Mục lục
“Trẻ em ăn rong biển có tốt không” hay “có nên cho bé ăn rong nho không” là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh nuôi con nhỏ. Được biết, trong rong biển, rong nho rất giàu chất khoáng, nguyên tố vi lượng và các chất dinh dưỡng đặc biệt khác, do đó nếu trẻ được sử dụng rong biển hay rong nho sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.
1. Rong nho và thành phần dinh dưỡng của rong nho
Rong nho biển cũng thuộc loại tảo nhưng có hình dạng giống chùm nho và còn biết đến với tên gọi khác là trứng cá muối xanh. Trứng cá muối được mệnh danh là món ăn đắt đỏ và thường chỉ có những người trong giới thượng lưu sử dụng.
Rong nho được khai thác và sử dụng như một thực phẩm thuộc nhóm rau. Tuy nhiên, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong rong nho khá đặc biệt và nhiều hơn so với các loại rau thông thường. Ở Việt Nam, rong nho đã được trồng từ giống của Nhật Bản tại tỉnh Khánh Hòa. Sử dụng rong nho tươi hay rong nho khô đều mang lại món ăn có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
2. Những lợi ích của rong nho đối với sức khỏe
Thành phần dinh dưỡng của rong nho, rong biển có chứa khá nhiều hợp chất tốt và quý giúp nâng cao sức khoẻ và phòng tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
- Rong nho có khả năng giúp cho xương chắc khỏe. Với hàm lượng chất dinh dưỡng trong rong nho giàu protein, canxi và các acid béo không no bão hoà đa như omega 3 hay DHA, EPA, ALA có tác dụng rất tốt giúp kháng viêm và làm giảm các các triệu chứng liên quan đến bệnh viêm khớp. Khi sử dụng loại rong này thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể có một khung xương dẻo dai, chắc khỏe đồng thời giảm nguy cơ gãy xương ở những người tuổi trung niên.
- Rong nho giúp tăng cường thị lực cho mắt vì trong thành phần của rong có chứa giàu chất sắt và vitamin A giúp tăng cường chức năng hệ thần kinh thị giác trong cơ thể, đồng thời cải thiện thị lực và phòng tránh các bệnh liên quan về mắt như quáng gà, khô mắt, vệt bitot...
- Rong nho có vai trò đặc biệt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bởi vì trong thành phần của rong nho có chứa hàm lượng vitamin C khá cao, có tác dụng giúp phòng chống và cải thiện các triệu chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Chẳng hạn như rong nho có thể giúp cơ thể kiểm soát được lượng đường huyết và các hoạt động của gốc tự do, từ đó giúp giảm sự tích tụ sorbitol trong nội bào, đồng thời gây ức chế sự gắn kết của glucose với protein. Hai hoạt động tích tụ sorbitol và glycosyl hóa thường liên quan đến các biến chứng của bệnh đái tháo đường, đặc biệt là biến chứng liên quan đến mắt và thần kinh.
- Rong nho còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, vì trong thành phần của rong nho giàu các acid béo không bão hoà đa như AA, LA, EPA, ALA có tác dụng giúp giảm cholesterol, đồng thời tăng tính co giãn của mạch máu. Các hợp chất này trong rong nho ngoài ra tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa và duy trì cấu trúc collagen của động mạch, còn giúp phòng chống được các bệnh đột quỵ, xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim.
- Thành phần chất béo trong rong nho sẽ giúp bảo vệ màng tế bào của da, đồng thời cải thiện sự đàn hồi thành mạch máu giúp giảm các triệu chứng liên quan đến khô da. Hơn nữa, rong nho còn thúc đẩy sản xuất collagen và chất chống oxy hoá nên làm chậm quá trình lão hoá da cũng như cải thiện cả tình trạng da và tóc.
- Rong nho có thể sử dụng cho những đối tượng mắc bệnh táo bón. Hàm lượng calo và đường trong rong nho rất ít, nhưng rong nho khi vào cơ thể cho phép vi khuẩn dễ dàng tiêu hóa thức ăn và bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vì thế, sử dụng rong nho trong chế độ ăn có thể giúp điều trị táo bón ở cả người lớn và trẻ em.
- Rong nho có hàm lượng đường ít nhưng giàu các chất dinh dưỡng khác như canxi, sắt, kẽm, protein có nguồn gốc thực vật, vitamin C và acid béo không bão hoà đa. Những hợp chất này khiến cho rong nho được coi như thực phẩm bổ dưỡng và an toàn khi sử dụng cho người thừa cân hay đang thực hiện chế độ ăn kiêng.
- Trong rong nho có chứa Fucoidan được biết đến như một chất chống ung thư tự nhiên tuyệt vời. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh Fucoidan có khả năng cung cấp các hợp chất giúp điều trị ung thư hiệu quả. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Nhật bản còn phát hiện được vai trò của Fucoidan có thể hỗ trợ trong điều trị bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư đại tràng...
3. Trẻ em ăn rong biển có tốt không?
“Trẻ em ăn rong biển có tốt không” hay cha mẹ “có nên cho bé ăn rong biển không” là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Trong rong biển, rong nho rất giàu chất khoáng và các nguyên tố vi lượng. Hơn nữa, loại thực phẩm này còn chứa các chất dinh dưỡng đặc biệt khá cao nên nếu trẻ được sử dụng rong biển hay rong nho đều rất tốt.
Không những vậy, hàm lượng chất xơ trong rong biển và rong nho khá dồi dào có thể giúp cho hệ tiêu hoá của trẻ hoạt động trơn tru. Đồng thời hàm lượng acid béo không bão hoà đa khá phong phú bao gồm DHA, EPA, ALA,... giúp cho trẻ phát triển tốt về trí não. Các thành phần dinh dưỡng khác trong rong biển, rong nho cũng giúp cho trẻ tăng cường phát triển cơ, xương và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Tuy nhiên, “trẻ em ăn nhiều rong biển có tốt không” lại là vấn đề khác, bởi bất kỳ một loại thực phẩm nào, khi ăn quá nhiều cũng đều gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, khi sử dụng rong biển và rong nho cho trẻ cha mẹ cần lưu ý:
- Độ tuổi thích hợp được khuyến nghị để sử dụng các loại rong biển, rong nho là trẻ trên 6 tháng tuổi, khi đó hệ tiêu hoá của trẻ đang ở giai đoạn phát triển hoàn thiện và không còn non nớt như lúc trẻ mới chào đời, do đó cha mẹ có thể bổ sung rong biển, rong nho vào trong chế độ ăn của trẻ. Cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại rong đã chế biến sẵn cho bé, chẳng hạn như các loại rong biển ăn liền cho bé.
- Trong thành phần của rong biển và rong nho có chứa hàm lượng iod khá cao, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn thành từng bữa và không ăn quá nhiều một lúc. Tùy theo lượng bổ sung vào bữa ăn mà cha mẹ nên cho trẻ ăn khoảng 1 đến 2 lần một tuần.
- Rong biển và rong nho có thể không thích hợp cho trẻ còi do thực phẩm này có tính hấp thụ chất béo và giúp duy trì cân nặng.
- Vì loại thực phẩm này có thể gây ra dị ứng cho trẻ nên khi sử dụng cha mẹ cần cho trẻ làm quen và theo dõi xem có dấu hiệu gì xảy ra không. Nếu trẻ sử dụng mà có các triệu chứng như khó thở, buồn nôn thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
4. Một số cách chế biến rong biển và rong nho
Cha mẹ có thể sử dụng rong nho tươi cho bé. Rong nho sẽ được rửa sạch với nước ngọt và ngâm vào tô nước đá để khử mùi tanh tự nhiên. Sau khoảng 30 giây ngâm trong nước thì rong nho sẽ bị teo lại. Lúc này có thể lấy rong ra để ăn ngay và rong sẽ rất giòn.
Rong nho khô có thể được ngâm vào nước trong khoảng 3 đến 5 phút thì sẽ từ từ nở ra và tươi trở lại. Sau đó, tiếp tục ngâm vào tô nước đá lạnh trong khoảng thời gian 3 phút để loại bỏ mùi tanh tự nhiên. Sau khi hoàn thành có thể vớt rong ra để ráo và ăn ngay.
Rong biển và rong nho rất tốt cho sức khỏe của mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên, khi sử dụng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý một vài vấn đề như trên để có thể sử dụng hiệu quả loại thực phẩm quý này.
- Ăn rong biển sấy khô có tốt không?
- Ăn rong nho có tác dụng gì?
- Giá trị dinh dưỡng của rong biển