Mục lục
Tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chảy nước dãi xuất hiện khá phổ biến biến. Nguyên nhân là do trẻ chưa phát triển toàn diện về cơ quan miệng khiến tuyến nước bọt tăng tiết nhiều hơn. Tuy nhiên, trẻ hay chảy dãi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe cần được quan tâm.
1. Chức năng của tuyến nước bọt
Quá trình tiết nước bọt có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Cụ thể:
- Nước bọt được tiết ra giúp giữ cho miệng trẻ luôn ẩm.
- Giúp làm mềm thức ăn khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, bởi vì trong nước bọt có chứa nhiều enzyme có lợi cho quá trình hấp thu và tiêu hoá thức ăn.
- Nước bọt còn giúp hỗ trợ chức năng nuốt của trẻ vì nó có đặc tính trơn, đồng thời còn giúp kết dính thức ăn với nhau tạo điều kiện để cho trẻ nuốt thức ăn được dễ dàng hơn.
- Nước bọt tiết ra để bảo vệ răng của trẻ: Do trong thành phần của nước bọt có chứa protein giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn đồng thời giúp cho răng được chắc khỏe hơn.
- Nước bọt giúp trung hòa acid trong dạ dày và bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi bị kích ứng.
- Hơn nữa, nước bọt tiết ra còn là dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng, sự phát triển thể chất của trẻ mới bắt đầu tập đi hoặc trẻ chảy nước dãi khi ngửi thấy mùi sữa, mùi thơm của thức ăn.
2. Lý do khiến trẻ hay chảy dãi
Em bé hay chảy nước miếng được biết đến với nguyên nhân do các cơ trong khoang miệng chưa phát triển hoàn thiện, khiến trẻ không thể kiểm soát được hoàn toàn các chức năng nuốt và làm nước dãi của trẻ có thể chảy ra nhiều hơn so với bình thường. Trường hợp này cũng có thể xảy ra cả lúc trẻ đang ngủ. Ngoài nguyên nhân này, thì trẻ hay chảy nước miếng còn có thể do:
- Trẻ bắt đầu mọc răng: Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, quá trình những chiếc răng đang chồi lên khỏi nướu sẽ làm cho trẻ khó chịu đồng thời tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường và có thể dẫn tới tình trạng trẻ hay chảy dãi.
- Trẻ thường xuyên có động tác há miệng cũng có thể khiến cho trẻ nuốt nước bọt không được đều đặn và chảy nước miếng nhiều hơn.
- Khi trẻ đang tập trung vào một việc gì đó quá lâu, cơ thể trẻ cũng có thể tăng sản xuất nước bọt lên nhiều hơn so với bình thường. Hơn nữa, sự chú ý tập trung cao độ của trẻ làm cho trẻ không thực hiện nuốt lượng nước bọt tiết ra, dẫn đến tình trạng chảy nước dãi.
- Nước bọt được sản xuất trong miệng có tác dụng trung hoà môi trường acid trong dạ dày, giúp hạn chế được các bệnh liên quan đến dạ dày và đường tiêu hoá của trẻ. Khi trẻ ăn các loại thức ăn có chứa thành phần acid như cam, chanh, nho thì có thể sẽ kích thích tuyến nước bọt sản xuất nhiều hơn và khiến cho trẻ chảy nước miếng. Tuy nhiên, điều này không đáng lo vì đây cũng là phản xạ có lợi cho trẻ.
- Trẻ hay chảy dãi giúp chống lại tình trạng trào ngược thực quản.
- Trẻ bị viêm miệng khiến nước dãi hay chảy nhiều: Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn tác động từ môi trường sống bên ngoài. Khi virus, vi khuẩn tấn công sẽ làm cho trẻ có thể bị viêm nhiễm ở lưỡi, gò má, môi, lợi... Nếu viêm nhiễm do vi khuẩn herpes có thể khiến cho miệng của trẻ bị phồng rộp xung quanh và nước miếng sẽ chảy ra rất nhiều. Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày nóng bức. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh, tăng cường sức đề kháng cho trẻ vào mùa hè.
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng: Khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng cũng có thể làm cho trẻ hay chảy dãi nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân là do những vết phồng rộp có thể mọc ở hạch hoặc cổ khiến cho trẻ gặp khó khăn nhiều trong việc nuốt nước bọt.
- Trẻ có thể gặp trạng thái rối loạn tâm thần, chậm phát triển hoặc bại não, các khuyết tật bẩm sinh khiến cho nước dãi chảy nhiều hơn so với các trẻ cùng độ tuổi.
3. Những việc cha mẹ cần làm khi trẻ chảy nước miếng nhiều
Mặc dù hiện tượng trẻ hay chảy nước miếng khá phổ biến và có thể được xem như dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, nhưng nếu trẻ lớn hơn mà vẫn xảy ra tình trạng này thì cha mẹ cần xem xét và đưa trẻ đi khám. Bởi vì trẻ có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe nào đó, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ chảy nhiều nước dãi mà không liên quan đến các trường hợp bệnh lý, cha mẹ cần thực hiện một số nguyên tắc sau:
- Thường xuyên chăm sóc vùng da quanh miệng của trẻ: Vùng da xung quanh miệng của trẻ như gò má, cằm hoặc cổ có thể bị viêm nhiễm giống như dị ứng khi trẻ sơ sinh có hiện tượng chảy nước dãi nhiều. Để tránh cho trẻ gặp khó chịu, cha mẹ nên sử dụng khăn sạch và mềm lau thật nhẹ nhàng mỗi khi trẻ bị chảy nước dãi. Bên cạnh đó, làn da của trẻ ở thời điểm này khá mỏng và nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương, vì vậy ngoài việc vệ sinh sạch sẽ miệng cho trẻ, cha mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ.
- Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng áo yếm để tránh tình trạng dãi của trẻ chảy nhiều xuống cả cổ và áo. Tuy nhiên, nên lựa chọn những loại yếm được làm từ vải bông để tăng tính thấm hút. Đồng thời, thường xuyên thay mới và giặt yếm để giữ an toàn cho làn da của trẻ.
- Ngoài việc giữ cơ thể của trẻ được sạch sẽ thì cha mẹ cũng chú ý thường xuyên làm vệ sinh môi trường sống để loại bỏ những nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường có thể tác động đến trẻ. Định kỳ khử trùng các vận dụng trong nhà, không cho trẻ mút tay hoặc ngậm các đồ vật khi ngủ, đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa...
Trẻ chảy nước miếng là hiện tượng bình thường và nếu trẻ vẫn sinh hoạt bình thường thì cha mẹ không nên quá lo lắng, tình trạng này có thể biến mất khi trẻ lớn dần lên. Tuy nhiên, nếu trẻ chảy nước miếng vẫn xảy ra khi lớn lên, không có dấu hiệu thuyên giảm thì cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
- Ung thư tuyến nước bọt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Nước bọt bị chua là do đâu?
- Tăng tiết nước bọt điều trị thế nào?