Mục lục
“Trẻ sinh non có phát triển bình thường không?” là lo lắng của nhiều cha mẹ khi có con sinh non. May mắn là hầu hết trẻ sinh non đều có thể phát triển bình thường nếu được hưởng chế độ nuôi trẻ sinh non phù hợp. Do đó, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ chào đời.
1. Sinh non có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé như thế nào?
Sinh non là hiện tượng sinh nở diễn ra quá sớm, tức trước 37 tuần của thai kỳ. Những em bé sinh sớm như vậy có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn hoặc phải nằm viện lâu hơn so với những em bé sinh đủ tháng. Thông thường, quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân thường diễn ra trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).
Trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề không chỉ trong suốt giai đoạn sơ sinh mà cả trong suốt cuộc đời. Khi sinh con càng sớm, trẻ càng dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Một số vấn đề này có thể không chỉ xuất hiện trong vài tháng năm đầu mà còn ngay cả khi trưởng thành. Phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe càng sớm càng tốt, ngăn ngừa sinh non khi có thể để giúp tăng tỷ lệ sống sót và giúp trẻ sinh non phát triển bình thường.
Theo đó, những ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sinh non có thể gặp phải, bao gồm:
- Các vấn đề về phổi và hô hấp như bệnh hen suyễn, loạn sản phế quản phổi.
- Vấn đề nha khoa: Trẻ sinh non có thể bị chậm mọc răng, thay đổi màu răng hoặc răng mọc khấp khểnh, mọc lệch khi lớn hơn.
- Mất thính lực: Trẻ sinh non thường bị suy giảm thính lực hơn trẻ sinh đủ tháng.
- Nhiễm trùng: Trẻ sinh non thường gặp khó khăn khi chống lại sự xâm nhập của vi trùng vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Điều này có nghĩa là trẻ có thể bị nhiễm trùng dễ dàng hơn.
- Các vấn đề với đường tiêu hóa: Những vấn đề này có thể do viêm ruột hoại tử gây ra. Đây là một căn bệnh phổ biến nhưng rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ sơ sinh và có thể cần phẫu thuật để điều trị những vấn đề này. Dù vậy, một số trẻ đã phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột có thể gặp khó khăn khi hấp thụ chất dinh dưỡng cần cho trẻ sinh non từ thức ăn.
- Các vấn đề về thị lực, như bệnh võng mạc do sinh non khi võng mạc của trẻ không phát triển đầy đủ trong những tuần sau khi sinh. Võng mạc là mô thần kinh nằm phía sau của mắt và bệnh võng mạc do sinh non thường ảnh hưởng đến cả hai mắt.
2. Những thăm khám kiểm tra sự phát triển trên trẻ sinh non
Tất cả trẻ sơ sinh đều cần có các cuộc hẹn khám định kỳ để theo dõi sự phát triển. Một số trẻ sinh non có thể cần phải được thăm khám sớm hơn.
Để đánh giá hiệu quả nuôi trẻ sinh non, các bác sĩ cần sử dụng độ tuổi đã điều chỉnh để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của trẻ trong 2 năm đầu tiên. Đây là tuổi của trẻ tính từ ngày dự sinh chứ không phải là ngày trẻ được sinh ra.
Cho đến khi trẻ được 2 tuổi, trẻ sẽ được kiểm tra giống như những đứa trẻ khác cùng tuổi. Đối với trẻ được sinh ra trước 28 tuần, trẻ sẽ cần thêm một đợt kiểm tra khi được 4 tuổi.
Trong các lần thăm khám, trẻ sẽ được lấy chỉ số đo chiều dài và cân nặng. Bác sĩ cũng có thể hỏi cha mẹ xem trẻ bú tốt như thế nào và trẻ đã có khả năng làm được những gì. Ví dụ, trẻ đã có thể lật hay ngồi dậy tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
Trong trường hợp trẻ cần được hỗ trợ hoặc xét nghiệm thêm, trẻ có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa. Các dịch vụ chuyên khoa dành cho trẻ sinh non, chẳng hạn như vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ và hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng thường được phối hợp để cha mẹ được hỗ trợ trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân một cách toàn diện.
3. Biểu đồ tăng trưởng theo dõi trẻ sinh non
Trước khi trẻ được ra khỏi khoa chăm sóc sơ sinh đặc biệt, cha mẹ sẽ được hướng dẫn cách nuôi trẻ sinh non tại nhà cùng biểu đồ tăng trưởng để vẽ biểu đồ cân nặng, chiều cao cho trẻ và so sánh với mức tăng trưởng trung bình theo độ tuổi của trẻ.
Nếu trẻ được sinh ra trước 32 tuần, sự tăng trưởng của trẻ sẽ được biểu thị trong biểu đồ nhẹ cân. Trẻ sinh ở tuần thứ 32–37 được vẽ trong biểu đồ sinh non cho đến 2 tuần sau ngày dự sinh. Sau đó, các chỉ số sẽ được vẽ trong các biểu đồ chính bằng cách sử dụng tuổi hiệu chỉnh của trẻ, được đo từ ngày dự sinh của trẻ chứ không phải ngày sinh thật sự. Đồng thời, có các biểu đồ riêng biệt cho trẻ em gái và trẻ em trai, vì trẻ em trai có xu hướng cân nặng hơn và cao nhanh hơn.
4. Những biện pháp hỗ trợ khi nuôi trẻ sinh non
Nhiều trẻ sinh non không cần liệu pháp hoặc điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, vì trẻ sinh non có nhiều nguy cơ bị chậm phát triển, bác sĩ có thể đề xuất các cách để thúc đẩy sự tiến triển của trẻ một cách bình thường và bắt kịp các trẻ cùng trang lứa:
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể giúp em bé cải thiện các kỹ năng vận động cơ thể và học cách vận động cơ xương khớp tốt hơn.
Điều này có nghĩa là các bài vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện sự săn chắc của cơ bắp. Các vấn đề về trương lực cơ là khá phổ biến trong số những trẻ sơ sinh vì các bộ phận của hệ thần kinh kiểm soát cơ bắp không phát triển tốt.
Tuy nhiên, vật lý trị liệu chỉ được khuyến khích nếu trẻ sinh non có tình trạng chậm phát triển nghiêm trọng.
- Liệu pháp ngôn ngữ
Liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp giải quyết tình trạng khó bú, thường gặp ở trẻ sơ sinh vì các cơ cần thiết để hút, nuốt và cuối cùng là nhai không có đủ thời gian để phát triển và não của trẻ sơ sinh chưa có khả năng phối hợp các cơ này.
Liệu pháp ngôn ngữ cũng có thể giúp trẻ sử dụng miệng, môi và lưỡi để giao tiếp dễ dàng hơn.
Tùy thuộc vào độ tuổi của em bé, nhà trị liệu có thể làm việc với trẻ về cách nói chuyện, đáp ứng và bày tỏ nhu cầu, cảm xúc của bản thân.
- Liệu pháp nghề nghiệp
Tùy thuộc vào điểm mạnh và nhu cầu của trẻ sinh non, nhà trị liệu nghề nghiệp có thể giúp trẻ học cách chơi với đồ chơi, phát triển kỹ năng cho ăn, cải thiện kỹ năng vận động tinh vi của trẻ hoặc quản lý các yếu tố đầu vào của các giác quan, chẳng hạn như xúc giác, âm thanh và ánh sáng.
Tóm lại, sinh non có thể ảnh hưởng đến cách phát triển của trẻ nhỏ. Theo đó, các biện pháp đánh giá sự tăng trưởng của trẻ định kỳ là rất quan trọng để đảm bảo trẻ đang được theo chế độ chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân phù hợp.
Nguồn tham khảo: marchofdimes.org, raisingchildren.net.au, medicinenet.com
- Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên
- Trẻ 6 tháng biết làm gì? Nếu chưa cứng cổ có là bất thường?
- Sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều có thể làm chậm sự phát triển của trẻ?