Khi trẻ được 3 tuổi, sẽ bước vào giai đoạn khô ráo, đa số sẽ hết đái dầm ở giai đoạn này. Hành vi đái dầm của trẻ từ 3 - 5 tuổi có thể tạm chấp nhận, bởi trẻ có thể chưa phát triển hoàn thiện về thần kinh, phản xạ chưa được thiết lập đầy đủ. Nhưng khi trên 5 tuổi mà trẻ hay đái dầm bạn cần đưa trẻ đi khám.
1. Nguyên nhân trẻ hay đái dầm khi ngủ
Đái dầm ở trẻ có hai loại:
- Đái dầm tiền phát: Là tình trạng đái dầm diễn ra từ nhỏ, tiếp tục kéo dài đến sau 5 tuổi không hết.
- Đái dầm thứ phát: Là tình trạng trẻ đã khỏi đái dầm ở giai đoạn khô ráo (ba tuổi) nhưng đến 6 - 7 tuổi thì trẻ lại bị đái dầm.
Nguyên nhân gây đái dầm tiên phát là do trẻ không thiết lập được phản xạ đi tiểu, hoặc quá trình thiết lập phản xạ không tốt. Bình thường, bàng quang khi đầy sẽ kích thích não và trẻ sẽ dậy đi tiểu. Nhưng với những đứa trẻ không thiết lập được phản xạ này vẫn tiếp tục đái dầm. Cũng có trẻ hay đái dầm khi ngủ là do bàng quang không trưởng thành, đây là một dạng của rối loạn bài tiết.
Đái dầm thứ phát thường là một triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau, thường có liên quan đến viêm đường tiết niệu như viêm bàng quang và bệnh về tâm lý.
Nguyên nhân thường gặp gây đái dầm ở trẻ em gồm có:
- Di truyền: Nếu bố hoặc mẹ thuở nhỏ bị đái dầm thì 40% con cái cũng sẽ mắc bệnh này. Nếu như cả bố và mẹ đều từng bị đái dầm lúc nhỏ thì nguy cơ trẻ đái dầm khi ngủ lên tới 70% - 75%.
- Rối loạn giấc ngủ: Trẻ em có thể ngủ mơ đã đi tiểu ở ngoài mà không ý thức được rằng mình đang đái dầm trên giường.
- Trẻ chậm phát triển hệ thần kinh trung ương: Điều này khiến cho não bộ của trẻ không nhận được thông báo khi bàng quang đầy, làm cho quá trình tiểu tiện diễn ra tự động.
- Rối loạn nội tiết, tiểu đường, nghẹt đường tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu,...
- Dị dạng bàng quang, bàng quang không trưởng thành có dung tích quá nhỏ, không kiểm soát được hoạt động của ống dẫn tiểu hay của chính bàng quang.
- Đái dầm do trẻ quá căng thẳng: Chứng đái dầm ở trẻ em tuổi học đường (trên 5 tuổi) hay gặp nhất là dạng tiền phát, chủ yếu do yếu tố tâm lý. Áp lực từ bố mẹ, hoặc học tập căng thẳng... có thể khiến trẻ lo lắng, dẫn tới loạn tâm lý và đái dầm.
- Đôi khi do thay đổi môi trường học (như chuyển từ mẫu giáo lên lớp một), trẻ chưa thể thích nghi ngay được, dẫn đến tình trạng lo lắng, sợ sệt, bị bạn bè bắt nạt... và gây ra tình trạng đái dầm.
- Trẻ trên 5 tuổi vẫn hay đái dầm cũng có thể do không được chăm sóc, hay bị chú ý quá mức, bị căng thẳng, buồn rầu, trẻ không thích chơi với những trẻ khác. Tâm tính của trẻ sẽ trở nên bất thường, khó chịu vì cảm thấy mình không kiểm thể soát được chính mình. Chính điều này lại tác động ngược trở lại tâm lý trẻ, khiến cho trẻ càng căng thẳng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó khắc phục.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên đánh mắng, chế giễu, hạ thấp trẻ vì căn bệnh này. Bản thân trẻ không muốn tình trạng này xảy ra và vốn trẻ đã rất xấu hổ, mặc cảm. Nếu trẻ bị đánh hoặc mắng, thì bé sẽ vừa lo lắng về chuyện đái dầm, vừa sợ bố mẹ nên trẻ càng mất tự tin, căng thẳng, càng khó điều trị.
Bạn cần phải nhớ rằng đái dầm là một vấn đề sức khỏe mà bé không thể tự giải quyết được, vì vậy việc bạn mắng nhiếc, trách móc không đem lại lợi ích gì. Thay vì làm như vậy, bạn nên động viên trẻ, khuyến khích trẻ, giúp bé tự tin tập luyện theo liệu pháp tâm lý mà bác sĩ hướng dẫn.
2. Cách chữa trẻ hay đái dầm
Nếu trẻ sau 5 tuổi vẫn đái dầm với mức độ ít, tức là mỗi tháng hay vài tháng một lần thì không sao, còn nếu tần suất đái dầm nhiều, như mỗi tuần, mỗi ngày thì bạn nên đưa trẻ đi khám vì ba mục đích:
- Thứ nhất là để tìm nguyên nhân khiến trẻ hay đái dầm.
- Thứ hai là để kiểm tra xem trẻ có phát triển bình thường về tâm vận động không.
- Thứ ba là để tìm hiểu xem có yếu tố tâm lý dẫn đến hiện tượng trẻ đái dầm khi ngủ hay không.
Dựa vào mỗi nguyên nhân khiến trẻ đái dầm, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu trẻ đái dầm là triệu chứng của một bệnh cơ thể nào đó thì chỉ cần điều trị dứt điểm căn bệnh đó thì tự nhiên trẻ cũng sẽ hết đái dầm. Những trường hợp đái dầm do tâm lý thì cần được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.
- Trước khi đưa trẻ đi khám bệnh, bạn cần động viên, an ủi, thể hiện tình cảm với trẻ để trẻ không bị mặc cảm, không bị căng thẳng thần kinh làm cho bệnh nặng thêm. Tránh việc quát mắng trẻ, đổ lỗi cho trẻ gây ảnh hưởng đến bạn bởi phải giặt giũ quần áo do trẻ đái dầm ra.
- Bạn cần kiên trì nhắc nhở trẻ đi tiểu vào thời điểm trẻ hay đái dầm, tốt nhất bạn nên đặt chuông báo thức và chịu khó đánh thức trẻ dậy đi tiểu.
- Luôn nhắc nhở trẻ vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài để tránh bị viêm nhiễm đường tiết niệu, đặc biệt là với trẻ em gái. Bởi vì ở trẻ em gái có cấu tạo lỗ tiểu rất gần với hậu môn và niệu đạo ngắn hơn bé trai nên rất dễ bị nhiễm trùng ngược dòng, đây có thể nguyên nhân gây đái dầm. Bạn cần hướng dẫn cho trẻ cách vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài đó là phải dội nước từ trước ra sau.
- Trẻ đái dầm khi ngủ do viêm đường tiết niệu, ngoài việc trẻ đái dầm thì còn bị viêm tiết niệu ngược dòng gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của đường tiết niệu, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
- Nếu đái dầm ở bé trai khi bị hẹp bao quy đầu cần được điều trị sớm bằng kỹ thuật nong bao quy đầu hoặc lộn bao quy đầu,...
- Đái dầm ở trẻ em: Những điều cần biết
- Chống chỉ định của thuốc Yspuripax 200mg
- Khi nào trẻ hết tè dầm ban đêm?