Mục lục
Táo bón thường không phải là điều đáng lo ngại ở trẻ em, nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ bị táo bón 3 ngày trở lên hoặc kéo dài hơn 2 tuần kèm giảm cân, sốt, nôn mửa,... bạn nên cho con đi khám ngay.
1. Trẻ em táo bón được hiểu như thế nào?
Nếu con bạn gặp khó khăn khi đi đại tiện, đó có thể là dấu hiệu cơ bản của táo bón. Có 3 giai đoạn có nhiều khả năng gây táo bón ở trẻ nhất đó là:
- Ở trẻ sơ sinh: Khi cha mẹ chuyển cho trẻ từ sữa bột sang ăn bột
- Ở trẻ mới biết đi: Khi việc huấn luyện đi vệ sinh lần đầu tiên bắt đầu
- Ở trẻ lớn hơn: Vào khoảng thời gian chúng bắt đầu đi học
Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón ở trẻ, cụ thể:
- Con bạn có thể bỏ qua nhu cầu đi tiêu vì chúng quá mải chơi hoặc không thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
- Chế độ ăn ít chất xơ: Chất xơ giúp ruột vận động, nhưng nhiều trẻ không ăn đủ trái cây, rau và ngũ cốc.
- Không đủ chất lỏng: Nước và các chất lỏng khác giúp chất xơ thực hiện công việc của nó.
- Thuốc men: Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc giảm đau và thuốc kháng axit, có thể gây táo bón ở trẻ em.
Do đó, khi có những dấu hiệu của táo bón, cha mẹ cần chú ý và có những biện pháp khắc phục giúp bé thuyên giảm.
2. Các dấu hiệu khi trẻ nhỏ bị táo bón
Con bạn có thể bị táo bón nếu chúng có bất kỳ triệu chứng sau đây:
- Đau bụng
- Ít hơn 3 lần đi tiêu mỗi tuần đối với trẻ em
- Con bạn cố gắng giữ phân: Các dấu hiệu bao gồm quay mặt, bắt chéo chân hoặc vặn người.
- Phân khô đặc khó đi
- Vết bẩn và vết phân nhỏ trong quần lót của con bạn
- Đại tiện có máu: Trẻ bị táo bón ra máu có thể là dấu hiệu nứt hậu môn, cần được điều trị nhanh chóng.
3. Trẻ bị táo bón 3 ngày trở lên có nên đi khám không?
Táo bón thường không phải là điều đáng lo ngại ở trẻ em, nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ bị táo bón 3 ngày trở lên hoặc kéo dài hơn 2 tuần kèm theo các dấu hiệu sau đây, bạn nên cho con đi khám ngay:
- Sưng ở bụng
- Giảm cân
- Trẻ bị táo bón ra máu
- Sốt
- Nôn mửa
- Chảy máu quanh vùng hậu môn
Nếu tình trạng trẻ táo bón kéo dài nghiêm trọng, bác sĩ nhi khoa có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân:
- Chụp Xquang bụng: Đây là một lần chụp X-quang bình thường để kiểm tra sự tắc nghẽn. Nó được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán táo bón.
- X-quang thụt bari: Ruột được phủ một lớp thuốc nhuộm để mọi vấn đề trong trực tràng, ruột kết hoặc ruột non sẽ được nhìn thấy rõ ràng trên phim chụp X-quang. Điều này không thường được thực hiện.
- Sinh thiết trực tràng: Một mẫu mô rất nhỏ được lấy để kiểm tra các tế bào thần kinh bất thường trong trực tràng. Hiếm khi cần đến thủ tục này.
4. Một số lưu ý khi trẻ bị táo bón
Khi trẻ bị táo bón kéo dài, người chăm sóc trẻ hãy lưu ý một số vấn đề sau:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ cho trẻ: Trái cây, rau (khuyến nghị trẻ em nên ăn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày để có sức khỏe tổng thể, giúp ngăn ngừa táo bón) và ngũ cốc nguyên hạt có thể cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ.
- Cho trẻ uống thêm nước: Nếu trẻ không uống nhiều chất lỏng, phân sẽ cứng hơn trước khi đến đại tràng và công việc của đại tràng là đưa nước ra khỏi phân. Do đó, trẻ bị táo bón kéo dài thì cha mẹ cần bổ sung thêm nước cho trẻ.
- Xem lượng sữa của trẻ: Uống nhiều sữa có thể dẫn đến táo bón ở một số trẻ. Nó cũng có thể dẫn đến thiếu máu và khiến trẻ ít đói. Vì vậy, trẻ từ 1 - 8 tuổi nên uống khoảng 2 cốc sữa mỗi ngày và trẻ lớn hơn khoảng 3 cốc (những trẻ đang phát triển xương).
- Dạy trẻ tự đi vệ sinh: Như đã nói ở trên, công việc của đại tràng là đưa nước ra khỏi phân, vì vậy phân càng ở lâu trong đại tràng sẽ càng cứng và khó tống ra ngoài hơn. Những trẻ bị đau khi đi đại tiện lại càng muốn tránh đi vệ sinh, nhưng điều này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, để tập cho trẻ tự đi vệ sinh, bạn có thể cho trẻ ngồi một lúc sau mỗi bữa ăn, đó là thời điểm cơ thể dễ đi tiêu nhất.
- Dùng thuốc: Có nhiều loại thuốc khác nhau giúp trị táo bón. Một số, như polyethylene glycol, hoạt động bằng cách kéo thêm nước vào phân và làm cho phân mềm hơn. Đôi khi, việc sử dụng thuốc đạn glycerin có thể giúp kích thích sự di chuyển của phân. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được sự kê đơn của bác sĩ, không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc điều trị táo bón.
Ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập thói quen đại tiện cho trẻ,... trẻ cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
- Táo bón ở trẻ em dưới 1 tuổi
- Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?
- Táo bón ở trẻ sơ sinh 2 tháng