Mục lục
Khi bị thiếu kẽm trẻ thường có các biểu hiện như táo bón, rụng tóc, móng tay móng chân dễ bị gãy, vết thương lâu lành, trẻ chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ, giảm chức năng sinh dục, dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, việc xác định được tình trạng trẻ thiếu kẽm và bổ sung kịp thời là điều vô cùng quan trọng.
1. Trẻ thiếu kẽm có biểu hiện gì?
Trẻ bị thiếu kẽm thường có các biểu hiện như táo bón, rụng tóc, móng tay móng chân dễ bị gãy, vết thương lâu lành, trẻ chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ, giảm chức năng sinh dục và dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Kẽm là một loại khoáng vi lượng, không thể thiếu trong quá trình phát triển của cơ thể. Kẽm bảo vệ hệ thống miễn dịch, các cơ quan sinh dục và tiền liệt tuyến. Vai trò của kẽm rất cần thiết cho việc tổng hợp protein và hình thành collagen cho mọi tế bào, bao gồm cả làm da và sắc đẹp để được trẻ lâu.
Kẽm ngăn chặn sự co cơ gây chuột rút và giúp chế tạo insulin ngừa đái tháo đường. Kẽm đóng vai trò quan trọng cho việc giữ ổn định hệ miễn dịch và hồng cầu. Đặc biệt kẽm rất cần thiết cho sự phát triển và duy trì hoạt động của cơ quan sinh dục, nhất là tuyến tiền liệt.
Tình trạng thiếu kẽm nhẹ và vừa khá phổ biến ở trẻ em. Có thể dễ dàng nhận thấy một số biểu hiện cụ thể của tình trạng này như: Trẻ tăng trưởng chậm, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, trẻ chán ăn hoặc ăn ít, không ăn thịt cá.
Khi trẻ bị thiếu kẽm, thức ăn sẽ không còn hấp dẫn đối với trẻ nữa, vì đây chính là khoáng chất giúp tăng cường vị giác. Khi thiếu kẽm trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và nôn, chậm tiêu, táo bón, rối loạn giấc ngủ, ngủ lơ mơ, trẻ thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm... ngoài ra trẻ còn có thể bị suy giảm chức năng miễn dịch dẫn tới dễ bị nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp, khô da, chậm mọc tóc...
2. Bổ sung kẽm cho trẻ với liều lượng như thế nào?
Chỉ khi nào tình trạng thiếu kẽm của trẻ được xác nhận thông qua các biểu hiện lâm sàng và những xét nghiệm sinh hóa, hoặc khi trẻ có tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thu kẽm, khi đó bạn mới được phép bổ sung kẽm cho trẻ theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Liều lượng kẽm bổ sung cho trẻ là từ 0,5-1,5mg kẽm nguyên tố/kg cân nặng/ngày.
Nếu bạn tùy tiện bổ sung kẽm cho trẻ, đặc biệt là với liều lượng cao, dẫn tới tình trạng thừa kẽm có thể dẫn đến các nguy cơ về chuyển hóa và tăng trưởng nặng nề cho trẻ không kém hậu quả do tình trạng thiếu kẽm gây ra.
3. Nên bổ sung kẽm cho trẻ trong bao lâu?
Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện thiếu kẽm, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, hoặc trung tâm dinh dưỡng để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá tình trạng, chẩn đoán nguyên nhân từ đó đưa ra hướng dẫn cách chăm sóc điều trị phù hợp.
Sau khi thăm khám, đánh giá tình hình các bác sĩ sẽ quyết định có cần bổ sung kẽm cho trẻ hay không, nếu có thì liều lượng như thế nào cũng như uống trong bao lâu. Thời gian bổ sung kẽm cho trẻ có thể kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng thực tế của trẻ.
Trường hợp trẻ đang bị tiêu chảy, việc bổ sung kẽm trong quá trình điều trị là hết sức cần thiết. Trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đã khuyến cáo cần bổ sung 10mg kẽm/ngày và với trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi thì cần được bổ sung 20mg kẽm/ngày. Thời gian bổ sung kẽm cho trẻ trong trường hợp này là 14 ngày liên tiếp.
Khi bổ sung kẽm cho trẻ, bạn cũng cần lưu ý:
- Nên cho trẻ uống viên bổ sung kẽm sau khi ăn 30 phút.
- Không uống viên kẽm và sắt cùng một lúc, nên cho trẻ uống hai loại này cách nhau ít nhất 2 giờ.
- Không uống kẽm và canxi cùng một lúc, mà nên uống kẽm trước canxi ít nhất 2 giờ.
- Để tối ưu hóa khả năng hấp thu kẽm, cùng với việc bổ sung kẽm thì trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, đồng thời giảm các thực phẩm giàu chất xơ, chất đồng, sắt.
4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị thiếu kẽm
Khi thiếu kẽm mà chưa đi khám, có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng con đường thực phẩm. Thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến như thịt, gan, cá, tôm, trứng, sữa, rau dền, củ dền và các loại rau củ quả có màu xanh đậm, đỏ đậm, vàng đậm.
Để không xảy ra tình trạng thiếu kẽm, bạn nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa hàm lượng kẽm thấp hơn cùng với giá trị sinh học không cao, do đó khả năng hấp thu kẽm từ nguồn thực phẩm này cũng không nhiều.
Riêng đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nguồn cung cấp kẽm dễ hấp thu nhất chính là sữa mẹ. Các bà mẹ đang cho con bú cần tăng cường bổ sung kẽm để đảm bảo cung cấp cho trẻ lượng kẽm đầy đủ thông qua nguồn sữa mẹ.
Việc trẻ được bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... sẽ giúp cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Nguồn tham khảo: smallseotools.com
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ
- Zinc Gluconate: Công dụng và liều dùng
- Thiếu chất gì khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi?