Mục lục
Trẻ sốt do ốm vặt cần được bác sĩ thăm khám kĩ càng và có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ. Tình trạng trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt dễ gây sụt cân và thậm chí là suy dinh dưỡng. Khi đó chế độ ăn uống của trẻ cần được thay đổi cả về chất lượng món ăn và thời gian mỗi bữa ăn.
1. Nguyên nhân khiến trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt, ốm vặt
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, bản thân các bệnh lý trẻ mắc phải vừa ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa, vừa tác động không tốt đến cảm giác thèm ăn và tổng trạng chung của bé. Sau khi khỏi bệnh, sức khỏe cơ bản của bé vẫn chưa hồi phục về trạng thái bình thường, đồng thời sự suy giảm thể lực kết hợp với tình trạng mệt mỏi do tiêu tốn quá nhiều năng lượng để chống lại bệnh tật sẽ dẫn đến hệ quả chung là trẻ chán ăn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc trong quá trình trị bệnh, trong đó quan trọng nhất là các loại kháng sinh đã tiêu diệt quần thể lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột trầm trọng, từ đó khả năng tiêu hóa thức ăn, hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng cũng kém đi. Đây được xem là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt do bệnh tật.
Đồng thời sau khi trải qua giai đoạn ốm vặt, hệ thống đề kháng miễn dịch của bé ít nhiều vẫn sẽ bị ảnh hưởng kết hợp với cơ thể mệt mỏi, cảm giác vị giác chưa phục hồi khiến đa số trẻ chán ăn.
Nếu những tình trạng trên vẫn không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến vòng xoắn bất thường luẩn quẩn là cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, trẻ trở nên gầy yếu và từ đó nguy cơ tái phát bệnh cao lên. Khi đó tình trạng trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt lại diễn ra và tiếp nối theo vòng xoắn tương tự, nếu kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất. Do đó, cha mẹ cần quan tâm, cố gắng tìm ra giải pháp can thiệp thích hợp và kịp thời để cải thiện tình trạng trẻ chán ăn mệt mỏi sau khi khỏi ốm.
2. Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ chán ăn sau ốm
Khi chăm sóc trẻ chán ăn mệt mỏi sau khi khỏi bệnh, điều đầu tiên cha mẹ cần chú ý chính là sở thích ăn uống và nên tôn trọng lựa chọn món ăn của con. Cha mẹ không nên có tâm lý xót con, muốn con ăn đầy đủ mà bằng mọi cách để ép trẻ ăn theo ý của mình.
Sau thời gian ốm vặt, cơ thể trẻ cần có thời gian để hồi phục hoàn toàn, trong đó quan trọng nhất chính là cảm giác vị giác. Thông thường thời gian để trẻ lấy lại cảm giác ngon miệng, thích thú với các món ăn là khoảng 1 đến 2 tuần sau ốm. Sau thời gian này, nhiều trẻ bắt đầu ăn nhiều hơn, ăn bù so với giai đoạn trước đó để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Vấn đề cha mẹ cần quan tâm trong giai đoạn mới khỏi bệnh là cố gắng duy trì quy tắc bàn ăn, cho trẻ ăn theo sở thích nhưng phải đúng bữa, đúng cữ.
Dù mắc bệnh lý ở cơ quan nào thì sau khi khỏi bệnh, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa thể ổn định. Do đó cha mẹ cần ưu tiên cho con ăn những món ăn chế biến dạng lỏng hoặc mềm. Để hạn chế tối đa vòng xoắn trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt, cha mẹ cần chế biến các bữa ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, trong đó phải bao gồm chất đạm, vitamin và khoáng chất từ thịt, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả tươi hay nước ép hoa quả... Đồng thời nên hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường hay các loại nước ngọt đóng chai...
Để tránh tình trạng trẻ chán ăn và suy dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho bé 2 bữa ăn thêm mỗi tuần và kéo dài trong 2 tuần liên tiếp. Trường hợp trước đó trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì mỗi ngày nên bổ sung thêm 1 bữa ăn và kéo dài tối thiểu 1 tháng.
Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ vẫn còn mệt mỏi, suy yếu nên đa số chưa sẵn sàng cho một lượng lớn thực phẩm. Do đó cha mẹ không nên quá nôn nóng và ép buộc trẻ ăn quá nhiều mỗi buổi, thay vào đó hãy chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Mỗi ngày có thể cho bé ăn từ 6 đến 7 bữa. Đến giai đoạn cơ thể đã có dấu hiệu hồi phục, cha mẹ có thể tăng dần độ đặc các món ăn và số lượng thức ăn mỗi bữa, đến khi trẻ hoàn toàn khỏe hẳn thì quay về với chế độ ăn uống bình thường.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để hạn chế việc trẻ chán ăn mệt mỏi giai đoạn mới khỏi bệnh, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bổ sung một số chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ tăng cường khả năng tiêu hóa như nhóm men tiêu hóa, các chủng lợi khuẩn, đồng thời bổ sung những vi chất kích thích cảm giác ngon miệng và thèm ăn như vitamin B1, lysine, kẽm...
Khi chức năng đường tiêu hóa được tăng cường, quá trình tiêu thụ thức ăn, tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng sẽ diễn ra ổn định và suôn sẻ hơn, từ đó cải thiện việc trẻ chán ăn mệt mỏi hiệu quả. Đồng thời, hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tăng cường đề kháng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và lấy đà tăng trưởng mạnh hơn về sau.
3. Những dấu hiệu bé mệt cần cho đi khám ngay
Trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt có thể khiến bệnh tái phát trở lại. Do đó, cha mẹ cần chú ý nếu bé có những dấu hiệu sau đây cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
Sổ mũi, chảy nước mũi: Nếu trẻ xuất hiện hiện tượng chảy nước mũi nhiều thì cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay. Sổ mũi có thể là một dấu hiệu khởi phát cho tình trạng viêm đường hô hấp trên hay viêm họng. Tuy nhiên, sổ mũi còn có thể là dấu hiệu của viêm tai giữa, một bệnh lý hay gặp nhưng thường phát hiện muộn và có thể gây biến chứng nghiêm trọng như điếc vĩnh viễn hoặc viêm màng não;
Quấy khóc bất thường: Trẻ chán ăn mệt mỏi có thể do cơ thể chưa phục hồi nhưng khi bé đột nhiên quấy khóc vô cớ, cha mẹ không thể dỗ được hoặc nghiêm trọng hơn là bé khóc nhưng cảm giác yếu ớt thì có thể bé đã bị ốm trở lại;
Bỏ ăn, bỏ bú: Sau thời gian bệnh tật trẻ chán ăn, bỏ bú có thể dễ giải thích. Tuy nhiên nếu con không ăn uống gì hay bỏ bú hoàn toàn có thể là một dấu hiệu nguy hiểm và cần được bác sĩ can thiệp.
Cha mẹ có thể bổ sung thêm các vi chất cần thiết cho trẻ mệt mỏi chán ăn sau sốt
như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
- Trẻ hay ốm vặt có phải do sức đề kháng kém?
- Bữa ăn kéo dài quá 30' - Coi chừng trẻ càng biếng ăn
- Cai sữa cho bé: Mọi thứ bạn cần biết về giai đoạn này