Mục lục
Rụng tóc vành khăn ở trẻ khá phổ biến, thường gặp ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi khiến nhiều ba mẹ hoang mang liệu con mình có đang thiếu chất dinh dưỡng hay mắc bệnh gì hay không.
Bài viết được viết bởi bác sĩ Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Rụng tóc vành khăn ở trẻ là tình trạng tóc rụng khá nhiều ở phần sau gáy, từ đó tạo thành một hình vành khăn bao quanh đầu trẻ. Vậy Rụng tóc vành khăn ở trẻ có nguy hiểm không?
1. Nguyên nhân rụng tóc vành khăn và điều trị như thế nào?
Rụng tóc vành khăn ở trẻ tuy không gây nguy hiểm đến bé nhưng các bé bị rụng tóc vành khăn sẽ có thể có thể trạng kém hơn các bé cùng lứa tuổi. Các hoạt động như biết lẫy, biết bò, mọc răng hay đi cũng sẽ chậm hơn bình thường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bé thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó thiếu vitamin D là chủ yếu. Bên cạnh đó, thiếu vitamin H, kẽm, sắt, vitamin C, canxi đều có thể dẫn đến rụng tóc vành khăn.
Rụng tóc do thiếu vi chất dinh dưỡng thông thường ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, rụng tóc do thiếu vitamin D và thiếu các vi chất dinh dưỡng thường gặp ở nhiều lứa tuổi, thậm chí ở độ tuổi 11 – 12 tháng hoặc lớn hơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng ghi nhận một số lý do khác khiến bé bị rụng tóc vành khăn bao gồm:
● Trẻ sơ sinh, hormon từ mẹ truyền sang giảm dần khiến nang tóc của trẻ bước vào pha nghỉ ngơi và làm cho trẻ rụng tóc. Hiện tượng này rất hay gặp và dân gian thường gọi là: rụng tóc máu.
● Rụng tóc ở vị trí chà sát nhiều: Ba mẹ biết không, trẻ nhỏ phần lớn thời gian là nằm ngửa, vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối trong thời gian dài sẽ khiến cho tóc bé dễ rụng và khó mọc hơn. Tình trạng này sẽ giảm dần và hết khi trẻ tự biết thay đổi tư thế khi ngủ.
● Một số tác dụng phụ của thuốc hoặc nấm da đầu cũng khiến bé bị rụng tóc. Nấm da đầu thường khiến bé bị rụng tóc thành mảng, thành vùng, không nhất thiết là vùng tóc tiếp xúc nhiều với gối.
Tuy nhiên, ba mẹ đừng quá lo lắng nếu bé nhà mình bị rụng tóc vành khăn, bởi tình trạng này có thể dùng một vài mẹo để giúp cải thiện tình trạng được tốt hơn.
2. Cách cải thiện tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ
Một số cách giúp cải thiện tình trạng rụng tóc vành khăn của con có thể kể đến như:
- Bổ sung vitamin D cho bé: bằng cách sử dụng 800-1200 đơn vị/ ngày và có thể thêm 5ml canxi corbiere trong 2-3 tuần, đến khi tóc bé mọc trở lại. Bên cạnh đó, tắm nắng cũng là cách để cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D. Ba mẹ lưu ý nên cho trẻ tắm nắng lúc 9 giờ sáng, mỗi lần khoảng 15 – 20 phút nhé.
- Khi bé ngủ, ba mẹ cho bé nằm ngủ đúng tư thế, không nên để bé nằm ở một tư thế quá lâu, nên kích thích bé xoay người. Khi bé nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc lật úp không nên quá 2 tiếng.
- Khi gội đầu cho bé, ba mẹ cần đảm bảo dùng dầu gội riêng dành cho trẻ với độ tẩy nhẹ, không gây kích ứng da đầu và tóc. Khi gội, nên dùng nước ấm và gội thật nhẹ nhàng.
- Ba mẹ cũng có thể dùng một ít tinh dầu tự nhiên để massage, kích thích tóc bé phát triển tốt hơn.
- Cho bé ăn đủ chất. Thiếu chất, thiếu vi chất dinh dưỡng không đủ nuôi dưỡng tóc, khiến tóc trẻ ngày càng rụng. Đối với trẻ đang bú mẹ, mẹ hãy tăng cường cho bé bú nhiều lần trong ngày và mẹ cần ăn uống đủ chất để đảm bảo sữa nuôi con chất lượng.
- Nếu nghi ngờ nấm da đầu, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời
Đối với bé ăn dặm, khẩu phần ăn cần ưu tiên thực phẩm giàu sắt, kẽm và canxi.
Để biết chắc chắn trẻ bị rụng tóc vành khăn có phải do thiếu vitamin, bố mẹ cần phải đưa bé đi khám dinh dưỡng để tìm đúng nguyên nhân. Bên cạnh đó, bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như vitamin D, vitamin H, kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
Cha mẹ nên thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Trẻ trên 3 tháng tuổi bú ít có sao không?
- Thời gian tắm nắng cho bé mỗi lần bao lâu là đủ?
- Trẻ rụng tóc vành khăn có phải do thiếu chất không?