Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bệnh thai trứng thường lành tính nhưng trong một số trường hợp chửa trứng có thể dẫn đến các biến chứng đáng sợ như thai trứng xâm lấn hoặc ung thư tế bào nuôi.
1. Thai trứng hình thành như thế nào?
Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với noãn sẽ trở thành trứng thụ tinh, phát triển thành thai nhi và các phần phụ như nhau thai và túi ối. Trong một số trường hợp, tế bào nuôi phát triển quá nhanh trong khi tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn ở gai nhau không phát triển kịp làm thoái hóa gai nhau.
Gai nhau bị phù nề tạo thành các túi chứa dịch, dính vào nhau giống như chùm nho và chiếm phần lớn buồng tử cung. Hiện tượng này gọi là thai trứng. Trứng có thể phát triển thành một khối không có phôi thai (thai trứng toàn phần) hoặc có phôi thai bất thường (thai trứng bán phần).
2. Triệu chứng thai trứng
Thai phụ bị chửa trứng thường gặp những triệu chứng cơ bản sau:
- Rong huyết: là triệu chứng thường gặp nhất, xảy ra sau khi trễ kinh vài tuần, hay xảy ra từ tuần thứ 6 - tuần thứ 16 của thai kỳ. Máu âm đạo có thể ít hoặc nhiều, thường là máu loãng, bầm đen, đôi khi có màu đỏ tươi và rong huyết nhiều ngày.
- Nghén nặng: người bệnh bị nôn nhiều và kéo dài, thể trạng mệt mỏi, xanh xao, đôi khi bị phù. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, triệu chứng này có thể bị chẩn đoán nhầm là dọa sảy thai.
- Đau, nặng vùng bụng dưới.
- Tăng huyết áp, đạm niệu.
- Khoảng 50% trường hợp có tử cung to ra nhanh hơn so với tuổi thai, số còn lại tử cung phát triển bình thường hoặc nhỏ hơn tuổi thai do thai trứng thoái triển.
- Ở giai đoạn giữa thai kỳ: sờ không thấy thai, không nghe thấy tim thai.
- Trong các trường hợp mắc thai trứng toàn phần, tình trạng thiếu máu xuất hiện rõ, đa số là thiếu máu thiếu sắt, chiếm tỷ lệ 54%. Do mất máu nên thai phụ có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt và hay bị hoa mắt chóng mặt.
- 27% phụ nữ chửa trứng có triệu chứng tiền sản giật.
- Cường giáp: lo lắng, mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc không đều, đổ mồ hôi và tay run.
Mặt khác, dấu hiệu thai trứng khá đa dạng, dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung,... Do vậy, để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, xét nghiệm beta HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X-quang bụng,...
3. Biến chứng của thai trứng
Nếu không điều trị sớm, chửa trứng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như mất máu, suy dinh dưỡng hoặc sẩy thai trứng gây băng huyết.
Ngoài ra, thai trứng còn có thể xâm lấn, ăn sâu vào lớp cơ tử cung và gây thủng tử cung. Đặc biệt, khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng ác tính là ung thư tế bào nuôi (một loại ung thư ác tính, thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung, gây hoại tử chảy máu và có thể di căn tới các phủ tạng như gan, não, phổi,... với tỷ lệ tử vong rất cao).
Vì vậy, phát hiện sớm triệu chứng thai trứng và phối hợp điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân có thể bảo toàn sức khỏe và khả năng sinh sản.
- Một năm sau chửa trứng nên có thai lại không
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai
- Một số điều cần lưu ý trong và sau khi hút thai trứng