Mục lục
Trẻ có thể gặp tình trạng nháy mắt một cách không chủ ý và hầu hết sẽ là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, trẻ hay nháy mắt liên tục và thái quá kèm theo mệt mỏi, bồn chồn... thì có thể là dấu hiệu cảnh báo liên quan đến sức khoẻ. Do vậy đưa trẻ đi khám là điều mà phụ huynh nên làm.
1. Hiện tượng trẻ hay nháy mắt là do đâu?
Bình thường mỗi phút sẽ nháy mắt khoảng 12 lần và nháy trong 0,5 giây một lần. Nháy mắt xảy ra với các cử động không có chủ ý thường xảy ra cả ở hai bên mắt do các cơ thắt của cơ dưới sa mi hoặc cơ vòng mi phần trước sụn hay cung mày của mắt. Khi nháy mắt xảy ra liên tục và bất ngờ trong vài giây hoặc có thể kéo dài tới vài phút thì nháy mắt có thể khiến cho vùng cơ mặt cũng bị co giật theo.
Bản thân nháy mắt không hoàn toàn đáng lo ngại. Bởi vì đôi lúc nháy mắt có những tác dụng tích cực với cơ thể, chẳng hạn như khi mắt phải hoạt động quá lâu và gây mệt mỏi hoặc các tác động bất ngờ từ bên ngoài môi trường vào các sợi cơ vòng trong mí mắt thì hiện tượng nháy mắt sẽ diễn ra do co cơ. Dù mắt có thể nháy hoặc chớp diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng 1/10 giây nhưng lại có tác dụng giúp làm giảm căng tức ở mắt, tránh được tình trạng mắt khô và loại bỏ hạt bụi vướng vào mắt...
Một số trường hợp liên quan đến nháy mắt ở trẻ em bao gồm:
- Trẻ hay nháy mắt có thể do cơ thể bị mệt mỏi, giấc ngủ không đảm bảo. Sau một đêm mất ngủ hoặc có dấu hiệu mất ngủ triền miên thì tình trạng nháy mắt có thể xuất hiện.
- Căng thẳng thần kinh: Những trường hợp khiến cho trẻ bị căng thẳng thần kinh, stress có thể gây nên tình trạng co giật mắt không chủ ý hoặc một vài yếu tố tâm lý, đặc biệt ở những trẻ từ 4 đến 7 tuổi khi cần được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ thì có thể dẫn đến tình trạng nháy mắt thái quá ở trẻ.
- Thiếu máu khiến cho cơ thể suy nhược và cũng có thể gây nên tình trạng nháy mắt ở trẻ.
- Trẻ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, mỏi điều tiết, viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc... sẽ gây nên tình trạng đau mỏi mắt hoặc nhức mắt và sẽ xuất hiện nháy mắt liên tục.
- Những trẻ nháy mắt nhiều có thể liên quan đến trường hợp động kinh và đây cũng được coi như một trong số những hình thái cơn động kinh nhỏ hoặc bị tổn thương dây thần kinh liên quan đến mắt như dây thần kinh số V, VII hoặc có thể liên quan đến các bệnh như loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt hoặc zona mắt...
- Những trường hợp trẻ mắc bệnh gây nên tình trạng thoái hóa nơron thần kinh như các hội chứng Parkinson, hội chứng Wilson,... cũng khiến trẻ hay nháy mắt.
- Do những thói quen xấu như không đeo kính bảo vệ trước ánh nắng mặt trời, mang kính sai đơn thuốc, sử dụng máy tính, điện thoại quá lâu mà không cho mắt nghỉ ngơi thư giãn...
Trẻ nháy mắt nhiều có thể do các vấn đề của giác mạc như khô mắt, quặm mi, lông mi đa hàng hoặc có chứa dị vật trên bề mặt nhãn cầu, xước giác mạc, viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm kết mạc thông thường. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ đi khám để chẩn đoán chính xác.
2. Chẩn đoán nháy mắt ở trẻ
Thực hiện khám bề mặt nhãn cầu bằng sinh hiển vi phóng đại và được chiếu sáng tốt để có khả năng tìm ra các tổn thương của giác mạc hoặc phần trước của nhãn cầu. Với trường hợp lác thì đa phần khám sẽ đơn giản nhưng một số bệnh nhi có độ lác nhỏ hay còn gọi vi lác hoặc lác có lúc xuất hiện lúc không, bác sĩ sẽ phải dùng các khám nghiệm đặc biệt như khám vận nhãn để có thể tìm ra các khiếm khuyết của tình trạng này.
3. Điều trị tình trạng nháy mắt liên tục ở trẻ
Với mỗi tình trạng nháy mắt nhất định sẽ có phương pháp điều trị phù hợp:
- Nếu trong mắt có dị vật hoặc quặm mi, bác sĩ cần thực hiện loại bỏ dị vật, lông quặm hay lông xiêu ra khỏi mắt.
- Nếu mắt bị viêm kết mạc, viêm kết mạc dị ứng hoặc khô mắt thì bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng thuốc không kê đơn hoặc sử dụng thuốc tra mắt để giảm thiểu tình trạng này.
- Khi trẻ bị xước giác mạc có thể sử dụng băng che mức nhằm giảm bớt việc chớp mắt, đồng thời để cho vết thương mau lành hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn phải được tra hoặc nhỏ thêm thuốc nước hay thuốc mỡ kháng sinh, bôi trơn làm ẩm bề mặt nhãn cầu.
- Nếu trẻ bị tật khúc xạ mà kèm theo tình trạng nháy mắt thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ để có thể kê đơn phù hợp.
- Nếu trẻ bị lác và nháy mắt thì có thể được bác sĩ kê đơn kính thuốc để hạn chế tình trạng này, trong một số trường hợp thì trẻ sẽ phải phẫu thuật.
- Nếu trẻ bị nháy mắt do thói quen thì có thể không cần điều trị cho nhóm này vì có thể sau vài tháng tình trạng này sẽ tự biến mất. Trong một vài trường hợp trẻ có thể bị nháy mắt nặng do stress hoặc do tác dụng phụ khi điều trị các loại thuốc tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHA).
Việc điều trị nháy mắt cùng kết hợp với dùng thuốc và nghỉ ngơi và tâm lý trị liệu có thể khiến cho tình trạng nháy mắt thuyên giảm và dần mất đi.
4. Một vài biện pháp giúp phòng ngừa nháy mắt liên tục
- Trẻ nên được ngủ đủ giấc và thời gian ngủ nên được thực hiện theo từng độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của trẻ giúp trẻ cảm thấy thoải mái sau mỗi giấc ngủ.
- Không nên cho trẻ sử dụng các loại chất kích thích như chè, cà phê,... có thể làm cho tình trạng nháy mắt của trẻ sẽ diễn ra với tần suất nhiều hơn.
- Hạn chế trẻ sử dụng các loại thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính... bởi vì khi trẻ nhìn nhiều vào các loại màn hình này sẽ khiến cho mắt của trẻ phải làm việc quá tải cũng gây ra tình trạng nháy mắt.
- Nếu trẻ có dấu hiện của thiếu máu hoặc viêm kết mạc hay các bệnh liên quan đến tổn thương dây thần kinh số V, cần cho trẻ đi điều trị tích cực để hạn chế tình trạng.
- Nếu trẻ mắc các tật khúc xạ thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám mắt định kỳ và sử dụng kính theo đúng quy định của bác sĩ.
Nháy mắt theo thói quen hay nháy mắt không có chủ ý tái diễn ở mức độ bệnh thường thì chỉ là hoạt động sinh lý. Tuy nhiên, nếu trường hợp nháy mắt diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ kèm theo các triệu chứng liên quan đến thể trạng mệt mỏi, bồn chồn, hoảng sợ thì lúc này cần cho trẻ đi khám để xác định rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này.
- Viêm màng bồ đào không nhiễm trùng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Helicobacter pylori và viêm màng bồ đào trước
- Nguy cơ viêm màng bồ đào gây mờ mắt do bệnh vảy nến