Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn mọc răng sữa, điều này khiến trẻ hay quấy khóc và biếng ăn. Vì vậy, bạn cần nắm bắt được tâm lý cũng như chăm sóc trẻ thật khéo léo để tránh tình trạng trẻ mọc răng biếng ăn dẫn tới sụt cân, suy dinh dưỡng, sức khỏe không được đảm bảo.
1. Các giai đoạn trẻ mọc răng biếng ăn
Việc biết được các thời kỳ mọc răng của trẻ sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý và các giải pháp dinh dưỡng tốt để có thể giảm thiểu tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên khi được 6 tháng tuổi cùng với những triệu chứng khó chịu, biếng ăn (mặc dù trước đây trẻ ăn uống rất nghiêm túc và đầy đủ). Thời kỳ trẻ mọc 2 răng sẽ mất khoảng từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 8. Sau đó là thời kỳ trẻ mọc 6 - 8 răng kéo dài trong khoảng tháng thứ 9 đến tháng thứ 13.
Vì vậy, bạn cần nắm bắt được tâm lý cũng như chăm sóc trẻ thật khéo léo để tránh tình trạng trẻ mọc răng biếng ăn dẫn tới sụt cân, suy dinh dưỡng, sức khỏe không được đảm bảo.
2. Dấu hiệu trẻ mọc răng biếng ăn
Mỗi một đứa trẻ có những triệu chứng mọc răng khác nhau. Thông thường, khi thấy trẻ đột nhiên biếng ăn kèm theo chảy nước dãi, sưng nướu, hay cắn ngón tay, quấy khóc và khó chịu, bạn cần nghĩ ngay tới những chiếc răng sữa đang mọc.
Mọc răng là nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức ở miệng, làm trẻ không muốn ăn. Ngoài ra, một số trẻ còn có thể bị tiêu chảy khi mọc răng, khó chịu và giảm cảm giác thèm ăn. Nếu không có cách khắc phục kịp thời, điều này sẽ dẫn tới biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Các triệu chứng này thường xuất hiện 3-4 ngày trước khi răng mọc lên, diễn ra trong suốt giai đoạn mọc răng và đến 3 ngày sau khi răng mọc hoàn chỉnh mới biến mất. Để giảm thiểu các triệu chứng cũng như tránh tình trạng trẻ mọc răng biếng ăn, bạn cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ tiếp nhận món ăn một cách dễ dàng.
3. Bé mọc răng bỏ ăn phải làm sao?
Khi bé mọc răng biếng ăn dẫn tới sụt cân, các bậc phụ huynh luôn lo lắng và thắc mắc “ăn gì để trẻ tăng cân trở lại”. Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ ăn ngon miệng hơn trong quá trình mọc răng.
3.1. Giai đoạn trẻ mọc răng cửa (6-10 tháng)
Khi bắt đầu mọc những chiếc răng cửa đầu tiên, trẻ sẽ phải chịu những cơn đau nhức vùng nướu. Trong giai đoạn mọc 4 chiếc răng cửa, trẻ thường hay cho ngón tay hoặc đồ vật mềm hay bất kỳ thứ gì trong tầm tay vào miệng cắn. Cảm giác ngứa và đau ở nướu cộng với mệt mỏi chính là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn khi mọc răng.
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng bởi vì ở giai đoạn này thức ăn cho trẻ chủ yếu là sữa, đây vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ dưới 1 tuổi. Vì vậy, nếu trẻ không có hứng thú với cháo ăn dặm, bạn nên tăng lượng sữa mỗi ngày cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng cần tăng cường các bữa phụ giàu dinh dưỡng cho trẻ như khoai tây nghiền, bánh pudding... để kích thích trẻ ăn ngon miệng và đủ chất.
3.2. Giai đoạn trẻ mọc răng nanh (10-16 tháng)
Khi lớn hơn một chút, trẻ đã bắt đầu có ý thức về việc mọc răng nên sẽ quấy khóc nhiều hơn, đặc biệt là khi bị những cơn đau, ngứa nướu hành hạ. Một số trẻ còn có thể bị sốt nhẹ và đi ngoài phân lỏng nên có nguy cơ bị mất nước.
Để giúp trẻ có hứng thú hơn với việc ăn uống trong giai đoạn mọc răng nanh, bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi lần chỉ cho trẻ ăn một lượng vừa phải để trẻ đỡ chán. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều một lúc vì dễ khiến trẻ nôn ói.
Các loại thức ăn thô, cứng cần được loại khỏi thực đơn của trẻ trong những ngày này, thay vào đó là những món dễ nuốt như canh, cháo, súp... được nấu từ thực phẩm mềm (như thịt băm, trứng, đậu hũ, bí đỏ, khoai tây, cà rốt nghiền...). Bạn cũng đừng quên bù nước cho bé bằng sữa hay các loại nước ép trái cây tươi (cho trẻ trên 1 tuổi).
Khi ngứa lợi và trẻ có xu hướng gặm đồ vật, bạn có thể luộc hoặc hấp rau củ quả đến khi chúng mềm rồi cho trẻ cầm ăn. Một vài miếng chuối hoặc bơ thái lát cũng có thể khiến bé thích thú.
3.3. Giai đoạn trẻ mọc răng hàm (16-20 tháng)
Ở giai đoạn này, các triệu chứng khó chịu từ việc mọc răng thường chỉ còn gây ra tâm lý chán ăn nhẹ ở trẻ. Để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn khi mọc răng hàm, bạn nên cho trẻ thưởng thức những món ăn giàu dinh dưỡng, đồng thời trang trí các món ăn sao cho hấp dẫn, đẹp mắt.
Bạn cần lưu ý là trẻ vẫn sẽ có cảm giác khó chịu trước và trong giai đoạn mọc răng, nên có thể ăn ít hơn bình thường. Do đó, bạn cần xem xét giảm khẩu phần ăn của trẻ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
Một số loại thực phẩm bạn nên tăng cường cho trẻ ăn trong thời kỳ này là các loại thực phẩm giàu canxi (như là sữa, trứng, hải sản, đậu phụ); các loại thực phẩm giàu kẽm và selen (như là thịt bò, chocolate đen, ngũ cốc...); trái cây và rau củ. Tránh cho trẻ ăn những món ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng không tốt cho sự phát triển răng của trẻ.
4. Cách chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn
Ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên lưu ý chế độ chăm sóc hàng ngày để trẻ luôn có tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe mạnh nhất trong giai đoạn mọc răng. Các cách chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn đó là:
- Trong giai đoạn này, trẻ thường hay cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh nên bạn cần kiên nhẫn, dành nhiều thời gian hơn cho trẻ, cùng chơi và trò chuyện để trẻ quên đi tình trạng đau răng.
- Khi mọc răng, trẻ rất hay bị ngứa lợi. Do vậy, bạn có thể dùng tay massage nướu một cách nhẹ nhàng để giúp trẻ giảm bớt cảm giác đau nhức. Bạn cũng cần lưu ý rửa tay thật kỹ trước khi massage để tránh đưa vi khuẩn vào miệng trẻ.
- Thay vì việc đề trẻ gặm đồ chơi khi bị ngứa lợi, bạn nên đưa cho bé các loại hoa quả đã chế biến. Mẹo nhỏ này được bác sĩ chuyên khoa khuyến khích sử dụng, vì nó giúp trẻ giảm ngứa lợi và kích thích răng mọc dễ dàng hơn.
- Bạn cần lưu ý vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày, nhất là sau khi trẻ bú và ăn uống. Cách vệ sinh đúng đó là dùng ngón tay có quấn miếng gạc hoặc khăn mềm, nhúng vào nước sạch rồi lau nhẹ nhàng vùng khoang miệng cho trẻ để tránh nhiễm khuẩn.
- Hạn chế để trẻ ngậm núm vú giả khi ngủ, vì việc này có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào vùng khoang miệng của trẻ.
- Trẻ mọc răng thường biếng ăn, ăn ít hơn so với ngày thường. Do đó, bạn không nên quá lo lắng và ép trẻ ăn bằng cách dọa nạt hay mắng mỏ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Đây là những cách đơn giản giúp bạn chăm sóc trẻ biếng ăn do mọc răng. Giai đoạn này là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, do đó bạn cần lưu tâm để cho trẻ được phát triển một cách toàn diện nhất. Bên cạnh đó, bé cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Trẻ bị gãy răng sữa có mọc răng khác thay thế không?
- Làm gì khi bé bị mòn răng sữa?
- Bé 1 tuổi chảy máu chân răng có sao không?