Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Để hiểu rõ hơn vấn đề trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
1. Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một dạng bệnh lý của não bộ vì có xuất hiện rối loạn phát triển thần kinh (ví dụ như thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường.
Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần suất gặp 1 trên 100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8% .Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
2. Những biểu hiện của tự kỷ
- Không có kỹ năng tương tác xã hội là vấn đề cơ bản của tự kỷ như trẻ không biết chỉ tay, ít giao tiếp bằng mắt, ít cử chỉ giao tiếp, chơi một mình không chia sẻ, chỉ làm theo ý thích của mình, không khoe, không để ý đến thái độ và tình cảm của người khác,... Trẻ thường gắn bó và để ý tới đồ vật nhiều hơn là để ý tới mọi người xung quanh.
- Bất thường về ngôn ngữ: chậm nói, hoặc đã nói được nhưng sau lại không nói, phát âm vô nghĩa, dạy không nói theo, ngôn ngữ thụ động, không biết đặt câu hỏi, hoặc hỏi lại nhiều lần một câu hỏi. Giọng nói khác thường như nói giọng lơ lớ, thiếu diễn cảm, nói nhanh, nói ríu lời, nói rất to...
- Những bất thường về hành vi, thói quen và ý thích thu hẹp: hành vi định hình như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, nhảy chân sáo, chạy vòng quanh, nhảy lên... Những thói quen rập khuôn thường gặp là: đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, thích mặc đúng bộ quần áo đó, luôn làm một việc theo một trình tự,...
- Những ý thích thu hẹp như: cách chơi đơn điệu kéo dài, cuốn hút nhiều giờ xem ti vi quảng cáo, điện thoại, quay bánh xe; luôn cầm một thứ như bút, que, tăm, giấy, chai lọ, đồ chơi có màu ưa thích hoặc có độ cứng mềm khác nhau... Có khoảng trên 70% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, không phản ứng với nguy hiểm.
3. Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ?
Trên thực tế có khoảng 1/4 trẻ bị chậm nói, một số trẻ trong số đó vẫn phát triển khá bình thường, có thể đạt được mốc phát triển như những trẻ khác vào tuổi lên 2. Chậm nói ở một trẻ bình thường có thể là xuất phát từ những vấn đề về lưỡi và vòm miệng hoặc các vấn đề về thính giác.
Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm đáp ứng yêu cầu người lớn... song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những trẻ như thế này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, giao cảm tốt với người thân và vận động như trẻ bình thường.
Chậm nói có thể là một dấu hiệu điển hình của bệnh tự kỷ, nhưng không phải cứ trẻ bị chậm nói là tự kỷ. Dưới đây là 5 dấu hiệu chỉ báo ở trẻ chậm nói có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ:
- Khi 12 tháng trẻ không nói bập bẹ
- Khi 12 tháng trẻ vẫn chưa biết chỉ ngón tay hoặc không có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp phù hợp
- 16 tháng chưa nói từ đơn
- Khi 24 tháng chưa nói được câu 2 từ hoặc nói chưa rõ
- Trẻ bị mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Cách tốt để biết chính xác trẻ có phải bị tự kỷ không là cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn cao trong lĩnh vực phát hiện và điều trị tự kỷ.
- Dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ - Lời khuyên dành cho cha mẹ
- Có cách nào dạy trẻ tự kỷ tại nhà không?
- Các dấu hiệu bệnh tự kỷ ở người lớn