Mục lục
Sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vô cùng nhanh chóng, thay đổi theo từng ngày. Do đó, cha mẹ cần phải có kiến thức “trẻ phát triển như thế nào là bình thường” để có cách chăm sóc phù hợp và đưa trẻ thăm khám kịp thời nếu có bất thường.
1. Tổng quan về sự tăng trưởng, phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trong vài tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh chỉ cần sữa mẹ hoặc sữa công thức để có nguồn dinh dưỡng thích hợp và đầy đủ. Do thể tích dạ dày nhỏ, các cữ bú của trẻ thường ít và chia rải rác trong ngày với số lượng tăng dần theo từng tuần.
Khi được 6 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi thẳng trên ghế cao và bắt đầu tỏ ra thích thú với thức ăn, cha mẹ có thể cho bé ăn dặm bằng thức ăn xay nhuyễn và ngũ cốc. Điều này đảm bảo trẻ sẽ được tăng cường chất sắt khi nguồn dự trữ sắt trong cơ thể dần cạn kiệt cũng như cần cung cấp thêm các chất cần thiết khác khi sữa không còn đầy đủ.
Mặc dù mỗi em bé đều khác nhau và sẽ phát triển theo tốc độ riêng của mình, trong năm đầu tiên, em bé sẽ thay đổi đáng kể trong năm lĩnh vực phát triển riêng biệt, bao gồm thể chất, nhận thức, cảm xúc và xã hội, ngôn ngữ, các kỹ năng cảm giác và vận động.
Với những đặc điểm giúp nhận biết trẻ phát triển như thế nào là bình thường được trình bày dưới đây, cách theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ, cha mẹ nên sớm phát hiện và tham vấn bác sĩ nhi khoa nếu có thắc mắc hoặc lo lắng con mình phát triển không bình thường.
2. Trẻ phát triển như thế nào là bình thường?
2.1. Sự phát triển về thể chất
Từ lúc sinh đến khi trẻ 4 tháng, trẻ phát triển khoảng 7,6 cm (3 inch) và tăng trung bình 2kg (4,5 pound) so với chiều dài và cân nặng khi chào đời. Chu vi vòng đầu của trẻ cũng tăng từ 0,6 đến 1,3cm (0,25 đến 0,5 inch) một tháng trong năm đầu tiên của cuộc đời. Khi được 6 tháng, trọng lượng của trẻ thường tăng gấp đôi so với khi mới sinh, trung bình tăng 15 đến 30 gam (0,5 oz đến 1 oz) mỗi ngày.
Sau đó, trẻ sơ sinh có thể bắt đầu lớn chậm lại trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, vào sinh nhật đầu tiên, các trẻ phát triển bình thường là cần có chiều dài tăng khoảng 25cm (10 inch) và trọng lượng của chúng tăng gấp 3 lần lúc sinh.
Ngoài ra, các bé cũng có thể bắt đầu mọc răng sữa ở độ tuổi này, với chiếc răng đầu tiên mọc trong khoảng thời gian từ 4 đến 18 tháng.
2.2. Trẻ phát triển như thế nào là bình thường về nhận thức
Trong khi khả năng nhận thức và giác quan của trẻ phát triển, khả năng tương tác với mọi người và môi trường xung quanh cũng tăng lên.
Bắt đầu từ khoảng 1-2 tháng tuổi, trẻ sơ sinh sẽ quay đầu về một phía và quan tâm đến các đồ vật cũng như con người. Sau 3 tháng, sự quan tâm này phát triển thành khả năng dự đoán những điều quen thuộc và biết cách phản ứng với chúng.
Trong tháng thứ 4 của cuộc đời, thị giác của bé sẽ cải thiện và hầu hết có thể liên kết các giác quan thị giác, vị giác, thính giác và xúc giác với nhau để tạo thành một bản sắc của một đồ vật hoặc con người, được gọi là tích hợp các giác quan.
Từ 6-9 tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu nhận ra những cảnh vật, âm thanh và những động chạm quen thuộc đó. Trẻ cũng có thể hiểu rõ hơn về sự vắng mặt và tạo ra ký ức, một kỹ năng được gọi là tính vĩnh viễn của vật thể.
Sau khi hiểu rõ hơn về những gì quen thuộc, trẻ 9 - 12 tháng tuổi trở nên có xu hướng quan sát người khác và biết khám phá các đồ vật và môi trường xung quanh. Tính cách, sự tò mò và cảm xúc của trẻ sẽ trở nên rõ ràng hơn trong độ tuổi này.
2.3. Sự phát triển về tâm lý, tình cảm và xã hội
Khi trẻ 1 tháng tuổi bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình tốt hơn (thường là bằng khả năng cảnh giác, đôi mắt mở to và miệng tròn), mối quan hệ giữa cha mẹ và em bé cũng bắt đầu được củng cố. Trẻ quan sát và học được cách cười, cùng với giao tiếp bằng mắt và cử động cánh tay, bàn tay. Ngay từ 2-4 tháng, trẻ sơ sinh sẽ phát triển gắn bó với những người chăm sóc quen thuộc.
Khi được 4 - 6 tháng tuổi, trẻ trở nên hòa đồng hơn và nét mặt của chúng lúc này có thể dễ dàng biểu lộ cảm xúc, chẳng hạn như tức giận và hạnh phúc, lo lắng khi mẹ vắng mặt. Trẻ có thể khóc, quay đi hoặc trở nên khó chịu khi bị tách khỏi những người chăm sóc, được gọi là lo lắng chia ly hoặc tỏ ra khó chịu khi ở gần người lạ, được gọi là lo lắng về người lạ.
Đến sinh nhật đầu tiên hay khoảng 9-12 tháng, sự lo lắng về sự chia ly hay lo lắng về người lạ có thể giảm xuống và trẻ cũng ngày càng thể hiện sự ưa thích và tình cảm với người chăm sóc thân thuộc. Tính cách độc lập cũng tăng lên khi bé có thể bắt đầu khám phá nhiều hơn bằng cách bò trườn hoặc thậm chí đi lại.
2.4. Sự phát triển về ngôn ngữ
Mặc dù trẻ sơ sinh thường chưa học nói hoàn toàn trong năm đầu đời, sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ đã khởi động rất sớm, cho phép chúng hiểu và giao tiếp với người khác. Mặc dù chưa hiểu những gì đang nghe thấy, khoảng 1 tháng tuổi, trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể nhận biết ra giọng nói nhẹ nhàng, quen thuộc, đặc biệt là giọng nói của cha mẹ.
Từ 3-6 tuần, trẻ bắt đầu sử dụng một số tiếng kêu nhất định để thể hiện các nhu cầu khác nhau, chẳng hạn như đói hoặc buồn ngủ, thậm chí biết quấy khóc để đạt được mong muốn của mình đây đều là những dấu hiệu sự phát triển của trẻ sơ sinh bình thường. Hơn nữa, trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh cũng có thể quan sát miệng nói của người đối diện và phản ứng lại. Khoảng 5 tháng, trẻ sơ sinh bắt đầu bập bẹ hoặc lặp lại âm thanh để chú ý và trẻ thậm chí có thể bắt đầu nhận ra tên của mình khi được gọi.
Từ 6-9 tháng, trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu bắt chước âm thanh và nhịp điệu của lời nói. Trẻ có thể vẫn bập bẹ giao tiếp nhưng đã có thể nhận ra ý nghĩa của từ “không” trước các đòi hỏi của mình, biết phản ứng lại khi được yêu cầu “vẫy tay tạm biệt” cũng như bắt đầu hiểu các lệnh đơn giản.
Trẻ phát triển bình thường là cho đến khi 1 tuổi, phần lớn sẽ bập bẹ được từ “mama” và “dada”. Ngoài ra, từ ở độ tuổi này trở đi, trẻ sẽ hiểu được nhiều từ hơn, có xu hướng nói lung tung với phát âm không rõ ràng nhưng giọng điệu là bắt chước một cuộc trò chuyện thực thụ.
2.5. Sự phát triển về các giác quan và vận động
Khi các cơ bắt đầu tăng cường trong tháng đầu tiên, hầu hết trẻ sơ sinh có thể nâng đầu lên trong một thời gian ngắn khi nằm sấp. Các cử động chân tay khác vào thời điểm này có thể là do phản xạ của trẻ sơ sinh, chẳng hạn như phản xạ giật mình, khi trẻ giơ tay ra và dang rộng các ngón tay khi đối mặt với một tiếng động lớn hoặc bất ngờ. Những phản xạ này bắt đầu mất dần sau 6 tuần tuổi.
Khi trẻ 3 tháng, trẻ sẽ kiểm soát đầu tốt hơn và bắt đầu tỏ ra thích thú với bàn tay của mình. Trẻ học được cách cố ý nắm chặt ngón tay của người khác như một cách để thu hút sự chú ý. Khoảng 4 tháng, sự kiểm soát và thăng bằng của đầu, cổ và thân sẽ cho phép trẻ bắt đầu lăn lộn, chuyển sang lật hay nằm sấp.
Khi được 4 tháng tuổi, dù vẫn chưa vững, trẻ sơ sinh có thể ngồi đưa tay ra phía trước để giữ thăng bằng trong tư thế kiềng ba chân. Tuy nhiên, từ 6-9 tháng, sự phối hợp giữa chân và thân mình đã được cải thiện, cho phép trẻ ngồi, bò và đôi khi thậm chí có thể tự kéo thân mình lên để đứng dậy. Khi được 7 tháng, khả năng thị giác của trẻ hay tầm nhìn đã phát triển gần như tương đương với mắt của người trưởng thành.
Khi đến gần sinh nhật đầu tiên, việc kiểm soát bàn tay và ngón tay nhiều hơn cho phép trẻ cầm nắm đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ tốt hơn thay vì cả lòng bàn tay. Để học hỏi và tiếp xúc bằng tất cả các giác quan, trẻ có xu hướng đưa đồ vật vào miệng để nhai và nếm chúng. Đây là thời điểm lý tưởng cho cha mẹ tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy.
Đến khi trẻ có thể đi lại một cách độc lập, trẻ biết vịn vào đồ đạc để “du ngoạn” quanh phòng. Lúc này, cha mẹ phải đảm bảo cố định mọi vật nặng có thể bị trẻ kéo ngã, chẳng hạn như tủ sách và tủ đựng quần áo, đồng thời di chuyển mọi vật có khả năng gây hại ra xa tầm tay của trẻ.
Tóm lại, sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có tốc độ thay đổi nhiều hơn trong năm đầu đời so với bất kỳ thời điểm nào, khiến cha mẹ cảm thấy việc chăm con vô cùng thú vị và đôi khi căng thẳng. Trong thời gian này, cha mẹ hãy nhớ đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ nhi khoa, đảm bảo trẻ phát triển bình thường toàn diện.
- Các loại hạt dinh dưỡng cho bé
- Cách nấu cháo tôm cho bé lười ăn
- Trẻ 3 tháng thóp cứng có ảnh hưởng gì?