Mục lục
Lứa tuổi dậy thì có nhiều biến đổi rõ rệt cả về sinh lý và tâm lý. Những thay đổi phức tạp đó khiến trẻ ở tuổi dậy thì không làm chủ được bản thân, dễ bị khủng hoảng nên dẫn đến các bệnh tâm lý ở tuổi dậy thì. Trong đó, trầm cảm ở tuổi dậy thì là vấn đề tâm lý thường gặp nhất.
1. Khái niệm về trầm cảm tuổi dậy thì
Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh trong độ tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì là lứa tuổi có nhiều biến đổi rõ rệt cả về sinh lý và tâm lý. Tuy nhiên, những thay đổi bất thường về tính cách, hành vi theo hướng tiêu cực có thể là sự bắt đầu cho chứng trầm cảm ở tuổi dậy thì vô cùng nguy hiểm.
Trầm cảm ở tuổi dậy thì là một tình trạng rối loạn tâm thần ở mức độ khá trầm trọng. Trẻ bị trầm cảm sẽ thường xuyên buồn bã, cảm thấy chán nản, không còn hứng thú với các hoạt động bên ngoài, mất dần niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Nếu trầm cảm không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, bất ổn về hành vi, tâm lý, cảm xúc. Tất cả những tác động trên khiến trẻ không thể phát triển toàn diện được.
2. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở tuổi dậy thì
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tâm lý ở tuổi dậy thì như:
- Sự thay đổi nồng độ hormone của cơ thể ở tuổi dậy thì
Ở lứa tuổi dậy thì, nhất là từ 11 đến 14 tuổi có sự thay đổi nồng độ hormone bên trong cơ thể. Những hormone được sản xuất từ não và cơ quan sinh dục sẽ gây ảnh hưởng đến hành vi và tâm lý của trẻ. Điển hình, khi nồng độ hormone tuyến giáp hoặc cortisol thay đổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
- Áp lực học tập
Tuổi dậy thì nằm trong lứa tuổi đi học, trẻ sẽ chịu nhiều áp lực từ việc học tập và thi cử, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự kì vọng quá lớn của bố mẹ. Trẻ thường suy nghĩ nhiều và lo lắng về thành tích, điểm số. Từ đó trẻ sẽ bị căng thẳng, sợ hãi thậm chí chán nản, muốn bỏ học, suy nghĩ tiêu cực mỗi khi không đạt được điểm cao. Hậu quả là trẻ ngủ không ngon giấc, sức khỏe yếu đi và kết quả học tập càng giảm sút. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra trầm cảm ở học sinh.
- Gặp biến cố trong cuộc sống hoặc gia đình không hạnh phúc
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhận thức, cảm xúc, hành vi của trẻ. Do đó, nếu trẻ gặp phải biến cố trong cuộc sống hoặc gia đình không hạnh phúc, trẻ sẽ không nhận được sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ. Điều này sẽ tác động xấu đến tinh thần của trẻ, có thể dẫn đến trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt là trẻ em tuổi dậy thì – khi mà những biến đổi về thể chất và tâm lý cần được quan tâm nhất, gia đình không hạnh phúc là nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở tuổi dậy thì.
- Thiếu sự đồng cảm và chia sẻ
Tuổi dậy thì sẽ khiến cho trẻ dần thay đổi về ngoại hình, vóc dáng, suy nghĩ, hành vi, cảm xúc. Điều này sẽ gây ra cảm giác lo sợ nếu như trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ. Ngoài ra, việc trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia từ người thân, bạn bè cũng dẫn đến nhiều trở ngại tâm lý. Những áp lực về tâm lý nếu không được giải tỏa thì sẽ ngày nặng nề hơn, khiến trẻ mắc các bệnh tâm lý ở tuổi dậy thì như rối loạn cảm xúc (buồn vui thất thường, dễ cáu gắt, rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc hưng phấn thái quá); rối loạn hành vi (đứng ngồi không yên, có những hành vi bất thường ví dụ như bỏ nhà ra đi, thích gây hấn với người khác) và rối loạn tâm thần (lo âu, mất ngủ,...).
- Lối suy nghĩ tiêu cực
Những trẻ thường hay có suy nghĩ tiêu cực, luôn cảm thấy mọi việc khó khăn và không thể tự giải quyết các vấn đề của bản thân sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì.
- Bạo lực học đường
Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, nhất là đối với trẻ ở độ tuổi dậy thì. Hầu hết những trẻ bị bạo lực học đường có xu hướng tự chịu đựng, cảm giác uất ức và phẫn nộ nhưng không muốn chia sẻ với ai. Điều này khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, dần dẫn đến trầm cảm.
- Lạm dụng chất kích thích hoặc nghiện game
Lạm dụng chất kích thích hoặc nghiện game là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên.
3. Biểu hiện trầm cảm tuổi dậy thì
Trầm cảm ở lứa tuổi dậy thì là rối loạn tâm thần do những thay đổi từ nồng độ hormon trong cơ thể, áp lực từ học hành và sự kỳ vọng của bố mẹ, thiếu sự quan tâm chia sẻ hoặc do lạm dụng các chất kích thích..., khiến trẻ gặp nhiều khó khăn và không thích nghi kịp thời. Trẻ trầm cảm luôn thấy buồn chán, mệt mỏi, thờ ơ, mất ngủ, tự cô lập mình, không thích giao tiếp với ai. Lâu dần, trầm cảm gây tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, để giúp trẻ kiểm soát và điều trị tốt bệnh trầm cảm, trước hết các bậc phụ huynh cần biết rõ một số dấu hiệu thường gặp của bệnh trầm cảm để nhận biết kịp thời.
- Khí sắc trầm buồn
Trẻ mắc chứng trầm cảm ở tuổi dậy thì thường có khí sắc trầm buồn, ít nói, luôn thấy chán nản và không có năng lượng. Tình trạng này thường hay diễn ra và kéo dài suốt nhiều tuần mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đây chính là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì.
- Mất hứng thú với mọi thứ xung quanh
Trẻ bị trầm cảm sẽ không còn hứng thú với các hoạt động bên ngoài, kể cả những công việc hay trò chơi mà trẻ đã từng yêu thích trước đó. Thỉnh thoảng trẻ rơi vào trạng thái vô thức trong một thời gian ngắn. Lúc này trẻ có xu hướng sống thu mình lại, muốn cô lập bản thân và không muốn trò chuyện, giao tiếp với những người bên ngoài, kể cả là người thân trong gia đình. Trẻ sẽ có biểu hiện nhút nhát, rụt rè, lười vận động. Thay vào đó, trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu ngồi yên một chỗ, đặc biệt là những nơi thiếu ánh sáng.
- Dễ nổi giận vô cớ
Khi chịu nhiều áp lực và căng thẳng thường xuyên và kéo dài sẽ khiến cho trẻ dễ tức giận, mất khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ngay cả khi không xảy ra vấn đề gì hoặc đối với một sự việc rất bình thường cũng có thể làm cho trẻ cảm thấy khó chịu, nổi giận vô cớ. Đặc biệt, nếu cơn tức giận không thể được giải tỏa sẽ khiến trẻ có các hành động la hét, đập phá, thậm chí tự gây thương tổn cho bản thân và cả người xung quanh.
- Luôn cảm thấy bi quan
Tình trạng trầm cảm ở tuổi dậy thì làm trẻ cảm thấy bi quan, không có niềm tin vào cuộc sống và luôn xem mình chính là nạn nhân của tất cả mọi việc. Trẻ luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi, thậm chí còn cho rằng những người xung quanh đang thương hại mình. Chính vì vậy mà các trẻ bị trầm cảm thường muốn tránh né mọi người, tự cô lập mình, tự tạo một lớp màn bảo vệ cho bản thân để lánh xa khỏi thế giới bên ngoài.
- Khó tập trung và hay quên
Việc trẻ thường xuyên buồn bã, có suy nghĩ tiêu cực, tâm lý luôn bất ổn sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không thể tập trung vào bất kỳ điều gì, đặc biệt là việc học tập. Ngoài ra, trẻ trầm cảm còn có triệu chứng hay quên, trẻ không thể ghi nhớ được lượng lớn công việc và thường không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng nặng thêm đến sức khỏe mà còn làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm sút rõ rệt.
- Trẻ cảm thấy bản thân vô dụng
Những trẻ bị trầm cảm ở tuổi dậy thì thường cảm thấy thất vọng về chính mình, có cảm giác tội lỗi và tự giày vò bản thân. Trẻ tự nhận thấy mình không thể hoàn thành được bất cứ công việc gì, dù đó là việc nhỏ nhất, đơn giản nhất, từ đó trẻ không còn muốn thực hiện các công việc hàng ngày nữa. Nếu không thể kiểm soát tốt bất ổn tâm lý này sẽ làm cho trẻ dần mất đi niềm tin với bản thân, ngày càng căng thẳng, không có hi vọng vào tương lai dẫn đến kết quả học tập giảm sút, mất dần các mối quan hệ.
- Trạng thái chống đối, nổi loạn
Bệnh trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng khiến trẻ trở nên nổi loạn, không chịu lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ người khác. Trẻ sẽ có những hành vi chống đối, phản kháng lại bố mẹ, luôn trong trạng thái đề phòng và muốn xa lánh tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bản thân bị tấn công bởi lời nói, hành động hoặc cử chỉ thì trẻ sẽ ngừng tiếp nhận và có hiện tượng nổi loạn, la hét, đập phá, bỏ chạy.
- Nhạy cảm hơn với những lời nhận xét, phê bình
Trẻ khi bước vào độ tuổi dậy thì thường rất nhạy cảm với những lời nhận xét, góp ý hoặc chê bai từ người khác. Đặc biệt, những trẻ mắc bệnh trầm cảm còn cảm thấy mình bị xúc phạm khi bị bố mẹ hoặc người thân trong gia đình phê bình. Trẻ thường phản kháng lại bằng cách thể hiện sự bực tức, giận dữ hoặc im lặng bỏ đi. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến trẻ tự ti, cảm thấy bản thân không có giá trị.
- Nghĩ đến cái chết hoặc có hành vi tự sát
Nếu trẻ bị trầm cảm kéo dài và không được điều trị phù hợp sẽ dẫn đến việc trẻ bắt đầu xuất hiện suy nghĩ về cái chết, luôn muốn tự tử để giải thoát cho bản thân. Trẻ thường xuyên nghĩ đến việc tự tử, lên kế hoạch tự tử và thực hiện để giúp bản thân thoát khỏi những căng thẳng, khó chịu, cơn giận dữ.
4. Điều trị trầm cảm tuổi dậy thì
Tùy vào từng mức độ nặng của bệnh và biểu hiện của từng trẻ mà các chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn để chọn ra biện pháp điều trị thích hợp nhất. Để cải thiện tốt tình trạng bệnh, cần có sự kiên nhẫn và phối hợp của gia đình nhắm giúp trẻ tuân thủ đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị. Đối với trẻ mới mắc bệnh hoặc triệu chứng bệnh còn ở mức độ nhẹ thì trẻ sẽ được hướng dẫn để điều trị ngay tại nhà.
Nhìn chung, các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì như sau:
- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Chú ý bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe và não bộ. Đồng thời hạn chế cho trẻ ăn các món cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh và tránh xa các chất kích thích.
- Tập thói quen ăn uống đúng giờ, tuyệt đối không được bỏ bữa ăn để giúp cơ thể có sức khỏe ổn định.
- Ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Bạn nên đi ngủ trước 23 giờ và nên ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Đặt giường ngủ nơi có nhiều ánh sáng, chăn gối êm ái để giấc ngủ ngon hơn.
- Tập thể dục thể thao như bơi lội, chạy bộ, đạp xe đạp,...đều đặn mỗi ngày khoảng 30 phút để nâng cao sức khỏe. Vận động thể lực không chỉ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp hỗ trợ tinh thần thoải mái và lạc quan hơn.
- Yoga và thiền định là hai môn được khuyến khích luyện tập đối với những bệnh nhân trầm cảm vì giúp giảm bớt các áp lực, căng thẳng, tinh thần được thư giãn, bình ổn cảm xúc và cân bằng tâm trạng.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động giải trí vui chơi lành mạnh và bổ ích như ca hát, nhảy múa, vẽ tranh,... giúp trẻ mạnh dạn hơn, giao tiếp với trẻ khác để gia tăng các mối quan hệ cũng như cải thiện tinh thần.
- Không nên ép trẻ học tập quá sức. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý để dành thời gian cho nghỉ ngơi, thư giãn.
- Gia đình và bạn bè cần hỗ trợ, quan tâm, động viện và đồng hành cùng trẻ để giúp trẻ mau chóng hồi phục. Bố mẹ cần hiểu những tâm tư, nguyện vọng của trẻ.
- Dạy trẻ cách chia sẻ, tâm sự với những người xung quanh để giải tỏa áp lực, nỗi uất ức và tổn thương trong lòng.
- Không áp đặt mục tiêu quá cao, không phù hợp, sẽ gây áp lực cho trẻ, đồng thời khiến trẻ cảm thấy gò bó, bị kiểm soát quá mức.
- Trang bị đầy đủ kiến thức về tuổi dậy thì cho trẻ, để trẻ không gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình thay đổi và phát triển về ngoại hình, tính cách, tư duy.
Tóm lại, trầm cảm ở tuổi dậy thì là một tình trạng rối loạn tâm thần ở mức độ khá trầm trọng. Nếu trầm cảm không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, bất ổn về hành vi, tâm lý, cảm xúc. Tất cả những tác động trên khiến trẻ không thể phát triển toàn diện được. Vì vậy, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm.
- Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
- Thuốc Sulpirid 50mg trị bệnh gì?
- Thuốc Dogtapine trị bệnh gì?