Mục lục
Trẻ thừa cân béo phì nếu không can thiệp sớm thì phần lớn sẽ kéo dài tình trạng này đến tuổi trưởng thành. Đây là yếu tố nguy cơ khiến trẻ tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý mạn tính, bao gồm tiểu đường, huyết áp cao và ngưng thở khi ngủ. Do đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng để trẻ thừa cân béo phì đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
1. Nhu cầu calo hàng ngày theo độ tuổi
Không giống người lớn, nhu cầu calo hàng ngày của trẻ em phụ thuộc nhiều vào giới tính, độ tuổi và mức độ hoạt động.
Trẻ em trai có mức độ vận động vừa phải có thể tiêu thụ khoảng:
- 6 đến 8 tuổi: cần 1.600 calo mỗi ngày;
- 9 và 10 tuổi: cần 1.800 calo mỗi ngày;
- 11 đến 13 tuổi: cần 2.200 calo mỗi ngày;
- 14 đến 17 tuổi: cần 2.400 đến 2.800 mỗi ngày.
Trẻ em gái có mức độ vận động vừa phải có thể tiêu thụ khoảng:
- 7 đến 9 tuổi: 1.600 calo mỗi ngày;
- 10 và 11 tuổi: 1.800 calo mỗi ngày;
- 12 đến 17 tuổi: 2.000 calo mỗi ngày.
Tuy nhiên, các con số trên đây chỉ là những ước tính. Một số trẻ sẽ cần nhiều hoặc ít calo hơn trong một ngày, tùy thuộc vào quá trình trao đổi chất và hoạt động.
2. Mục tiêu dinh dưỡng cho trẻ thừa cân
Mục tiêu đầu tiên của quản lý cân nặng ở trẻ thừa cân béo phì phải là ngừng tăng cân và duy trì sự phát triển bình thường về chiều cao đúng lứa tuổi.
Để đạt mục tiêu này, cha mẹ cần bắt đầu bằng cách giúp con ăn uống lành mạnh (ít hơn khoảng 500 calo mỗi ngày) và tập thể dục thường xuyên như một thói quen hằng ngày.
Khi trẻ đã ngừng tăng cân và đang thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục đều đặn, mục tiêu tiếp theo cần đặt ra là giảm cân với tốc độ khoảng 10% mỗi tháng đến khi đạt cân nặng lý tưởng theo chiều cao.
Tuy nhiên, để các mục tiêu nêu trên thành công và hiệu quả, cha mẹ cần làm động lực cho con cái. Cả nhà cùng lựa chọn các bữa ăn lành mạnh và tích cực tham gia tập thể dục thường xuyên như chơi bóng trong sân nhà, sử dụng cầu thang bộ thay vì thang cuốn, đi bộ ngoài công viên mỗi cuối tuần...
3. Trẻ thừa cân ăn thế nào để an toàn?
Với những trẻ thừa cân, cha mẹ nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng như sau:
- Dạy trẻ những thực phẩm lành mạnh và không tốt cho sức khỏe ngay từ khi còn nhỏ: Các lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả.
- Hạn chế Tivi: Nên giới hạn xem tivi cho trẻ trong khoảng 1 hoặc 2 giờ mỗi ngày (bao gồm cả việc chơi trò chơi điện tử, sử dụng máy tính).
- Tạo thói quen ăn uống lành mạnh: Trẻ nên ăn 3 bữa ăn cân bằng cộng với 2 bữa ăn nhẹ bổ dưỡng. Không khuyến khích trẻ bỏ bữa để giảm cân, đặc biệt là bữa sáng. Những trẻ ăn sáng ít bị thừa cân hoặc béo phì hơn.
- Cách chế biến bữa ăn: Chuẩn bị thực phẩm nướng hoặc hấp thay vì chiên trong dầu mỡ. Bữa ăn lành mạnh có thể bao gồm một phần nhỏ thịt nạc và phần lớn rau. Trong trường hợp trẻ vẫn còn thấy đói, nên cho trẻ ăn thêm salad hoặc rau. Phục vụ trái cây tươi như một món tráng miệng. Kem, bánh quy, bánh ngọt hoặc các loại thực phẩm giàu calo khác thỉnh thoảng có thể cho trẻ ăn.
- Luôn ăn tại bàn: Tránh để trẻ ăn các bữa chính hoặc đồ ăn nhẹ bên ngoài nhà bếp. Cha mẹ cần đặt ra quy tắc tại gia là không ai vừa ăn vừa xem tivi.
- Đồ ăn nhẹ: Nên ăn 2 bữa nhẹ mỗi ngày và có thể bao gồm các thực phẩm ít calo, chẳng hạn như trái cây hoặc rau củ. Không nên chọn thức ăn vặt từ khoai tây chiên, bánh quy, kẹo ngọt... vì chúng cung cấp nhiều chất béo, calo.
- Đồ uống: Nên khuyến khích trẻ uống 4 đến 6 cốc nước mỗi ngày, đặc biệt là trước bữa ăn. Nước không có calo và sẽ đem lại cảm giác no. Các thức uống khác có thể bao gồm sô-đa kiêng và sữa ít béo. Tránh cho trẻ uống nước ngọt hoặc nước hoa quả thông thường vì chứa nhiều calo (150-170 calo mỗi khẩu phần).
- Tránh thức ăn nhanh: Nếu đi du lịch hoặc ăn uống bên ngoài nhà, hãy chuẩn bị sẵn các lựa chọn thức ăn lành mạnh.
- Theo dõi nhật ký chế độ ăn uống: Giúp trẻ ghi nhật ký hàng tuần về lượng thức ăn, đồ uống cũng như lượng thời gian ngồi một chỗ để xem tivi, chơi trò chơi điện tử hay vận động ngoài trời và tập thể dục. Cha mẹ cũng có thể ghi lại cân nặng của trẻ mỗi tuần để theo dõi việc hoàn thành mục tiêu.
Tóm lại, mục tiêu đầu tiên của việc quản lý cân nặng ở trẻ thừa cân béo phì là ngừng tăng cân và duy trì sự phát triển bình thường theo đúng chiều cao. Để thực hiện điều này, một chế độ dinh dưỡng bao gồm các loại thực phẩm và đồ uống lành mạnh, tham gia vận động thể lực tích cực sẽ giúp trẻ phát triển bình thường.
Nguồn tham khảo: verywellfamily.com, niddk.nih.gov, news-medical.net, familylives.org.uk
- Cho trẻ ăn nhiều váng sữa có tốt không?
- Trẻ 1 tuổi nặng bao nhiêu kg là chuẩn?
- Đo chiều cao cân nặng của trẻ để theo dõi nguy cơ suy dinh dưỡng