Mục lục
Lươn được xếp vào nhóm thực phẩm khoái khẩu của rất nhiều người bởi hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Giá trị dinh dưỡng của lươn được xếp vào bậc nhất với các loại cá khác. Vì vậy, một số cha mẹ rất quan tâm đến việc liệu trẻ em ăn lươn có tốt không? Để biết được câu trả lời chính xác nhất, cha mẹ cần có những kiến thức cơ bản về lươn.
1. Lươn giàu dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ của trẻ em
Lươn thuộc động vật thân dài, sống ở ao hồ, sông rạch. Thịt lươn có tính mát và chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Trong 100 gam thịt lươn ăn được có chứa 12.7 gam protein, 25.6 gam chất béo, 285 calo và hàm lượng cholesterol khá thấp 0.05 gam. Ngoài ra, trong thịt lươn còn có chứa vitamin như 2000 IU vitamin A, 2000 IU beta carotene, 0.15 mg vitamin B1, 0.31 mg riboflavin...
Đặc biệt trong thành phần của lươn có chứa acid omega 3 và 6 khá dồi dào, cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.
2. Trẻ em ăn lươn có tốt không?
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng sử dụng thịt lươn trong khẩu phần ăn của trẻ giúp tác động tích cực đến tình trạng sức khỏe cũng như phát triển tăng trưởng của trẻ được tốt hơn. Cụ thể:
- Lươn có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ có thể vui chơi hoạt động trong ngày.
- Lươn bổ sung vào chế độ ăn của trẻ giúp cải thiện chức năng cơ bắp để phục vụ cho tính hiếu động của trẻ.
- Lươn còn giúp xây dựng các tế bào máu trong cơ thể của trẻ.
- Lươn giúp cho trẻ có đôi mắt tinh anh và khám phá thế giới xung quanh được tốt hơn.
- Lươn giúp trẻ phát triển xương và mô của cơ thể tốt hơn.
- Lươn bổ sung vào chế độ ăn của trẻ giúp trẻ tăng khả năng tập trung.
- Lươn cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ
- Bổ sung cho trẻ hàm lượng vitamin B12 khá phong phú.
Tuy nhiên, lươn sống trong môi trường bùn lầy dơ bẩn và lại thuộc loài ăn tạp nên sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng. Hơn nữa, trong thịt lươn còn có thể bị nhiễm một số loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, không nên sử dụng lươn khi chưa được nấu chín.
3. Vậy bé ăn lươn nhiều có tốt không?
Với những lợi ích mà lươn có thể mang lại cho sức khoẻ thì việc sử dụng lươn hợp lý cũng khá quan trọng. Do đó, “trẻ ăn nhiều lươn có tốt không” được rất nhiều cha mẹ quan tâm.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà lươn mang lại, nhưng cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều lươn. Bởi bất kỳ một loại thực phẩm nào cũng thế, ăn nhiều hay ít đều không tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị bệnh cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung lươn vào chế độ ăn của trẻ.
4. Cách chọn và sơ chế lươn cho trẻ như thế nào?
Để có món ăn ngon cho trẻ từ lươn, việc lựa chọn và sơ chế lươn không kém phần quan trọng. Khi thực hiện việc này cha mẹ cần lưu ý:
- Chọn lươn vàng, có đuôi dài, đặc biệt lươn phải còn sống. Bởi vì nếu lươn chết có thể sẽ sinh ra histamin gây độc cho cơ thể trẻ em.
- Khi sơ chế lươn nên cho vào một chiếc nồi cùng với một nắm muối hoặc dấm để có thể loại bỏ sạch nhớt trên bề mặt của lươn.
- Lọc bỏ phần xương và ruột sau đó cắt thịt thành từng miếng hoặc luộc lươn cùng với gừng, nghệ đến khi lươn chín thì có thể loại bỏ xương và ruột.
Một số món ăn chế biến từ lươn:
- Món ăn từ lương giúp chữa biếng ăn ở trẻ hoặc trẻ ăn không tiêu, trẻ đổ mồ hôi trộm: Sử dụng 1 con lươn với trọng lượng khoảng 250 gam đến 300 gam, 6 gam mề gà cùng một số loại gia vị như hành, gừng nước tương, muối. Lươn sẽ được mang đi làm sạch loại bỏ nội tạng, nhớt. Sau đó cắt khúc và bỏ vào bát cùng với mề gà, gừng hành, rượu và một chút muối, nước tương, sau đó chưng nhỏ lửa đến khi lươn chín và trộn đều lên là sử dụng được.
- Món ăn chữa tiêu chảy ở trẻ em: Khi trẻ đi ngoài nhiều lần và phân chua hoặc thối có thể sử dụng món ăn từ lươn để cải thiện tình trạng của trẻ. Sử dụng 125 gam lươn, 5 gam mề gà, 10 gam hoài sơn cùng với 2 lát gừng. Lươn được làm sạch loại bỏ ruột và nhớt, sau đó cắt khúc và đem đi xào với gừng, có thể tưới thêm một chút rượu. Cho mề gà và hoài sơn vào, đun nhỏ lửa trong vòng một giờ. Sử dụng nước của hỗn hợp này cho trẻ uống sẽ giúp trẻ hết triệu chứng tiêu chảy.
- Món ăn từ lươn chữa trẻ suy dinh dưỡng, gầy còm, biếng ăn: Sử dụng 300 gam thịt lượng, 15 gam đương quy, 15 gam đẳng sâm, 25gam hành tây, 15 gam gừng tây và muối ăn vừa đủ. Sơ chế và làm sạch lươn để loại bỏ ruột và nhớt. Cắt khúc lươn cho vào nấu cùng với đương quy, đẳng sâm và nấu trong vòng 1 giờ, sau đó cho hành và gừng cùng một chút muối là có thể sử dụng được. Thịt và nước lươn rất bổ dưỡng, khi ăn còn có tác dụng chữa thần kinh và thể lực bị suy nhược do ốm lâu ngày.
5. Những lưu ý cần biết khi chế biến món ăn từ lươn cho trẻ
Khi chế biến món ăn từ lươn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Khi trẻ tròn 1 tuổi, cha mẹ chế biến những món ăn từ lươn cho trẻ không cần cho thêm gia vị gì nào;
- Chế biến an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp trẻ hấp thu dưỡng chất từ lươn tốt hơn;
- Cha mẹ không nên sử dụng hạt tiêu, đường hoặc mật ong vào món ăn của trẻ, vì có thể gây ra những tác dụng phụ tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
- Một số trẻ có thể bị dị ứng khi sử dụng lươn. Vì vậy cha mẹ cần lưu ý tập cho trẻ làm quen dần với món lươn và theo dõi những biểu hiện của trẻ sau khi sử dụng món ăn để có thể kịp thời phát hiện những bất thường xảy ra.
Tóm lại, giá trị dinh dưỡng của lươn được xếp vào bậc nhất với các loại cá khác. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng thịt lươn trong khẩu phần ăn của trẻ để giúp con phát triển tốt về thể chất lẫn trí tuệ. Mặc dù là loại thực phẩm rất tốt, nhưng cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn lươn ở mức độ vừa phải, không nên lạm dụng lươn vì sẽ mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Đổ mồ hôi đêm: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
- 10 nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm ở nam giới
- Đổ mồ hôi nhiều chưa chắc đã giảm được cân