Mục lục
Các cơn sốt cao ở trẻ là mối bận tâm, lo lắng của nhiều cha mẹ trong mùa lạnh. Trẻ sốt vào mùa đông có thể do nhiều lý do như: Cảm cúm, cảm lạnh, viêm amidan, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm phế quản, sốt xuất huyết... Nếu trẻ không may bị sốt, cha mẹ cần nắm rõ cách thức chăm sóc và hạ sốt để giúp con nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
1. Vì sao nhiều trẻ sốt vào mùa đông?
Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm nên dễ đổ bệnh khi thời tiết chuyển lạnh hoặc giá rét kéo dài. Thời tiết lạnh tạo điều kiện cho nhiều loại siêu vi gây ra các bệnh lý hô hấp và tiêu hóa phát triển. Do hệ thống miễn dịch non nớt của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên khó có khả năng chống chịu lại sự tấn công của các nguồn gây bệnh. Khi trẻ nhiễm siêu vi, nhiều trường hợp sẽ sốt cao kèm theo các triệu chứng ho, sổ mũi hắt hơi, tiêu chảy, ói...
Để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ trong thời điểm giao mùa, cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ, tránh để bị nhiễm lạnh và không tiếp xúc với nguồn bệnh. Đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
2. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt?
Đầu tiên, khi trẻ sốt vào mùa đông cha mẹ nên nhớ nguyên tắc “4 ấm - 1 lạnh”, tức là cần giữ ấm bàn tay, bàn chân, vùng lưng và bụng. Tuy nhiên không nên che kín đầu, nhất là khi trẻ sốt hay ngủ.
Khi trẻ bị sốt cơ thể rất mệt mỏi và khó chịu, cha mẹ nên chăm sóc theo những cách sau để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn:
2.1. Trẻ sốt từ 37,5 - 38,5 độ C
Với nhiệt độ này, cha mẹ chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt cho con mà chỉ cần cho trẻ cởi bớt quần áo cho thông thoáng và uống nhiều nước. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì cho bú nhiều hơn. Nơi nằm của trẻ cần ấm áp, tránh ở nơi có gió lùa, liên tục theo dõi 3-4 giờ đo nhiệt độ 1 lần.
2.3. Trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên
“Trẻ sốt vào mùa đông có nên đắp chăn không?”, câu trả lời là không. Khi trẻ sốt không nên ủ ấm, bắt trẻ mặc quần áo quá dày, đắp quá nhiều chăn. Nguyên nhân là bởi mặc nhiều quần áo hay ủ ấm quá sẽ khiến não bộ của trẻ không xác định được nhiệt độ thực, không điều chỉnh được thân nhiệt và dễ tái sốt trở lại. Ngoài ra, mặc nhiều lớp áp còn khiến trẻ khó hoạt động, ra nhiều mồ hôi và thấm ngược vào cơ thể. Vì vậy, khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ nên cho con mặc quần áo mỏng, mềm mại, thoáng rộng. Tuy nhiên, cũng không nên cởi hết quần áo khiến bé cảm lạnh.
Để hạ nhiệt cho trẻ, phụ huynh có thể dùng khăn mềm thấm nước ấm, sau đó vắt khô và đắp vào nách hay bẹn để giúp bé hạ sốt nhanh hơn. Đồng thời cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng, uống nhiều nước (sữa, nước trái cây, dung dịch điện giải, nước ép rau củ...) kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, giúp chống chọi lại thời tiết giá lạnh.
Khi vệ sinh cho trẻ, cha mẹ vẫn có thể tắm trẻ vào mùa đông nhưng lưu ý sử dụng nước ấm, đóng cửa phòng tắm kín gió, tắm nhanh trong 5 phút sau đó lau khô và giúp trẻ mặc quần áo.
Nếu đã sử dụng các biện pháp trên nhưng trẻ vẫn sốt cao không có dấu hiệu thuyên giảm, đồng thời đi kèm các dấu hiệu như: Khó thở, phồng mỏ ác, cứng cổ, tay chân lạnh, nôn, tiêu chảy, co giật... thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt ở trẻ, từ đó giúp đưa ra phác đồ hạ sốt và điều trị phù hợp.
- Nên đưa trẻ bị sốt đi khám trong vòng 24h nếu có các biểu hiện sau
- Làm gì khi trẻ bị sốt lạnh run người?
- Sốt ở trẻ: Hướng dẫn cách đo nhiệt độ chính xác - Khi nào cần điều trị?