăn với số lượng vừa đủ, đặc biệt không nên tạo thói quen ép trẻ ăn quá nhiều và có thể gây hiệu ứng ngược như trẻ sợ ăn, biếng ăn.
- Thành phần bữa ăn trong ngày cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm.
3.2. Lưu ý chế độ ăn uống cho trẻ ở độ tuổi ăn dặm
- Giai đoạn cho trẻ bắt đầu một loại thức ăn mới, cha mẹ nên tập cho trẻ quen dần, đặc biệt nên bắt đầu bằng số lượng ít rồi tăng dần theo khả năng của trẻ.
- Nếu cho trẻ ăn một loại thức ăn mới mà có biểu hiện trẻ hấp thụ thức ăn kém, cha mẹ nên tạm ngừng loại thức ăn đó và thử lại sau một thời gian.
3.3. Một số lưu ý khác
- Nếu mắc bệnh nhiễm trùng và sau một đợt điều trị kháng sinh trẻ hấp thụ thức ăn kém, bên cạnh các men tiêu hóa do bác sĩ chỉ định cha mẹ nên bổ sung thêm vào chế độ ăn các loại sữa chua để bổ sung lợi khuẩn đường tiêu hóa.
- Cha mẹ nên có lịch trình tẩy giun sán định kỳ cho trẻ trên 24 tháng tuổi.
- Tăng cường vận động cho trẻ: Cho trẻ chơi, tham gia các hoạt động thể chất để tăng sự co bóp đường ruột, từ đó giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng.
- Sau cùng, cha mẹ có thể bổ sung vitamin, các vi chất cần thiết cho trẻ bằng các sản phẩm phù hợp.
- Uống thuốc xổ giun khi nào là hiệu quả nhất?
- Nên cho trẻ uống thuốc giun khi nào?
- Công dụng thuốc Bacivit