Mục lục
Khoai lang là một loại thực phẩm quen thuộc, cần thiết và rất tốt dành cho trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi ăn dặm. Trẻ ăn khoai lang sẽ được cung cấp các chất dinh dưỡng cũng như vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, trẻ em lại không nên ăn khoai lang nhiều và thường xuyên. Việc ăn nhiều hoặc ít bất kỳ một thực phẩm gì cũng sẽ gây hại cho sức khỏe con người.
1. Trẻ ăn khoai lang mang lại những lợi ích gì?
Khoai lang là một loại thực phẩm quen thuộc, cần thiết và được nhiều người ưa thích. Khoai lang không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe của trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi ăn dặm.
Trong 100g khoai lang có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất đường bột, chất béo, chất xơ cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất với tỷ lệ khá tương đồng. Đặc biệt, hàm lượng vi chất dinh dưỡng của khoai lang cao gấp nhiều lần so với những loại thực phẩm khác.
Giá trị dinh dưỡng của khoai lang bao gồm:
- Khoai lang chứa rất nhiều vitamin A và beta-carotene: Khoai lang có màu vàng cam rất giàu vitamin A, một loại dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của mắt, nên rất tốt đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Không những vậy, khoai lang còn chứa nhiều beta – caroten, là tiền chất của vitamin A, sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin A. Thế nên việc bố mẹ cho trẻ ăn khoai lang trong giai đoạn ăn dặm là hoàn toàn đúng đắn.
- Khoai lang giàu tinh bột: Khoai lang rất giàu tinh bột (chất đường bột – carbohydrate) nên sẽ đem lại cho trẻ nguồn năng lượng dồi dào, giúp trẻ vui chơi cả ngày mà không lo mất sức.
- Khoai lang giàu chất xơ: Khoai lang cũng chứa nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ. Cho trẻ ăn khoai lang sẽ bổ sung lượng chất xơ cần thiết, giúp chữa táo bón cho trẻ. Trung bình 100gr khoai lang nấu chín bóc vỏ chứa khoảng 3,9 gram chất xơ. Ngoài ra, đối với trẻ bị táo bón, ăn khoai lang còn cải thiện sức khỏe đường ruột cũng như các vấn đề về tiêu hóa.
- Khoai lang giàu vitamin: Ngoài vitamin A, trong khoai lang còn có rất nhiều các vitamin tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ như các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B9...) hỗ trợ quá trình chuyển hoá các chất dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và chống oxy hóa rất tốt; vitamin E tăng cường trí nhớ và giúp da tóc chắc khỏe; vitamin K giúp xương khớp chắc khỏe và hỗ trợ quá trình đông máu. Những vitamin có trong khoai lang sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể của trẻ phát triển khỏe mạnh.
- Khoai lang rất giàu khoáng chất: Khoai lang là loại củ rất giàu khoáng chất. Trẻ ăn khoai lang sẽ được cung cấp đầy đủ sắt, folate, canxi, kẽm, magie, kali, mangan, photpho. Những khoáng chất giúp cho các quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ nhỏ diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Với hàm lượng các chất dinh dưỡng cao và sự phong phú về loại, màu sắc cũng như đa dạng trong cách chế món ăn cho trẻ, khoai lang đã trở thành loại thực phẩm được ưu tiên lựa chọn. Đặc biệt, đối với trẻ trong độ tuổi ăn dặm, các món ăn từ khoai lang còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ như:
- Sử dụng khoai lang làm món ăn dặm chính cho trẻ sẽ giúp cơ thể phát triển tốt, đặc biệt là mắt và trí não.
- Hàm lượng vi dưỡng chất trong khoai lang cao sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cho quá trình chuyển hoá trong cơ thể.
- Hàm lượng chất xơ cao nên khoai lang là loại thực phẩm hỗ trợ cho hệ tiêu hóa, cực kỳ hiệu quả trong việc chữa táo bón cho trẻ.
- Khoai lang dễ ăn, có vị ngọt dịu nên trẻ em rất thích.
- Có nhiều loại khoai lang với nhiều màu sắc khác nhau sẽ kích thích thị giác của trẻ, tăng sự hứng thú và ngon miệng khi ăn.
- Các món ăn làm từ khoai lang rất đơn giản, dễ chế biến và nhanh chóng.
2. Trẻ em ăn khoai lang nhiều có tốt không?
Khoai lang rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A và beta – carotene giúp bé sáng mắt và chống lại các vi khuẩn gây bệnh; chất xơ và các loại vitamin hỗ trợ hệ tiêu hoá, kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng nên bổ sung khoai lang vào chế độ ăn hằng ngày để giúp trẻ nhỏ phát triển khỏe mạnh.
Thế nhưng trẻ em lại không nên ăn khoai lang nhiều và thường xuyên. Các bữa ăn của trẻ, đặc biệt là các bé trong độ tuổi ăn dặm, cần đảm bảo đầy đủ và cân đối 4 nhóm dưỡng chất quan trọng. Việc ăn quá nhiều hoặc quá ít bất kỳ một chất gì cũng sẽ gây hại cho sức khỏe. Tương tự như vậy, nếu bố mẹ cho trẻ ăn khoai lang quá nhiều và thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nguyên nhân là do:
- Khoai lang cũng chứa nhiều chất đường bột nhưng không giống như gạo. Chất đường bột trong khoai lang sẽ làm tăng tiết dịch dạ dày trong hệ thống tiêu hóa khiến trẻ bị ợ chua, đầy bụng, chướng bụng, sôi ruột. Đối với trẻ em mắc bệnh đái tháo đường, cần tuyệt đối không được ăn khoai lang khi đang đói bụng vì sẽ làm cho bệnh thêm xấu đi.
- Khoai lang chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ nhưng nếu ăn quá nhiều và thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt protein. Không những vậy, nếu tiêu thụ quá mức lượng chất xơ có trong khoai lang sẽ gây tăng hấp thụ vi khoáng khiến cho cơ thể trẻ nhỏ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, có thể gây ra suy nhược cơ thể.
Do đó, chỉ nên cho trẻ em ăn khoảng 100 gram khoai lang một ngày. Ngoài cho trẻ ăn khoai lang, bố mẹ cần chú ý bổ sung rau xanh, trái cây vào trong khẩu phần ăn mỗi bữa và pha sữa với đủ lượng nước theo đúng hướng dẫn. Đặc biệt, nguồn lương thực chính của trẻ vẫn là gạo, các loại đậu và khoai chỉ là nông sản phụ đi kèm vì thành phần dưỡng chất không thể bằng gạo.
3. Cách chọn và bảo quản khoai lang đúng
Nếu bảo quản khoai lang không đúng cách thì khoai rất dễ bị mọc mầm. Lúc này, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong khoai lang không chỉ bị mất đi mà còn bị chuyển hoá thành những chất gây hại cho sức khỏe. Chính vì thế, để hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng có trong khoai lang, các bậc phụ huynh cần biết cách lựa chọn và bảo quản khoai lang đúng.
- Khi chọn mua khoai lang nên chọn những củ có màu sắc lớp vỏ bên ngoài đồng đều, không bị sứt mẻ, trầy xước hay bị nứt, không bị dập, cầm lên thấy cứng chắc, nặng tay. Tránh mua những củ khoai lang bị rỗ hoặc có màu đen vì đây là dấu hiệu cho thấy khoai lang đã bị sâu, hỏng.
- Nên mua khoai lang ở những cửa hàng đáng tin cậy, tránh mua khoai lang đã mọc mầm.
- Khoai lang sau khi mua về nếu bảo quản trong tủ lạnh thì cần rửa sạch trước, để ráo nước và giữ trong khoảng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, không cần bảo quản khoai lang trong tủ lạnh mà chỉ cần giữ ở nơi khô ráo với nhiệt độ phòng và nên sử dụng hết trong vòng 7 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, hãy giữ nguyên lớp đất bên ngoài, đặt khoai ở nơi mát mẻ, khô ráo và tối ở nhiệt độ khoảng 15oC. Tuy nhiên, đừng để khoai lang quá một tháng.
Tóm lại, trẻ ăn khoai lang sẽ được cung cấp các chất dinh dưỡng cũng như các vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Thế nhưng trẻ em lại không nên ăn khoai lang nhiều và thường xuyên. Việc ăn quá nhiều hoặc quá ít bất kỳ một thực phẩm gì cũng sẽ gây hại cho sức khỏe con người.
- Chất xơ thường có nhiều trong loại thực phẩm nào?
- Người bệnh tiểu đường nên ăn gì thay cơm?
- Khám phá các thành phần dinh dưỡng trong khoai lang